Tăng cường phối hợp quản lý công dân Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài
Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến mua bán người đang diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Các hành vi phạm tội này ngày càng trở nên tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và quốc tế, được thực hiện bởi các nhóm tội phạm chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người.
Đặc biệt, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với thủ đoạn như "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp tại các quốc gia khác. Sau đó, họ yêu cầu nạn nhân phải trả một khoản tiền chuộc lớn nếu muốn về nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng các thủ tục đơn giản như kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch hay thăm thân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân và bán sang tay cho nhiều chủ, nhằm cưỡng bức lao động, mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Thực hiện Công văn số 3708/UBND-NC ngày 26/12/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường phối hợp quản lý tình hình công dân Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài, UBND thành phố Uông Bí đã có văn bản yêu cầu các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ công dân của thành phố xuất cảnh, di cư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines...); tăng cường quản lý cư trú, chủ động phát hiện, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tội phạm liên quan đến mua bán người, tổ chức xuất cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Đặc biệt, cần chú trọng vào các hành vi đưa người sang làm việc trái phép trong các casino, trung tâm lừa đảo trực tuyến tại Campuchia và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, cần chủ động phát hiện các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ công dân xuất cảnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, điều tra và xử lý theo thẩm quyền; kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin về công dân bị bóc lột, cưỡng bức lao động tại nước ngoài để gửi đến Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan để hỗ trợ giải quyết; tăng cường cung cấp thông tin để người dân nhận thức được thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, như lừa đảo về việc "việc nhẹ, lương cao" để nạn nhân tự nguyện xuất cảnh, sau đó bị bóc lột, cưỡng bức lao động. Cần tuyên truyền để người dân chủ động tìm hiểu kỹ về công việc, điều kiện làm việc, hợp đồng lao động ở nước ngoài, nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ mua bán người và đấu tranh hiệu quả với tội phạm này. Đồng thời, cần thông tin rõ ràng về các công ty dịch vụ xuất khẩu lao động được cấp phép và khuyến nghị người dân ký hợp đồng qua các công ty này. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Tin tức khác
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà Tết tại TP Uông Bí
- Công an thành phố tổng kết công tác năm 2024, phát động phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" năm 2025
- Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Trường TH Quang Trung báo công dâng Bác tại Khu Di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí
- Khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống thành phố lần thứ 26 năm 2025
- Đại hội Chi bộ Công ty CP Cơ khí Uông Bí, nhiệm kỳ 2025-2027
- Phòng tránh ngộ độc rượu dịp cận Tết Nguyên đán
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Quy tắc 6 không bảo vê người dùng an toàn trên không gian mạng
- Những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm cho năm 2025 và những năm tiếp theo