Di sản văn hoá cho muôn đời

Kể từ khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm ở thế kỷ 13, Phật giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng, nền tảng triết lý hành đạo riêng. Từ không quan văn hoá của Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thiền phái Trúc Lâm đã lan tỏa ra cả nước, hòa quyện làm một với các giá trị của văn hóa Việt Nam. Tinh thần nhập thế của thiền phái Trúc Lâm là một sản phẩm mang tính thuần Việt, thể hiện văn hóa Việt, cốt cách Việt. Tinh thần nhập thế ấy đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề lịch sử đặt ra vào thời đại đó, kéo dài tới ngày nay và là tài sản văn hoá tinh thần vô cùng quý báu đồng hành với lịch sử văn hóa dân tộc cho hôm nay và cả mai sau.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã để lại một kho tàng đồ sộ cả về di sản văn hoá vật thể lẫn di sản văn hoá phi vật thể. Theo đó, sự đa dạng các yếu tố tự nhiên, cảnh quan sinh thái và di tích lịch sử của quần thể di sản cũng kéo theo sự đa dạng của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian truyền thống...

Núi Yên Tử là xương sống của cánh cung Đông Triều nối liền Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương. Đó là môi trường sinh thái tự nhiên được thích nghi để xây dựng hệ thống kiến trúc chùa, am, tháp, đền thờ và lăng mộ hoàng gia. Quần thể di tích là vùng đại diện tiêu biểu của cảnh quan sinh thái trên địa bàn của cả 3 tỉnh bởi ở đó tích hợp đầy đủ các yếu tố địa hình đặc trưng rừng núi, trung du, đồng bằng và biển.  

Khu vực chùa Hoa Yên và vườn tháp Huệ Quang nhìn từ trên cao rất hài hoà với cảnh quan xung quanh.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT, DL), Quần thể di tích và danh thắng này là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Khu vực di sản còn là nơi phát hiện ra những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng liền mạch, nhiều lớp văn hóa được tìm thấy của nhiều thời kỳ chồng lớp lên nhau theo thời gian, lớp dưới có niên đại cổ hơn lớp trên, là cơ sở hình thành và phát triển của những làng xã cổ truyền Việt Nam. Đây chính là cái nôi chứa đựng, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đậm đặc xuất hiện và tồn tại qua quá trình liên tục trong lịch sử.

Nhiều bình gốm và bát đĩa cổ đang được Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử lưu giữ.

Thực chất, khu di sản bao gồm một chuỗi các di tích, hình thành và phát triển dựa trên cơ sở thích nghi với cảnh quan sinh thái của dãy núi Yên Tử để xây dựng hệ thống am, chùa, tháp gắn với trung tâm văn hóa Phật giáo Trúc Lâm do người Việt sáng tạo ra và hệ thống các đền thờ, lăng mộ hoàng gia thời Trần, phần lớn dưới dạng phế tích kiến trúc mang tính khảo cổ học. PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, nhận định: “Yên Tử xét về mặt văn hoá là điểm gạch nối giữa Quảng Ninh - Hải Dương và Bắc Giang là nơi đang lưu giữ hàng loạt di tích có giá trị văn hoá với trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Các ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ngoài chức năng của loại hình thiết chế tôn giáo thực chất còn là những bảo tàng sống động về văn hoá Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo.

Khu vực chùa Quỳnh Lâm nhìn từ trên cao.

Từ góc nhìn khảo cổ học, PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng đây là cõi Phật trời Nam thời Trần bởi tổng thể di tích ở đây là một sự mô phỏng khép kín quá trình phát triển thành công của Thiền phái Trúc Lâm gần như quá trình tầm đạo cứu đời của đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ. Đó là quá trình rời kinh đô lên núi tầm Đạo, đắc Đạo, đào tạo đệ tử ở Yên Tử, đào tạo và phát triển Trúc Lâm ở Quỳnh Lâm, Ngọa Vân, Hồ Thiên, lan tỏa Trúc Lâm ở Thăng Long và cuối cùng là hóa theo nghi thức của Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ở Ngọa Vân. Đó cũng là nét độc đáo, đặc điểm lớn bao trùm và giá trị của khu di tích.

Hiện vật có niên đại thế kỷ 13, 14 được tìm thấy tại Yên Tử.

Các hiện vật thu được sau quá trình khai quật khảo cổ học ở khu vực di sản đã được đưa về lưu trữ tại bảo tàng hoặc ban quản lý di tích của 3 tỉnh. Theo TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cố vấn khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, nếu ta đặt Phật giáo Trúc Lâm trong tổng thể những tư tưởng, hành động, đóng góp của nhà Trần trong nền văn minh Đại Việt, trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng văn minh Đại Việt, góp phần cùng các dân tộc khác ở Đông Nam Á chặn đứng bạo lực, chiến tranh trong thế kỷ 13, đem đến một giai đoạn hòa bình cho cả khu vực thì giá trị nổi bật toàn cầu của Phật giáo Trúc Lâm chính là ở đó. Phật giáo Trúc Lâm giống như là sự kết tinh tinh thần của tất cả những gì nhà Trần đã tạo ra.

Những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ đó luôn đồng hành với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, được các thế hệ tiếp nối, kế thừa ngày một phát triển và đang được các thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà còn một số lượng rất lớn. Đặc biệt, sự hiện diện của kho tàng di sản mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm là những di sản văn hóa vô giá đã được cộng đồng thế giới vinh danh là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2012. Trong số này, cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh” được lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Nghi lễ thả hoa đăng ở Yên Tử.

Tại khu vực di sản đã bảo lưu được tính đặc thù của những thực hành tín ngưỡng, tôn giáo gắn với các nghi lễ thờ cúng các vua Trần. Theo PGS.TS. Trần Lê Bảo, nguyên Trưởng bộ môn Văn hoá học, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, địa điểm núi Yên Tử không gần xóm làng mà cũng không đoạn tuyệt hẳn với xóm làng, giúp cho các thiền sư nhanh chóng nhập định tu tập có hiệu quả. Không gian thanh tịnh của núi rừng Yên Tử vừa trong sạch vừa yên tĩnh, là nơi lý tưởng phải đạt đến của các thiền sư và môn đệ.

Không gian văn hoá Phật giáo Trúc Lâm bao trùm lên toàn bộ không gian di sản ảnh hưởng đến các thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và là sợi dây liên kết với các tín ngưỡng, tôn giáo ở cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Không gian di sản được coi là nơi phát tích một tông phái đạo Phật. Tiếp thu văn hóa nước ngoài, cha ông chúng ta đã xây dựng được Phật giáo Trúc Lâm bản địa, thuần Việt, thấm đẫm tính nhân văn, hóa giải, xóa bỏ hận thù, tham, sân, si với triết lý tất cả mọi người, tất cả chúng sinh, kể cả thiên nhiên đều có sự gắn bó mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm là hạt nhân văn hóa trên tinh thần hòa giải, giao lưu văn hóa và hội nhập. Đó là tư tưởng vượt thời đại, vượt tầm quốc gia, đạt tầm nhân loại.

Không chỉ là nơi tu hành, Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông còn chủ trì thực hiện nhiều nghi lễ tôn giáo. Những hoạt động của Tam Tổ Trúc Lâm đều được ghi chép lại trong sử sách. Không chỉ các vua Trần mà hoàng tộc và nhiều quan lại triều đình cũng đã về để thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Việc các vua Trần được chôn cất ở khu vực di sản cũng cho thấy việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo có sự tham gia của triều đình trung ương và chính quyền địa phương. 

Tuy nhiên, ngay ở một nơi là cái nôi của Phật giáo Thiền tông cũng chứa đựng những yếu tố văn hoá, tôn giáo khác. Việc An Kỳ Sinh tu tiên thể hiện quá trình giao thoa, tiếp xúc giữa Phật giáo và Đạo giáo (Đạo tu tiên). Thực hành Đạo giáo cũng được xem như một trong những đặc thù ở đây. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS. Trần Lê Bảo, Thiền phái Trúc Lâm với tên tuổi của Trúc Lâm Tam Tổ vẫn là linh hồn của không gian văn hóa nơi đây.

Bảo tượng Phật hoàng và khu vực An Kỳ Sinh ở Yên Tử.

Những thực hành tín ngưỡng, tôn giáo tại khu vực Yên Tử có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong vùng mà còn đối với cả đất nước, đối với triều đình nhà Trần. Các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo tại khu vực di sản chứa đựng các giá trị cơ bản về lịch sử, văn hoá, giáo dục. Nó cùng với những yếu tố khác đã tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, tạo nên những nét đặc thù của loại hình văn hoá núi tiêu biểu ở Việt Nam mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là nét đặc thù của văn hoá Phật giáo, mà Phật giáo Trúc Lâm là hạt nhân. Đó còn là sự đa dạng của các nghi lễ, ví dụ như nghi lễ thờ Hưng Đạo Đại Vương như một thần chủ, tương tự thờ Ngọc Hoàng. Các nghi lễ đã phản ánh nét văn hoá thời Trần, đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy một cách có hệ thống.

Không gian di sản còn có văn hóa lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh về tôn giáo, tín ngưỡng. Lễ hội cổ truyền vùng Yên Tử bao gồm toàn bộ những lễ hội dân gian diễn ra trên không gian văn hóa của 3 tỉnh. Dù có nhiều nét chung của văn hóa lễ hội Việt Nam nhưng tùy từng đối tượng thờ cúng, điều kiện địa lý, điều kiện sống của cộng đồng dân cư mà lễ hội ở mỗi nơi có những biến thể khác nhau. GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: “Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này, để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn và linh thiêng, lôi kéo người hành hương khắp mọi miền đất nước".

Phật tử và du khách hành hương trong hội xuân Yên Tử.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, đáng quan tâm nhất là lễ hội gắn với các ngôi chùa nhờ vào sức lan toả của chúng trong những vùng lãnh thổ rộng lớn của đất nước. Lễ hội Phật giáo diễn ra tại các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm xét về bản chất là hạt nhân tâm linh tạo ra sự gắn kết cư dân địa phương có sự hiện diện các ngôi chùa Trúc Lâm và sau nữa là cộng đồng xã hội rộng lớn. Đối với loại hình lễ hội Phật giáo, công chúng ngoài việc vãng cảnh, thưởng ngoạn và giải trí còn có khát vọng tìm đến sự giải thoát, nơi được trao nhận những thông điệp chứa đựng sự minh triết về giác ngộ, tình yêu thương đồng loại, sự hoà nhập giữa con người và thiên nhiên.

“Tôi cho rằng, rất khó tìm thấy một quần thể di tích lịch sử, văn hoá nào lại có khả năng gắn kết liên vùng, liên tỉnh rộng lớn như Khu di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đó là cơ sở lịch sử, văn hoá, khoa học và cả yếu tố thiên nhiên cho phép chúng ta nghĩ đến một khu di sản có tính chất hỗn hợp, do 3 tỉnh cùng phối hợp trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới”- PGS.TS. Đặng Văn Bài chia sẻ.

Du khách thiền hành tại Yên Tử.

Hiện nay, cộng đồng dân cư của 3 tỉnh vừa bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống vừa cải biến, nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng hiện đại, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới về văn hóa. Do đó, lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa phong phú và đa dạng, có chức năng xã hội rộng lớn, giải tỏa tâm linh cho cộng đồng dân cư.

Vào thời phong kiến, nghệ thuật truyền thần cũng như điêu khắc chân dung chưa phát triển mạnh nên hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như Tam Tổ Trúc Lâm chủ yếu được sáng tác bằng sự hình dung và lòng kính ngưỡng sâu sắc của người đời sau.

Tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ”.

Ở lĩnh vực hội hoạ, hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được vẽ, in ấn vào nhiều sách, đặc biệt là các bản khắc gỗ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự thống kê đầy đủ các bản vẽ này. Có lẽ sớm nhất là bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” là một thủ quyển, nghĩa là cuộn tranh thư pháp, có độ dài đến gần 10m, cuộn lại có thể cầm được trên tay, thường được đặt lên bàn mở ra để thưởng lãm. Tranh vẽ trên gấm có hoa văn cao 28,7cm, ngang 20 cm. Thanh cài đầu cuộn tranh làm bằng chất liệu ngọc. Phần bồi nền tranh bằng lụa vàng. Riêng phần tranh vẽ dài hơn 3m, còn lại là phần thư pháp. Trên tranh có ấn triện của những người đã từng sở hữu bức tranh là các nhà sưu tập Mẫn Khoáng Trai, Hạng Nguyên Biện đời Minh, vua Càn Long, vua Gia Khánh và vua Phổ Nghi nhà Thanh.

Nội dung bức tranh miêu tả chuyện lịch sử Trúc Lâm Đại sĩ xuất du có tùng, cúc đan xen, cầu khe nước chảy. Đại sĩ ngồi kiệu, voi trắng chở kinh đi sau, thần dân cung kính hai bên đường. Học giả Điền Lực người Trung Quốc nhận định: “Sau khi gửi lại thâm tình vào thiên nhiên sông núi, dạo chơi cùng khắp danh sơn, tiên cảnh trong nước, những nơi ngài đến đều lưu lại nét bút, dấu xe. Khi ấy, có đạo sĩ Lâm Thời Vũ cùng đại sĩ du hành bốn phương. Một lần, họ viễn du đến nước Chiêm Thành, bèn vào trong thành dùng bữa. Quốc vương nước đó biết được, liền ra khỏi cung, nghênh tiếp từ xa, đón mời nhiệt tình với đội ngũ nghi trượng tổ chức rầm rộ, đích thân đón đưa ngài trở về. Về nước, chẳng bao lâu sau, ngài từ trần”.

Trên bức hoạ, Trúc Lâm đại sĩ ngồi kiệu. Người đi cùng đều mặc áo thô, vải bố. Voi trắng chở kinh đi sau cùng. Người cưỡi con trâu đi trước voi chính là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Đây là câu chuyện được truyền bá rộng rãi ở nước An Nam vào thời Nguyên. Tác giả mượn chuyện kể để khuyên dạy mọi người thoát tục, theo đường thiện, tán tụng hành vi và chính quả của Trúc Lâm đại sĩ, kế thừa Thích Ca Mâu Ni là việc hiếm có trên đời.

Các nhân vật được vẽ bằng bút pháp vẽ chi tiết, với đường nét thanh mảnh nhưng cứng cáp, có nội lực, thể hiện tình cảm sâu lắng. Mỗi nhân vật đều có thần thái đủ đầy, đạt mức tinh diệu, sâu sắc trong phép tả chân. Dùng mực vẽ sắc màu của đá nhưng ít dùng kỹ thuật vẽ hốc đá, mực nhạt và mực đậm sử dụng xen nhau. Căn cứ vào các bài tán trên tranh, nhiều học giả đoán định rằng bức tranh đã được hoàn thành vào cuối thời Nguyên hoặc giả chậm nhất là đầu đời Minh. Bức tranh được cho là do hoạ sư Trần Giám Như đời Nguyên sáng tác, lấy Phật hoàng Trần Nhân Tông làm nhân vật trung tâm. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 14, một nhóm người Nam Giao đã tổ chức vẽ lại sự kiện gần 60 năm trước đây Đại sĩ xuống núi cho hoạ sư Trần Giám Như chấp bút vẽ lại theo tưởng tượng, hoàn thành vào mùa xuân năm 1363 như lạc khoản đã ghi. Bức tranh thể hiện một tâm thái an nhiên, bất cầu danh lợi, gợi lên thông điệp hoà bình, nhân ái.

Tuy nhiên, theo giám định của Bảo tàng Lưu Ninh Trung Quốc, nơi sở hữu bức tranh thì tác giả của tranh không phải là Trần Giám Như. Và căn cứ vào những lời bình chú thì rất có thể bức tranh được một nhóm tác giả người Việt thực hiện. Chính Phổ Hiệp, một thiền sư Trung Hoa, trong bài thơ viết thêm vào bức tranh, đã khẳng định:

Bang nhân hâm diễm
Tác vi thị đồ
Lặc vu kim thạch
Chung cổ phất du
(Dân trong nước hâm mộ
Vẽ nên tranh này
Khắc lên đồng đá
Muôn đời chẳng thay)

Năm 2016, Giáo sư Phan Huy Lê đưa ra nhận định, bức tranh được vẽ ở Việt Nam và do các hoạ sĩ Việt Nam vẽ.

Sở dĩ có thể nói, đây là bức tranh do nhóm tác giả người Việt vẽ vì đã khắc hoạ một sự kiện lịch sử với niềm tự hào quốc thổ được bảo vệ vẹn toàn nhờ bậc đại sĩ nhân từ mà tài trí, quả cảm như đã thể hiện trong tranh. Trong bức tranh, tác giả đã đưa người, cảnh và tình hài hoà, dung hợp thành nhất thể với đặc điểm là vẽ nhân vật rất chân thực, sinh động. Có đến 82 người xuất hiện trong tranh với thần thái mỗi người mỗi khác. Động tác và thần thái từng nhân vật được khắc hoạ vô cùng tinh tế. Bậc đạo nhân cung kính, biểu lộ thành ý. Người nghênh tiếp thì mừng vui, hoan hỷ. Trong cảnh có tình, trong tình liền cảnh, vô cùng sinh động. Tác giả đã hao tốn nhiều sức lực để biểu đạt mỹ cảm độc đáo của cảnh vật tự nhiên, làm cho bức tranh thêm thanh tú, tao nhã. Có suối nhỏ tuôn róc rách, bên suối có trúc biếc và rặng liễu già. Những mầm non mới nhú lên dưới gió xuân thổi nhẹ. Tất cả cùng hô ứng với đội ngũ nghi trượng nghênh tiếp Phật hoàng phía trước. Bức tranh làm cho người xem thấy lòng mình khoáng đạt, tinh thần thoải mái, có được cảm giác tiêu giao ngoài thế tục.

Người đời sau viết các bài bình tán thêm vào nên đã hình thành một chỉnh thể tác phẩm thư hoạ mỹ thuật. Những người đề dẫn, tán thán lên bức tranh có thể là nho sinh, cao tăng hay đạo sĩ và ít nhiều đều biết đến nhau. Đáng chú ý có Thích Đức Thuỷ là một cao tăng Nhật Bản sống ở Hoa Hạ, khiến cho tầm vóc và giá trị của bức tranh vượt ra ngoài quan hệ song phương Việt - Trung, vươn tầm quốc tế. Các bài tán ký, bình luận hay thơ của họ đều góp thêm cái nhìn đa chiều về Trúc Lâm đại sĩ. Tất cả khiến cho người xem cũng sẽ thông hiểu hơn về Đệ nhất Tổ Trúc Lâm, một vị vua anh minh và một nhân cách Đại Việt cao quý.

Do Trúc Lâm Đệ nhất Tổ đã nhiều lần xuất sơn nên có quan điểm cho rằng, đây không phải là chuyến du hành Chiêm Thành mà là xuống núi để về kinh đô. Theo sách “Thánh Đăng lục” ghi lại thì vào năm Giáp Thìn 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi đi khắp xóm thôn, khuyến hoá dân chúng từ bỏ những dâm từ, đồng thời dạy họ tu hành thập thiện. Mùa đông năm ấy, vua Trần Anh Tông dâng biểu thỉnh ngài vào đại nội truyền tâm giới Bồ Tát tại gia. Hôm Điều Ngự vào thành, vương công, bá quan chuẩn bị đầy đủ nghi lễ nghinh đón và sau đó đồng thọ giới Pháp.

Trong số 82 nhân vật, có 61 người ở bên phải thuộc nhóm người trong đoàn đón tiếp của vua Trần Anh Tông và các tuỳ tùng hộ giá, 21 người còn lại thuộc đoàn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Đoàn này lại chia làm 2 nhóm: Nhóm rước kiệu tất cả đều đi chân đất và nhóm vua quan gồm 5 quan văn, 2 quan võ đứng trước vua. Bức tranh mô tả không gian cỏ cây, sông núi, đặc biệt có hàng tùng cổ thụ ven đường, mây và núi tạo hiệu ứng thị giác. Những người khiêng cáng có thể là cư dân địa phương với diện mạo sinh động, vui tươi, áo bô đi chân đất vì ngưỡng mộ đạo hạnh của Đại sĩ mà tình nguyện gánh vác đưa ngài xuất sơn truyền tâm giới Bồ Tát.

Hình ảnh Phật hoàng ngồi võng trong tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ”.

Từ núi đi ra có 21 người gồm Thượng hoàng Trần Nhân Tông, đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cùng với đó có 5 tăng nhân ngoại quốc, rất có thể là người Ấn Độ tay cầm tích trượng, bình bát, kinh quyển. Cả 8 đệ tử của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và 6 người khiêng kiệu đều có mày dài, râu, tai to, tay lần tràng hạt. Trong số các tăng sĩ được vẽ trong tranh, có một vị khoác áo tăng hở vai phải, gợi nhớ đến pho tượng Phật hoàng trong tháp Huệ Quang tại Yên Tử. Sự xuất hiện của nếp áo Tiểu Thừa này mang nhiều giá trị biểu trưng cần tiếp tục được tìm hiểu thêm.

Tạo hình nhân vật Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm hiện ra nhân từ, bao dung, an nhiên tự tại. Ẩn sau con người rất đỗi bình thường ấy là những chiến tích đại phá Nguyên Mông lừng lẫy, bảo toàn cương thổ, bảo vệ chúng dân Đại Việt. Hình ảnh Trúc Lâm đại sĩ toát lên cốt cách của con người Nam Giao.

Sau này, trong sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hiện ra an nhiên tự tại ngồi bên cội cây già. Sách được Ngô Thì Nhậm và đạo hữu hoàn thành tại Trúc Lâm thiền viện, thuộc phường Bích Câu, kinh đô Thăng Long, mộc bản sách được khắc vào năm 1796. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết triết lý tôn giáo. Có lẽ, do Ngô Thì Nhậm viết phần chính văn để biểu dương tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm nên ông được đệ tử và các học giả tôn vinh là Đệ tứ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Phật hoàng Trần Nhân Tông trong sách "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" của Ngô Thì Nhậm, mộc bản khắc năm Bính Thìn (1796). Nguồn: Thư viện Huệ Quang

Tranh Phật hoàng Trần Nhân Tông còn được in trong sách “Thiền uyển truyền đăng lục", quyển hạ của hoà thượng Phúc Điền. Mộc bản được khắc vào thời Nguyễn, chưa rõ năm khắc chính xác. Năm 1943, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ đã ấn hành cuốn sách "Tam tổ thực lục". Trong quyển thứ 6 “Trần triều dật tồn Phật điển lục” của bộ sách “Việt Nam Phật điển tùng san”, có in tranh vẽ Tam Tổ Trúc Lâm. Hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông ở trên cao ngồi trên toà sen, áo phải hở vai kiểu nếp áo Tiểu Thừa dáng điệu gần giống với bức tượng ở tháp Huệ Quang. Bên dưới có hình vẽ hai đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang đứng hầu.

Quyển thứ 6 “Trần triều dật tồn Phật điển lục” của bộ sách “Việt Nam Phật điển tùng san” in tranh vẽ Tam Tổ Trúc Lâm. 

Vào năm 1983, họa sĩ Đinh Cường hoàn thành một tấm chân dung vua Trần Nhân Tông. Tấm tranh này thực hiện bằng chất liệu sơn dầu, khổ 60 x 80cm với màu chủ đạo là vàng đất và nâu. Sau này, tấm tranh được họa sĩ đưa đến chùa Già Lam, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh để lưu trữ.

Các bức vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được nhân bản nhiều lần. Ở Trung Quốc, tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” đã được phục chế, in trên giấy dưới dạng ảnh, khắc trên nghiên mực, in lên sành sứ. Tại Việt Nam, tác phẩm mỹ thuật này được nhân bản và chuyển thể sang nhiều chất liệu khác nhau, như: Tranh khảm xà cừ, tranh sơn mài, tranh màu trên kính chịu lực, tranh khảm trai, khắc lên đồng, lên đá, bình gỗ khảm trai, in trên giấy, cẩn xà cừ lên gỗ. Đặc biệt, tại TX Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, với lòng kính ngưỡng Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông Phạm Hữu Tiến, Giám đốc Nhà máy gỗ Cầu Cầm đã mất 6 tháng thi công để chuyển thể bức tranh thành phù điêu khảm gỗ gụ mật.

Trong lĩnh vực điêu khắc, các nghệ nhân dân gian xưa cũng rất quan tâm đến việc tạc tượng chân dung Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hầu khắp chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm đều thờ phụng ngài dưới hai hình thức chính là long ngai bài vị và tượng. Hiện còn hai bộ Tam Tổ Trúc Lâm đầy đủ và cổ nhất tại chùa Phổ Minh (Nam Định) và tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đều được tạo dựng trong khoảng thế kỷ 17 - 18, làm bằng gỗ và được sơn thếp. Tuy nhiên, tượng ở chùa Phổ Minh được tạc theo thế sư tử nằm, mô tả khoảnh khắc ngài nhập Niết Bàn, còn tượng tại chùa Vĩnh Nghiêm thì thể hiện ngài trong tư thế tọa thiền ở thế buông thư trên bệ vuông, thân khoác y cửu điều, tay phải lần tràng hạt.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện hai pho tượng bằng đá tại khu nhà tổ chùa Hồ Thiên, trong đó có một pho được cho là tượng Phật Hoàng được tạc ở tư thế tọa thiền trên đài sen, hai tay bắt ấn tam muội, thân khoác y cửu điều.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Tổ Huệ Quang ở Yên Tử là công trình tuyệt mĩ về mặt mỹ thuật, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2020. Tương truyền, pho tượng đó do chính vua Trần Anh Tông cho tạc ngay sau một năm Phật hoàng viên tịch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng pho tượng được tạo tác và bài trí ở tháp Huệ Quang vào thế kỷ 17. Pho tượng được tạc bằng đá xanh Ninh Bình, chia ra làm 2 phần: Phần ngai có bốn mặt hổ phù đặt rời phần bệ và tượng. Bệ và tượng được tạc trên cùng một khối đá, hoa văn bệ tượng đơn giản, viền ngoài là hoa cúc đời Trần, lớp trong là hai con rồng chầu hoa sen...

 

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Tổ Huệ Quang đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Pho tượng cao khoảng 50cm trong tư thế của một vị thiền sư ngồi kiết già. Hai tay đặt lên đầu gối, tay phải bắt ấn, tay trái đặt buông gần đầu gối, vua ngồi thiền mở mắt, ánh mắt hiền từ, giản dị vẻ thoát tục. Điều đặc biệt hơn cả là pho tượng khoác nếp áo hở vai phải, kiểu dòng Tiểu thừa. 

Ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác Phật hoàng cũng mặc áo Tiểu thừa như 3 pho Trúc Lâm Tam Tổ đặt thờ ở Côn Sơn, 3 pho trong chùa Đồng cũ. Còn lại, đa phần các pho tượng khác Phật hoàng vẫn mặc áo Đại Thừa.

Tu sĩ Phật giáo và Phật tử hành lễ trước Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở An Kỳ Sinh, Yên Tử.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang là pho tượng cổ nhất về Ngài, không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng. Pho tượng thể hiện hết tinh thần, tướng mạo của Ngài nên gần đây được nhân bản ở nhiều nơi, nhưng các phiên bản cũng không giống hoàn toàn với tượng gốc. Đơn cử như tượng Phật hoàng ở An Kỳ Sinh khánh thành năm 2013, tượng Phật hoàng ở đảo Trường Sa khánh thành năm 2015. Năm 2022, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc tỉnh Đăk Nông đã tạo tác bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có trọng lượng lên đến 150 tấn, cao 7 mét bằng đá nguyên khối. Đến năm 2023, tượng Ngài lại được tạc bằng ngọc phỉ thúy an vị tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, nhân kỷ niệm 715 năm Phật hoàng nhập Niết bàn.

Với danh sơn Yên Tử có thể nói vừa là núi thiêng lại có thơ hay. Biết bao du khách đã tìm tới Yên Tử một phần cũng vì ngưỡng mộ những bài thơ, bài kệ đậm tính chất thiền, sâu sắc, nhân văn. Nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái và nhiều vị chân tu đã có bao bài thơ minh triết về Thiền, Đạo, Đời.

Tiếp nối nền thơ ca Phật giáo đời Lý, văn học đời Trần cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo này, nhất là thơ Thiền. Vào thời Trần, không còn sự thống lĩnh duy nhất của Phật giáo nữa mà tinh thần "tam giáo đồng nguyên" tác động nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn có ảnh hưởng sâu rộng hơn cả đến nhiều mặt trong xã hội, đặc biệt là thơ thiền.

Đầu tiên là những bài kệ dạng thơ của thiền sư Hiện Quang, chưa rõ năm sinh, mất năm 1221, viết về non thiêng Yên Tử. Những bài kệ của nhà sư Hiện Quang có thể coi là những nét bút thơ văn Phật giáo đầu tiên đóng góp vào văn học Phật giáo Việt Nam.

Tượng Tam Tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Nói đến thơ thiền, phải nhắc đến thơ của vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Thơ ngài còn lưu lại 31 bài, sáng tác theo nhiều đề tài khác nhau, như: Thơ thiên nhiên, thơ chiến trận, thơ tiếp sứ, thơ giảng giải Thiền tông… Trong thơ thiên nhiên của ngài có rất nhiều thi phẩm được viết ở Yên Tử, hoặc có thi hứng cảm quan Phật giáo, hoặc những nhân vật có liên quan đến vùng đất này, như: "Đăng Bảo Đài sơn", "Sơn phòng xuân sự", "Mai", "Tảo mai", "Tán Tuệ Trung thượng sĩ", "Cư trần lạc đạo phú", "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca"... 

Hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu Quảng Ninh.

Khi viết "Cư trần lạc đạo phú", Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khuyên mọi người đi tìm Phật trong tâm tính của mình hơn là lên núi Yên Tử để ngồi niệm Phật. Nói là nói vậy nhưng Phật hoàng không phủ nhận lợi ích của rừng núi và cuộc sống ở rừng núi vì ông vào sống những nơi rừng núi hoang dã như Yên Tử. Ngược lại, trong bài phú "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca", ngài đã tả lại cuộc sống rừng núi. Một con người lạc quan, yêu đời, nhập thế tích cực như Trần Nhân Tông, lẽ dĩ nhiên dễ hòa hợp với thiên nhiên, hoa cỏ, chim chóc tươi vui và dạt dào sức sống. 

Trong các bài thơ của ngài còn tìm lại được đến nay, có đến 20 lần nhắc đến hoa. Chỉ riêng một số bài Phật hoàng nhắc riêng đến hoa mai thôi cũng đủ thấy tư tưởng sâu sắc ở trong đó. Ngài có 3 bài vịnh hoa mai là “Mai”, “Tảo mai kỳ nhất” và “Tảo mai kỳ nhị”. Hai câu thơ đầu trong bài thơ “Tảo mai kỳ nhất” (Hoa mai sớm kỳ 1) được nhà thơ Trần Lê Văn dịch:

Ở bài “Tảo mai kỳ nhị”, hình ảnh hoa mai lạc vào giấc mộng người cũ. Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng cho bạn được. Ở đó, Phật hoàng tả đoá hoa mai năm cánh mở ra bao quanh nhụy điểm vàng. Rừng hoa mai bung nở dưới ánh nắng mặt trời như bóng hoa san hô, như muôn vàn vẩy cá ẩn hiện ở biển khơi. Vào mùa đông, cành mai thường phô ra phía trước. Một thoáng hương thơm vừa mới toả ra đã lan đi khắp khi mùa xuân chợt đến. Hạt sương mai ngạt ngào lưu mùi thơm đánh thức con bướm đang say đắm. Có thể nói, trong con người thiền nhân, hoàng đế Trần Nhân Tông có tâm hồn một thi nhân yêu hoa, say hoa.

Thơ thiền Phật hoàng Trần Nhân Tông khẳng định tài năng sáng tác và những đóng góp to lớn của ngài cho nền văn hóa dân tộc. Những tác phẩm thơ thiền của ngài luôn là những đóa hoa tươi thắm lung linh khoe sắc trong vườn hoa văn học nước nhà. PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn học, nhận định: "Ông vui với một nhành mai, bâng khuâng trong một sớm mùa xuân, một chiều trước cánh đồng làng, một ngày thu nơi non cao chùa vắng, một sự hòa nhập nội tâm trong cõi thiền trầm tư sâu lắng. Ðặc biệt, với hai tác phẩm "Phú ở cõi trần vui đạo" và "Bài ca được thú lâm tuyền thành đạo", Trần Nhân Tông đã trở thành một trong những thi nhân Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ ca, khơi mở cho dòng thơ Quốc âm của dân tộc phát triển mạnh mẽ trong suốt các giai đoạn sau này".

Sau Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa cũng đã viết rất nhiều bài thơ và kệ tụng. Dù tất cả những gì ngài viết trong cuốn "Thạch thất mị ngữ niêm tụng" hiện đã thất lạc nhưng chỉ với những gì còn sót lại đến ngày nay cũng đủ để chứng minh rằng, không chỉ là một nhà tu hành, Pháp Loa còn là một tác giả tiêu biểu của văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Thực tế, về thơ, thiền sư Pháp Loa chỉ còn lại 3 bài thơ: Một bài ca tụng Tuệ Trung Thượng sĩ, 1 bài thị tịch chép ở sách “Tam Tổ thực lục” và 1 bài “Lưu luyến cảnh núi xanh” chép ở sách “Toàn Việt thi lục”.

Tranh vẽ Đệ nhị tổ Pháp Loa

Tuy nhiên, các tác phẩm của Pháp Loa được ghi nhận, điểm tên trong sách “Tam Tổ thực lục” gồm có: “Thiền đạo yếu học”, “Kim cương đạo tràng đà la ni kinh khoa chú”, “Tán Pháp hoa kinh khoa sớ”, “Bát nhã tâm kinh khoa”, “Nhân vương hộ quốc nghi quỹ”. Ngài còn ấn hành “Đại tạng kinh” vào khoảng năm 1329 và để lại nhiều tác phẩm khác về thiền học và luận thuyết về các kinh: “Nhập lăng già”, “Diệu pháp liên hoa”, “Bát nhã ba la mật đa”.

Những tác phẩm nói trên hầu hết đã thất truyền. Tuy nhiên, căn cứ vào tên sách có thể thấy được ngài viết nhiều thể văn khác nhau. Riêng về thơ ca của Thiền sư Pháp Loa có 3 thể văn chính là thi kệ thi tán như những bài: “Nhập tục luyến thanh sơn”, “Tán Tuệ Trung thượng sĩ”, “Huyền ngôn”, “Thị tịch”; ngữ lục như “Trúc Lâm đại tôn giả thượng tọa thính sư thị chúng”, vấn đáp thiền học cùng Huyền Quang và tản văn triết học có “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn”. Tác phẩm “Ngữ lục thiền tông” nói về việc Trúc Lâm đại sĩ lên tòa nghe giảng pháp. Tác phẩm chủ yếu là những vấn đáp giữa sư và tăng nhân về thiền học mà cảm hứng chủ yếu là bày tỏ nhận thức về tính không.

Thơ thiền Pháp Loa như luồng ánh trăng trong mát.

Trong số những di cảo của Thiền sư Pháp Loa, đáng chú ý là thể loại thi kệ. Thi kệ là văn phổ biến và ưa thích của các thiền sư thời Lý - Trần, là văn thể thành công nhất có đóng góp quan trọng nhất vào lịch sử văn học. Thiền sư Pháp Loa chỉ để lại 4 bài thi kệ. 

Trong bài kệ nói về huyền ngôn của Phật, ngài đòi hỏi người tu hành phải là thức giả, phải có trí tuệ thì mới hiểu hết được lẽ huyền vi trong lời kinh. Theo Thiền sư Pháp Loa thì xây chùa, đúc tượng khuyến khích dân đi theo Phật là quan trọng nhưng quan trọng hơn là tu sĩ và tăng chúng phải ngộ đạo, phải biết "xây chùa, đúc tượng" trong chính tâm giác ngộ của chính mình.

Bài ca tụng “Tuệ Trung thượng sĩ” là tác phẩm bày tỏ sự ngưỡng mộ của Thiền sư Pháp Loa với sư Tuệ Trung:

Bài này in chung với bài tán tụng của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông vào sách "Thượng sĩ hành trạng". Cả 9 bài trong "Thượng sĩ hành trạng" bao gồm cả bài tụng của Trần Nhân Tông cũng như bài tụng của Pháp Loa đều là những bài đáng đọc, với ngôn từ và hình ảnh sâu sắc. Cư sĩ Đào Nguyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đánh giá: "Đây là một trường hợp rất đặc biệt, rất hi hữu trong sinh hoạt Phật giáo thời Trần. Nói cách khác, chính sự kiện nhập diệt của Tuệ Trung thượng sĩ mà văn học Phật giáo Việt Nam đời Trần đã có thêm đến 10 bài thơ thiền xuất sắc, làm phong phú thêm kho tàng văn học thiền của Phật giáo Việt Nam. Trong số ấy, bài kệ ngắn của thiền sư Pháp Loa đã xuất hiện như một luồng ánh trăng trong mát soi rõ khuôn mặt thi ca của tác giả khiến nhiều người phải chú ý"."

Năm Đại Khánh thứ 4 (1317), Thiền sư Pháp Loa bệnh nặng, đã ban kệ cho đệ tử viết rằng, muôn duyên cắt đứt, một tấm thân nhàn. Đã sống hơn bốn mươi năm trong cơn mộng huyễn rồi nếu mọi người trân trọng thì đừng gạn hỏi nữa để cho được thênh thang về với gió trăng. Bài kệ hàm chứa triết lý của Phật giáo Thiền tông quan niệm thế giới là vô thường, thế giới biến đổi thường hằng và trong sự biến hóa vô thường ấy, chữ duyên là hệ trọng. Bài kệ thể hiện tư tưởng sâu sắc và tài năng văn chương của Thiền sư Pháp Loa gửi gắm trong một hình thức thơ thất ngôn điêu luyện.

Về cuộc đời và hành trạng của ngài, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định: Pháp Loa là một nhà hoạt động chính trị và một nhà văn hóa, một tác gia văn học có nhiều đóng góp. Cư sĩ Đào Nguyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nhận định: Thiền sư Pháp Loa là một gương mặt thi ca tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 14 và của văn học Phật giáo Việt Nam thời thịnh Trần.

Vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm để lại nhiều thơ ca và thi kệ là Huyền Quang. Tôn giả Huyền Quang được sử sách ca ngợi là một thi sĩ với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Phật sử ghi nhận ngài là vị thiền sư đạo cao, đức trọng, văn bác học. Tác phẩm của tôn giả Huyền Quang gồm có: “Ngọc tiên tập”, “Chư phẩm kinh”, “Công văn tập”, “Phổ Tuệ ngữ lục”. Thơ của tôn giả Huyền Quang chủ yếu ghi lại trong tập “Ngọc Tiên tập” nhưng không được lưu giữ trọn vẹn mà hiện nay lại nằm rải rác ở các nơi. "Ngọc Tiên tập" còn lại được 23 bài thơ ghi trong "Toàn Việt thi tập", "Toàn Việt thi lục", "Hoàng Việt thi tuyển" do đời sau chép lại.

Thơ Huyền Quang thể hiện tình yêu thiên nhiên mãnh liệt. Ở đó, con người và thiên nhiên giao hòa, dường như không có sự tách biệt nào:

Những bài thơ của tôn giả Huyền Quang phảng phất hương vị thiền nhưng vẫn rất tươi tắn. Bài thơ hoa cúc được ông sáng tác khi tuổi về chiều nhưng lời thơ hàm chứa sức sống trẻ trung bởi trong muôn vàn loài hoa, tôn giả Huyền Quang yêu nhất là hoa cúc, như lời ông tự thú nhận “Lòng thơ quả thật bối rối vì yêu hoa cúc”.

Khi Huyền Quang hái hoa, không phải để ngắm mà để mượn màu thanh xuân kia quên đi nỗi đau bệnh tật già nua. Cái mà tôn giả hướng đến là mùa xuân của miên viễn, xuân không mùa: 

Cũng là viết về hoa cỏ mùa xuân nhưng bài thơ “Đề ở chùa Đạm Thủy” giản dị, dường như chỉ tả và gợi chứ không nói rõ cái tình là gì. Bài thơ chỉ cho biết, cỏ cây hoa lá ở Đạm Thuỷ tươi tốt qua một cơn mưa tạnh bóng xế tà, cảnh vật này rất có thể là cuối xuân. Tiện đường đi ngang xe vua có ghé vào lễ Phật nhưng ông sư thì đi đâu vắng rồi. Có lẽ ông đang đi lượm hoa ở bên ngoài nên quan hộ giá phải đánh chuông giùm để cho vua lạy Phật.

Hình tượng Thiền sư Huyền Quang trên sân khấu Quảng Ninh.

Thường thì khi tả mùa xuân, người đời đua nhau ca tụng vẻ đẹp của nàng xuân. Trong bài thơ "Vịnh cảnh chùa Vân Yên", ngài không nói một chữ "xuân" nào nhưng người đọc vẫn nhận ra mùa xuân qua cảnh sắc. Bài thơ "Xuân nhật tức sự" của Huyền Quang miêu tả cảnh xuân rực rỡ và con người tràn đầy sức sống:

Thêu gấm thưa tay dáng mỹ nhân
Líu lo oanh hót khóm hoa gần
Đáng thương vô hạn thương xuân ý
Chỉ tại dừng kim chẳng mở lời.

Tiếp nối dòng mạch thơ thiền Trúc Lâm, người đời sau đã góp phần bồi đắp, làm phong phú thêm dòng thơ văn về chốn non thiêng. Cũng tại nơi đây, các vị cao tăng và thi nhân đã dành cho Yên Tử sơn những vần thơ đẹp nhất. 

Theo baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18894 Tổng lượt truy cập 94763813