Tích cực cấp cứu trẻ đuối nước qua cơn nguy kịch

Chiều ngày 31-7-2017 bệnh nhi Đỗ Phúc A. 18 tháng tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh được người nhà phát hiện bị đuối nước trong tư thế nằm nổi úp trên mặt nước trong bể cá cảnh của gia đình. Gia đình đã tự sơ cứu và đưa trẻ đến bệnh viện. Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trẻ li bì, da toàn thân tím… Xác định đây là một ca đuối nước nặng, người nhà lại không rõ thời gian trẻ bị ngập trong nước, các bác sĩ chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã khẩn trương cấp cứu, tích cực hồi sức kiểm soát các thông số hô hấp, tuần hoàn, sau 5 ngày điều trị cháu A. đã qua cơn hiểm nghèo.

BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp- Trưởng khoa Nhi khám cho bệnh nhi. 

Được biết sau khi phát hiện sự việc, người nhà ngay lập tức vớt trẻ ra khỏi bể và sơ cứu tại chỗ, trẻ ho được, nôn ra nước bể cá, tím tái toàn thân và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Đông Triều cấp cứu. Trẻ được đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Tại đơn vị Hồi sức cấp cứu Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển trẻ li bì, kích thích nhẹ, tím tái, rối loạn vận mạch, da toàn thân nổi vân tím, đầu chi lạnh, không phù, xuất huyết dưới da quanh 2 hố mắt và rải rác vùng mặt, cổ, nồng độ oxy trong máu thấp dưới mức có thể đo được, nội khí quản trào bọt hồng... Chẩn đoán trẻ có phù phổi cấp, suy hô hấp nặng do đuối nước ngọt. Tiên lượng rất nặng do trẻ trong tình trạng thiếu oxy và nguy cơ viêm phổi nặng.

Sau 6 giờ tích cực cấp cứu, thở máy hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh...  trẻ đã có tiến triển: Tri giác tốt hơn, chức năng tim phổi được kiểm soát, các thông số về chức năng gan thận trong giới hạn cho phép. Đến ngày 5-8 trẻ được cai máy thở, chuyển thở oxy qua mask, môi hồng, ăn sữa, súp qua sonde dạ dày, nồng độ oxy trong máu 98%-100%. Hiện tại trẻ tỉnh, tự thở đều, môi hồng, ăn sữa đổ thìa tốt và dự kiến sẽ được ra viện sau 18 ngày điều trị.

BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí - bác sĩ trực tiếp cấp cứu và điều trị cho trẻ cho biết: “Đối với tình trạng đuối nước, 3 yếu tố tiên lượng quan trọng nhất gồm thời gian trẻ ngập trong nước, thời gian cấp cứu sau khi được vớt ra khỏi vị trí đuối nước, trẻ dưới 3 tuổi tiên lượng thường nặng hơn so với các lứa tuổi khác… Tại cơ sở y tế trẻ cần được ưu tiên kiểm soát đường thở để phục hồi sự sống. Trường hợp cháu Đỗ Phúc A. rất may mắn vì đã được cấp cứu thành công”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, trong đó độ tuổi từ 0 - 4 chiếm tỷ lệ cao nhất, trẻ nam gặp nhiều hơn trẻ nữ. Tình trạng đuối nước ở trẻ được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng… Đặc biệt địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng, biển, sông, ngòi… Để chủ động phòng ngừa đuối nước tại nhà, ngoài chú ý để mắt tới trẻ, các hộ gia đình cần chú ý làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước, sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)…. Các bậc phụ huynh, người lớn trong gia đình cũng cần cập nhật kiến thức xử trí, sơ cứu trẻ bị đuối nước để có thể cấp cứu trẻ kịp thời và đúng cách khi cần. Bởi sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật trong nhiều trường hợp quyết định sự sống còn hay di chứng não ở đối tượng bị đuối nước.

(Tin do Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cung cấp) 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 38619 Tổng lượt truy cập 94882998