PGS. TS Đặng Văn Bài: "Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có tư tưởng mang tầm nhân loại"

PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Là người Quảng Ninh, ông đã để tâm nghiên cứu về văn hóa của vùng đất này. Nhân dịp PGS. TS Đặng Văn Bài dự hội thảo về nhận diện các giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông.

g
PGS. TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

- Thưa PGS. TS Đặng Văn Bài, theo quan điểm của ông, giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử là gì?

+ Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, quần thể danh thắng Yên Tử hàm chứa những tiềm năng của một di sản văn hóa thế giới với tư cách là một cảnh quan văn hóa. Đó là loại cảnh quan tiếp biến vì hiện đang còn có vai trò xã hội tích cực trong đời sống đương đại gắn liền với phong tục tập quán truyền thống và trong bản thân cảnh quan đó quá trình tiến hóa vẫn đang diễn ra.

Đồng thời, nó biểu lộ quá trình tiến hóa của mình trong lịch sử với những bằng chứng vật chất hữu hình. Theo thông tin mà tôi được biết, nhiều người đồng thuận đánh giá mặt nổi trội của quần thể danh thắng Yên Tử với tư cách là một cảnh quan văn hóa điển hình.

-Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

+ Khu di sản được hình thành và phát triển dựa trên cơ sở thích nghi với cảnh quan sinh thái của dãy núi Yên Tử để xây dựng hệ thống am, chùa, tháp gắn với trung tâm văn hóa Phật giáo Trúc Lâm do người Việt sáng tạo ra và hệ thống các đền thờ, lăng mộ hoàng gia thời Trần phần lớn dưới dạng phế tích kiến trúc mang tính khảo cổ học.

Núi Yên Tử là xương sống của cánh cung Đông Triều nối liền Quảng Ninh- Bắc Giang- Hải Dương. Đó là môi trường sinh thái tự nhiên được thích nghi để xây dựng hệ thống kiến trúc chùa am tháp đền thờ và lăng mộ hoàng gia. Bởi vậy, khu di sản sẽ mang tính liên tỉnh dưới dạng hệ thống (chuỗi) các điểm di tích có liên quan.

- Vậy theo quan điểm cá nhân ông thì khi làm hồ sơ về Yên Tử trình UNESCO, chúng ta nên tập trung vào những vấn đề gì?

+ Theo công ước của UNESCO thì người ta nói rất rõ di sản chỉ cần đạt một trong 10 tiêu chí thôi cũng đã đủ được chọn. Nhưng thường các nước không bao giờ chỉ làm hồ sơ một tiêu chí vì nếu tiêu chí đó không biện giải thuyết phục được các thành viên ở Ủy ban Di sản thế giới thì mình trượt. Vì vậy, thông thường đi kèm một tiêu chí chính người ta luôn đi kèm một hoặc hai tiêu chí nữa. Trong 10 tiêu chí mà tôi thấy thì có 6 tiêu chí liên quan đến di sản văn hóa, 4 tiêu chí liên quan đến di sản thiên nhiên.

Quan điểm cá nhân của tôi nghĩ, chúng ta nên ra 2 tiêu chí, tối đa là 3 tiêu chí. Tôi cho rằng, đưa ra nhiều mà không biện giải được thì cũng vô ích. Cá nhân tôi nghĩ hồ sơ của Yên Tử cần đưa 2 tiêu chí số 3 và số 5. Tiêu chí 3 là hình thức tồn tại của truyền thống văn hóa, tiêu chí 5 vận dụng thích nghi thiên nhiên sử dụng thiên nhiên ấy tạo quần thể kiến trúc.

Hoàng hôn trên đỉnh chùa Đồng.
Hoàng hôn trên đỉnh chùa Đồng.

- Truyền thống văn hóa tiêu biểu của Yên Tử theo ông là gì?

+ Với Yên Tử, ta thấy có hai truyền thống văn hóa tiêu biểu là Phật giáo Trúc Lâm thuần Việt và đạo lý uống nước nhớ nguồn thờ cúng tổ tiên mà đại diện là tôn thờ các vị hoàng đế đã khuất núi với hai hệ thống thiết chế tôn giáo tín ngưỡng (chùa, am, tháp, đền thờ và lăng mộ hoàng gia triều Trần) khá phong phú và đa dạng.

Cái quan trọng là chúng ta biện giải truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đưa lên khái quát thành những vấn đề của dân tộc, của nhân loại. Cá nhân tôi cho rằng, bây giờ thế giới người ta đang quan tâm đến cái tình yêu thương giữa người với người. Vì thế nên ta phát triển văn hóa giáo dục trí tuệ hướng đến hòa bình hội nhập quốc tế đa dạng văn hóa chấp  nhận sự khác biệt, cùng chung sống, khoan dung tha thứ cho nhau.

Trong văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, chúng ta tìm thấy điều đó. Phật giáo Trúc Lâm là biểu hiện khả năng tiếp biến, bản địa hóa các yếu tố văn hóa ngoại lai đến từ Ấn Độ và Trung Hoa. Phật giáo Trúc Lâm đã dung hòa được giữa Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa với văn hóa dân gian Việt Nam. Đức Phật hoàng tiếp thu tất cả các thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường với tinh thần tam giáo đồng tôn để sáng tạo ra một dòng thiền của Việt Nam mang tính bản địa mà chúng ta vẫn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Nhờ thế, Phật giáo Trúc Lâm đã trở thành điểm tựa tinh thần cho toàn dân và có khả năng liên kết sức mạnh toàn dân tộc.

Tiếp thu văn hóa nước ngoài, chúng ta đã xây dựng được Phật giáo Trúc Lâm bản địa. Tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm thấm đẫm tính nhân văn, hóa giải xóa bỏ hận thù, tham, sân, si với triết lý tất cả mọi người tất cả chúng sinh kể cả thiên nhiên đều có sự gắn bó mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Thực tế đã chứng minh, nhân loại chỉ có hạnh phúc khi biết liên kết với nhau tôn trọng lẫn nhau và sống hài hòa với thiên nhiên.

Truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm là hạt nhân văn hóa trên tinh thần hòa giải, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế. Phật giáo Trúc Lâm dung hợp nhưng không hề có xung đột sắc tộc, không có xung đột tôn giáo. Thế giới đang rất lo ngại xung đột. Thế giới đang hướng đến xây dựng hòa bình thương yêu nhau. Việt Nam đã làm điều đó mấy trăm năm nay.  Đó là tư tưởng vượt thời đại, vượt tầm quốc gia, đạt tầm nhân loại.

Cây đa cây thị ở chùa Lân.
Cây đa cây thị ở chùa Lân.

- Bên cạnh tinh thần hòa giải như ông vừa nói, còn điều gì của Phật giáo Trúc Lâm có ý nghĩa mang tầm thế giới, tầm thời đại?

+ Trên nền tảng cảnh quan sinh thái của Yên Tử, chúng ta đã thiết lập được một hệ thống chùa chiền, công trình thờ tự Phật giáo Trúc Lâm cả phía Tây lẫn phía Đông kéo dài từ Uông Bí đến tận Chí Linh chạy dài theo dãy núi Yên Tử theo truyền thuyết văn hóa. Mỗi một ngôi chùa như thế cũng ăn nhập với thiên nhiên hài hòa với cảnh quan. Đó là lối sống theo đúng triết lý môi trường trong Phật giáo là sống thuận theo tự nhiên, dựa hẳn vào thiên nhiên tôn trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này cũng phù hợp với xu thế của thế giới khi mà người ta đang quan tâm đến thái độ ứng xử của con người với môi trường; hạn chế những hành động tạo ra sự ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu. Thế thì mấy trăm năm trước Phật giáo Trúc Lâm của Việt Nam đã làm được. Đó là vấn đề mang tầm thế giới. Triết lý môi trường trong Phật giáo biểu hiện cụ thể qua hệ thống chùa am tháp đền thờ và lăng mộ hoàng gia thời Trần cũng là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản với tư cách như là một cảnh quan văn hóa điển hình.

Nhà sư hành hương về Yên Tử.
Nhà sư hành hương về Yên Tử.

- Yên Tử còn có những giá trị gì nữa mà chúng ta chưa khai thác hết, thưa ông?

+ Dãy núi Yên Tử hình con rồng đầu rồng là đỉnh Yên Tử trải dài qua Bắc Giang qua Hải Dương. Hệ thống chùa chiền gắn với nơi thờ Trúc Lâm Tam tổ. Chúng ta có hệ thống chùa, am, tháp thể hiện thái độ nương tựa hòa thuận với thiên nhiên, thích ứng với tự nhiên, chống biến đổi khí hậu.

Chúng ta còn có hệ thống vật chất văn bia, hệ thống chùa, tháp, tài liệu văn tự của “Sử ký toàn thư”, còn có lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Yên Tử, lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc. Chúng ta còn có phong tục cúng cô hồn, cúng chúng sinh, phong tục thờ cúng đức thánh Trần, tính nhân văn hòa đồng với cái tinh thần hiện tại ngày nay.

Đấy là chưa nói đến những vết tích kiến trúc trong lòng đất mà chúng ta còn chưa khai quật. Điều đáng tiếc lớn nhất là trước đây, sau khi khai quật khảo cổ đưa các di vật về bảo tàng và viết báo cáo khoa học, chúng ta đã cho xây dựng các công trình kiến trúc mới đè lên trên che lấp hoàn toàn mặt bằng kiến trúc gốc.

Các điểm di tích như vậy không thể đưa vào hồ sơ di sản vì chúng không đáp ứng được tính chân xác và toàn vẹn của di sản. Theo tôi, chúng ta phải tiếp tục khai quật và giữ tại chỗ để tạo ra bằng chứng vật chất chứ không nên phục hồi công trình mới để đè lên công trình cũ. Nếu chúng ta có làm công trình mới thì nên lui lại phía sau hoặc làm sang bên cạnh để không lấp công trình cũ mới được khai quật đã phát lộ.

Với tư cách là một trung tâm Phật giáo lâu đời ở Việt Nam, con đường hành hương về Yên Tử cũng cần được coi là yếu tố gốc cấu thành giá trị di sản. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu xác định rõ con đường hành hương từ chùa Vĩnh Nghiêm, từ Uông Bí, Đông Triều và từ chùa Thanh Mai lên trung tâm Yên Tử và có giải pháp bảo tồn các dấu xưa của các con đường hành hương đó như đoạn đường tùng ở Yên Tử là một ví dụ điển hình.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Phạm Học (Thực hiện)/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 39625 Tổng lượt truy cập 91974657