Yên Tử trường tồn
Yên Tử là nơi hình thành và phát triển của dòng thiền thuần Việt: Trúc Lâm Yên Tử. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1974, năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và hiện đang trong lộ trình trở thành Di sản thế giới.
Năm 1992, Ban Quản lý di tích Yên Tử được thành lập, trực thuộc TP Uông Bí, lúc ấy còn là TX Uông Bí. Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần III diễn ra tại Hà Nội đã chính thức thống nhất quan điểm Yên Tử là một trong những trung tâm trọng điểm của Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Yên Tử.Gần 20 năm sau ngày Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận là Di tích cấp quốc gia, phần lớn các điểm di tích ở đây như chùa, am, tháp đều ở dạng phế tích.
Ông Trần Trương, Trưởng ban đầu tiên của Ban Quản lý di tích Yên Tử, cho biết: Trong hàng chục di tích quốc gia của Quảng Ninh được công nhận trước thời, cùng thời Yên Tử, Yên Tử là di tích hiếm hoi có ban quản lý trực thuộc chính quyền cấp huyện. Điều này không đơn thuần đánh dấu sự có mặt, sự tham gia trực tiếp và bài bản của cơ quan quản lý nhà nước tại Yên Tử mà chính là sự khởi đầu của một tầm nhìn, một khát vọng phục hưng Yên Tử của cán bộ và nhân dân Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Năm 1996, Yên Tử nhận được gói 64,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Yên Tử. Mặc dù sau này chỉ giải ngân được gần 2/3 số tiền trong gói 64,5 tỷ đồng, thế nhưng cũng đủ để các chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, Cầm Thực, Suối Tắm, Giải Oan, Bí Thượng, vườn tháp… lần lượt được trùng tu, tôn tạo; một số điểm khác được khảo cổ, thu thập tư liệu; một số công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng.
Cùng với các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trùng tu tôn tạo di tích, việc dừng hoạt động khai thác than trong khu vực Yên Tử đã được thực hiện triệt để. Công tác bảo vệ, làm giàu rừng được tăng cường, tạo vành đai bảo vệ Yên Tử; các hoạt động dân sinh của người bản địa có nguy cơ ảnh hưởng tới môi sinh, môi trường Yên Tử được chấn chỉnh. Giới tăng ni cũng có mặt ở Yên Tử thường xuyên hơn và thực hiện các hoạt động Phật pháp. Đặc biệt Quảng Ninh bắt đầu đưa ra chủ trương thu hút doanh nghiệp làm dịch vụ, phục vụ ở Yên Tử. Điều này được đánh giá là điều kiện tạo nên bước chuyển mới ở Yên Tử.
Năm 2000, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thực hiện dự án cáp treo lên Hoa Yên đã chính thức đánh dấu sự có mặt của doanh nghiệp tại Yên Tử. Đến nay, Tùng Lâm lần lượt là chủ đầu tư của các dự án trăm tỷ, ngàn tỷ tại Yên Tử như cáp treo giai đoạn II, giai đoạn III, bến xe Yên Tử, đặc biệt là đại dự án Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với 11 hạng mục thành phần.
Theo các chuyên gia, khó có doanh nghiệp nào làm cáp treo mà giữ được từng gốc cây rừng; làm đại công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm mà bằng các vật liệu trấu, gỗ, đất nung, đồng, gốm, thiết kế cửa vòm theo hình tháp tổ, tường dày, mái ngắn, ngói ngả màu thời gian; làm sản phẩm du lịch thiên về tính thiền tịnh… Bởi đây đều là những lựa chọn tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, công sức, trí tuệ…, điều mà doanh nghiệp thông thường không ưu tiên. Nhưng Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã làm được điều đó.
Cùng với những chuyển động của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, hình ảnh Yên Tử ngày càng đổi thay và tỏa sáng với sự kiện phục dựng chùa Đồng năm 2005, ngôi chùa lập kỷ lục Việt Nam về chùa đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao nhất. Sự kiện dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013 cũng lập kỷ lục châu Á là tượng đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất. Cả 2 công trình này đều do Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng với nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó công tác quản lý, vận hành Yên Tử ngày càng khoa học, hiện đại, giàu tính nhân văn đã tạo sức hút cho Yên Tử.
Làng Hành hương Yên Tử tĩnh lặng buổi sớm mai.
Một Yên Tử thiếu người qua lại những năm 1990, một Yên Tử lượng khách chưa bằng 1/2 đền Cửa Ông những năm 2000 giờ đây đã được thay bằng một Yên Tử đón 1,5 - 2 triệu lượt khách mỗi năm, là điểm du lịch tâm linh có lượng khách lớn nhất toàn tỉnh. Không chỉ có vậy, từ hào quang của Yên Tử đã trở thành mạch nguồn góp phần hệ thống và chuẩn hóa hoạt động Phật pháp. Kết quả đó chính là sự cộng hưởng những nỗ lực của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp và giới tăng ni, phật tử Quảng Ninh nói riêng, trong và ngoài nước nói chung.
Tại cuộc hội thảo khoa học về Yên Tử được tổ chức gần đây nhất tại Quảng Ninh, PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, với những giá trị to lớn trong lòng Yên Tử, sự gìn giữ, phát huy giá trị Yên Tử đúng cách thời gian qua, thì việc Yên Tử đặt mục tiêu trở thành Di sản thế giới là rất khả thi. Thực chất mục tiêu này đã được Quảng Ninh đặt ra từ nhiều năm trước, mốc khởi động là năm 2015. Đến nay, theo PGS-TS Đặng Văn Bài chính là thời điểm thuận lợi nhất để Yên Tử đẩy mạnh lộ trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Lý do là bởi giờ đây có sự góp sức, chung tay của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương thay vì chỉ riêng Quảng Ninh. Yên Tử thay vì đứng độc lập đã được đặt trong mối liên hệ kết nối hữu hình, vô hình cả về không gian, thời gian, hạ tầng giao thông, hệ tư tưởng...
Các nhà khoa học lịch sử đã cho rằng, tính khác biệt của Yên Tử chính là nơi khởi đầu của dòng thiền Việt, Thiền phái Trúc Lâm; Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ 2.000 năm trước, thế nhưng giáo lý và vị tổ đều là người nước ngoài. Chỉ có Thiền phái Trúc Lâm xuất hiện 13 thế kỷ sau đó là do người Việt sáng lập, chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất và giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm cũng chính là từ cuộc sống của người Việt mà ra và trở lại hòa hợp với đời sống xã hội Việt.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tất cả những giá trị trên sẽ là điểm cộng cho Yên Tử dưới con mắt của các chuyên gia văn hóa UNESCO khi đưa di sản này lên tầm thế giới. Mục tiêu đưa ra là giữa năm 2021 gửi dự thảo hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử về Bộ VH-TT&DL; đầu năm 2022 gửi hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đến Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Yên Tử ngàn năm mây trắng. Những giá trị của Yên Tử đã trường tồn và được gìn giữ, bảo vệ, phát huy đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Phật tử, du khách về với Yên Tử mang theo những háo hức trải nghiệm, những đức tin chánh niệm, những sự thỏa nguyện thụ hưởng giá trị cuộc sống. Cũng vì vậy mà Yên Tử giờ đây chuyển động 24h/ngày, 4 mùa/năm. Việc Yên Tử đang trên lộ trình trở thành Di sản văn hóa thế giới lại càng là cơ hội để giá trị của di sản này được lan tỏa cao hơn, xa hơn.
Bài: Việt Hoa
Thực hiện: Vũ Đức
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Đại hội chi bộ quân sự phường Phương Đông nhiệm kỳ 2025-2027
- Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ
- Công an thành phố Uông Bí bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
- Công an Uông Bí khởi tố "Nữ đại lý" bán lẻ ma túy
- Đại hội Chi bộ Trường THCS Nguyễn Trãi nhiệm kỳ 2025-2027
- Trao quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
- Công an thành phố Uông Bí vận động thành công đối tượng truy nã quốc tế ra đầu thú
- Người điều khiển xe máy thực hiện hành vi vi phạm nào sẽ bị tịch thu phương tiện?
- Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Tập trung phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm
- Thực phẩm chức năng men gạo đỏ của Kobayashi liên quan đến tổn thương thận kéo dài
- Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào
- Phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe nhân dân