Phòng tránh ngộ độc rượu dịp cận Tết Nguyên đán
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán cũng là dịp các buổi liên hoan, tiệc tùng, tụ tập bạn bè, anh em, đồng nghiệp diễn ra kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ rượu, bia tăng mạnh. Hệ lụy là số người nhập viện vì ngộ độc rượu, bia, rối loạn tâm thần tăng cao.
Không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đến Tết lại lo… ngộ độc rượu
Ngày 27-12-2024, một vụ ngộ độc rượu xảy ra tại cửa hàng bán bánh canh cá lóc trên địa bàn phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả 4 nạn nhân đều bị ngộ độc methanol. Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh đã lấy 10 mẫu rượu từ 5 cơ sở buôn bán kinh doanh rượu và rượu thu được tại nơi lưu trú của các nạn nhân để kiểm nghiệm methanol và acetonitrile; 4 mẫu huyết thanh và huyết tương của các bệnh nhân lấy từ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm nghiệm methanol. Kết quả, có 3 mẫu rượu phát hiện methanol vượt rất nhiều lần hàm lượng methanol cho phép trong rượu. Cụ thể, mẫu rượu trắng tại quán bánh canh cá lóc trên có kết quả xét nghiệm cao gấp 2.353 lần mức cho phép; mẫu rượu trắng tại hộ kinh doanh tạp hóa (nơi các nạn nhân mua rượu) cao gấp 300 lần cho phép; mẫu rượu màu tại nhà một nạn nhân cao gấp 411 lần mức cho phép.
Trước đó, chiều 24-12-2024, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Nguyên nhân vụ ngộ độc được kết luận là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mang ở bên ngoài vào bữa tiệc liên hoan cuối năm. Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính. Kết hợp với bệnh cảnh của bệnh nhân, các bác sĩ nhận định nạn nhân bị ngộ độc acetonitrile.
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả. Sau khi đi vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa từ đó tạo thành chất gây ngộ độc. Việc uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Còn acetonitrile là một hóa chất hữu cơ được dùng làm dung môi trong công nghiệp, không phải thành phần sinh ra trong quá trình sản xuất rượu trắng. Tuy nhiên, nếu acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc acetonitrile có thể xảy ra. Khi vào cơ thể, acetonitrile có thể chuyển hóa chậm thành cyanide gây ngộ độc nghiêm trọng với biểu hiện sau uống nhiều giờ.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều, gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.
Cảnh giác với các loại rượu “quê”, rượu “nhà nấu”
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến sử dụng các sản phẩm rượu làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu và cảnh báo cộng đồng nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 3253/ATTP-NĐTT đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng Ngành Công Thương tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.
Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc nguyên liệu sản xuất rượu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm nói chung và các loại rượu nói riêng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Tin tức khác
- Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tăng cường phối hợp quản lý công dân Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài
- Trường TH Quang Trung báo công dâng Bác tại Khu Di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí
- Khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống thành phố lần thứ 26 năm 2025
- Đại hội Chi bộ Công ty CP Cơ khí Uông Bí, nhiệm kỳ 2025-2027
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Quy tắc 6 không bảo vê người dùng an toàn trên không gian mạng
- Những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm cho năm 2025 và những năm tiếp theo
- Cô giáo Trịnh Thị Thu Huệ - người truyền lửa nhiệt huyết
- Tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng Viên
- Bộ CHQS tỉnh phát động Phong trào Thi đua Quyết thắng và triển khai nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2025