Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống Đại Việt thời Trần, thế kỷ XIII - XIV (Phần 3)

Với sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt thời Trần - lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam có Tổ sáng lập là người Việt Nam. Hình ảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông - một vị Vua khước từ công danh phú quý, xuất gia về Yên Tử tu hành, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm đẹp đẽ uy linh chẳng khác gì Hoàng thái tử Tất đạt đa Cồ Đàm lên non xanh quyết chí tu hành, trở thành Đức Phật Thích ca Mâu ni - Tổ khai sáng của Phật giáo thế giới. Người dân thờ Phật, thờ Tổ tại các chùa chiền, tư gia không chỉ có thờ Phật, thờ Tổ người ngoại quốc mà còn thờ Đức Phật Việt Nam là Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các Chư Tổ Phật giáo là người Việt Nam.

Với sự xuất hiện của các thế hệ Tổ và các thế hệ đại đệ tử xuất chúng như 5 vị vua đầu thời Trần và các Thiền sư, cư sỹ ngộ đạo thời Trần, lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam có giáo lý, giáo luật và giáo lễ do chính người Việt biên soạn, cả bằng chữ Hán như Thiền tông chỉ nam, Khóa hư lục... của Trần Thái Tông; nhưng phần lớn bằng chữ Nôm như Cư trần lạc đạo phú... của Trần Nhân Tông, phù hợp với tư duy, lối cảm cách nghĩ của người Việt, không những dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền tụng, phổ biến trong dân chúng mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, rằng họ không chỉ được học ngoại điển mà cả nội điển do chính người Việt biên soạn, rằng Đại Việt cũng có các nhà tư tưởng hiền triết. Sự ra đời của Phật Tổ Việt Nam và các thế hệ Chư Tổ Phật giáo Việt Nam đã dần dẹp bỏ tâm lý tự ti dân tộc, hun đúc niềm tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, tạo nên sức mạnh tinh thần bất khuất của người dân Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống đế chế Mông Cổ xâm lược, đồng thời khẳng định chủ quyền, vị thế Đại Việt trước các nước láng giềng.

Phật giáo Trúc Lâm phát triển đã tạo nên một luồng sinh khí mới mạnh mẽ cho Đại Việt thế kỷ 13 - 14, tạo nên sự thống nhất cao độ giữa chính quyền và tôn giáo, giữa tầng lớp quý tộc và mọi tầng lớp nhân dân.

Thời Trần, Đại Việt có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Trong Phật giáo cũng tồn tại 3 tông phái chính là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông. Được sự bảo trợ của triều đình, các tôn giáo, tông phái trên có điều kiện củng cố vị thế và cùng tồn tại. Các tôn giáo hay các tông phái khác nhau trong cùng một tôn giáo thường có những quan điểm tư tưởng, cách thức tu tập hành đạo khác nhau. Mặc dù trong lịch sử Việt Nam chưa từng xảy ra chiến tranh giữa các tôn giáo, song những khác biệt về tư tưởng, hành vi giữa các tôn giáo hoặc thậm chí giữa các tông phái trong cùng một tôn giáo nếu không có được sự dung hợp, thống nhất rất dễ xảy ra mất đoàn kết trong xã hội. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết, hòa hợp tôn giáo, dân tộc, các vua đầu triều Trần và các thế hệ Thiền sư, cư sỹ thời đó đã lập nên Phật giáo Trúc Lâm - một Phật giáo có sự dung hợp Tam giáo Phật – Nho - Đạo và tín ngưỡng dân gian, có sự hiển đạt Tam tông Thiền - Tịnh - Mật, một “Phật giáo mới” mang đậm bản sắc Đại Việt.

Nhờ sự dung hợp ấy, Phật giáo Trúc Lâm đã thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” của các tôn giáo, các tông phái Phật giáo và tất cả những ai theo đạo thờ cúng Tổ tiên, Thánh Mẫu, Tứ phủ, Thành hoàng... theo tín ngưỡng dân gian. Sự dung hợp ấy đã giúp vua tôi thời Trần không phân biệt khuynh hướng tư tưởng, chia rẽ tôn giáo, giai tầng trong xã hội, hợp thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sự đoàn kết trong tôn giáo nói riêng và toàn dân tộc nói chung đã tạo thành sức mạnh khiến cho một quốc gia nhỏ như Đại Việt có thể bảo vệ đất nước trước nạn xâm lăng của đế chế Mông Cổ.

Không chỉ tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, Phật giáo Trúc Lâm còn góp phần tạo nên tình bang giao hữu hảo giữa Đại Việt với các nước láng giềng. Nhờ chuyến vân du hoằng pháp sang Chiêm Thành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông tháng 3 năm 1301 mà hai quốc gia đã trở nên hòa hiếu, chung sống hòa bình. Bằng “Con đường ngoại giao của nhà Phật”, chỉ sau chiến thắng đế chế Mông Cổ lần thứ ba 7 năm, năm 1295, Phật Hoàng cùng vua Trần Anh Tông đã sai sứ giả sang Đại Nguyên để xin thỉnh ấn kinh Đại Tạng rồi cho ấn tống, ban phát rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Kể từ sau cuộc kháng chiến chống đế chế Mông Cổ lần thứ 3 vào năm 1288 đến trước cuộc xâm lăng của nhà Minh vào tháng 4 năm 1406, Đại Việt đã tránh được nạn binh đao từ phương Bắc đem lại trong khoảng thời gian 118 năm. Các nước ở vùng Đông Nam Á thời đó như Cao Miên - Căm pu chia, Ai Lao - Lào, Xiêm - Thái Lan, Chà Và - Inđonexia..., nhờ vậy cũng tránh được kiếp nạn này. Có thể nói, Phật giáo Trúc Lâm cố kết nhân tâm, gây dựng tinh thần đoàn kết tôn giáo trong cộng đồng, góp phần tạo dựng nền hòa bình và tình bang giao giữa Đại Việt với các nước láng giềng.

Phật giáo Trúc Lâm để lại di sản văn hóa lớn cho đời sau. Trong đó, di sản văn hóa vật thể có giá trị lịch sử không hề nhỏ cho đến ngày nay với nhiều di tích/khu di tích được xếp hạng quốc gia, Quốc gia Đặc biệt, như: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh; Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh; Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, Hải Dương... Nhiều di vật đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia như Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang trước chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, Hộp vàng Ngọa Vân, Nhang án đá ở chùa Khám Lạng…

Phật giáo Trúc Lâm cũng để lại nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bản thân cuộc đời và sự nghiệp phi thường của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một trong những di sản quý giá. Tấm gương cuộc đời và sự nghiệp phi thường của Trần Nhân Tông - một hoàng đế anh hùng, một nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa, một Phật Tổ Việt Nam - có ý nghĩa giáo dục không chỉ đối với người Việt Nam mà còn với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, sự bao dung, hòa hợp và tình yêu thương đối với con người. Phật Hoàng đã để lại một di sản văn hóa vô giá - đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách sống của Ngài - là tinh thần độc lập, dân tộc, hòa giải, hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, được thể hiện rõ trong các trước tác, bài giảng, hành động trong thực tiễn cuộc sống tu tập cũng như tham gia chỉ đạo, quản trị đất nước của Ngài. Phật giáo Trúc Lâm, đỉnh cao của Phật giáo Đại Việt thời Trần do Ngài sáng lập là một trong những biểu hiện sinh động về di sản văn hóa tinh thần mà Ngài để lại cho hậu thế, không chỉ riêng cho người Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại;

Kinh sách, giáo lý, khoa nghi Phật giáo Trúc Lâm như Khóa hư lục, bài tựa Thiền tông chỉ nam tự, Kim Cương tam muội kinh tự của Trần Thái Tông; Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng Sỹ; Thánh Đăng ngữ lục, Công văn cách thức của Trần Nhân Tông; 01 bài tán, 01 bài kệ Thị tịch, một bài văn Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, một ngữ lục Trúc Lâm đại tôn giả thượng tọa thính sư thị chúng của Pháp Loa; Công văn tập của Huyền Quang và một số thư tịch thời Trần khác..., đa phần đã được dịch ra chữ Việt, được in ấn, phát hành. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể quý giá giúp phần nào hiểu được tư tưởng, tinh thần, giáo lý, giáo luật và giáo lễ, từ đó phác họa lên hình hài, diện mạo của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt thời Trần;

Tư tưởng, tinh thần, cách thức tu tập và hành đạo của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt thời Trần là di sản văn hóa tinh thần vô giá, vẫn còn truyền lại đến ngày nay

Các bi ký khắc trên bia đá, những bài minh khắc lên chuông đồng có niên đại thời Trần hiện còn lưu giữ ở các chùa, tháp ở nhiều nơi trên miền Bắc Việt Nam cung cấp nguồn tư liệu có giá trị nhiều mặt, giúp nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội thời Trần, về những ngôi chùa, Phật điện thời Trần, về Phật giáo Trúc Lâm, về việc xây dựng, tu bổ chùa tháp, về sinh hoạt Phật giáo, về nơi dựng tượng, nơi san khắc các bộ kinh Phật, nơi diễn ra các đại hội chúng tăng, nơi các quốc sư giảng kinh thuyết pháp...;

Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh sưu tầm)

3.050 tấm mộc bản của Phật giáo Trúc Lâm trong kho tàng mộc bản ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm với 6.021 mặt khắc bằng chữ Hán - Nôm đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Các tác phẩm văn học của các Thiền sư, cư sỹ Phật giáo Trúc Lâm không những để lại cho hậu thế những áng văn ngoại giao bất hủ, mà còn để lại nhiều áng thơ văn trác tuyệt, đậm chất Thiền, chứa chan tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước như áng thơ Nôm nổi tiếng Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Kim Thuỷ

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19125 Tổng lượt truy cập 94764228