Trước tình hình này, Công đoàn Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế phản ánh kiến nghị của người lao động về việc xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, khi người lao động tự xét nghiệm và phát hiện mình mắc COVID-19, họ ra trạm y tế xã, phường nơi tạm trú để khai báo và xin giấy xác nhận F0 gửi công ty để xin nghỉ làm thì nhiều nơi trạm y tế xã, phường bị quá tải, không kịp xác nhận khiến người lao động phải đi lại nhiều lần gây mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Nhiều lao động đang gặp khó khăn trong việc xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội
Một số nơi hướng dẫn người lao động về cơ sở y tế của khu công nghiệp, một số nơi lại hướng dẫn về công ty để khai báo, có nơi lại yêu cầu về nơi đăng ký thường trú (rất khó khăn đối với người lao động ngoại tỉnh) để làm thủ tục xin cấp giấy xác nhận F0. Việc không xin được giấy xác nhận F0 sẽ dẫn tới sau này khỏi bệnh, người lao động cũng khó có thể xin được “giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội”.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà hiện nay chỉ có “giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly” mà chưa được cấp “giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội” làm cơ sở hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nhiều người lao động bị COVID-19 đang phải nghỉ việc và bị trừ vào số ngày nghỉ phép năm. Một số doanh nghiệp không trừ vào phép năm mà trừ trực tiếp vào lương của người lao động đối với những ngày nghỉ việc điều trị COVID-19.
Điều này đang khiến người lao động hoang mang, lo lắng và có thể là nguyên nhân khiến kẻ xấu lợi dụng xúi giục người lao động ngừng việc tập thể hoặc đình công, gây mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố có đông công nhân lao động.
Từ phản ánh của các cấp Công đoàn, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế:
Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời việc xác nhận người lao động mắc COVID-19, tránh trường hợp người lao động phải đi lại nhiều lần và gây mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Trường hợp các cơ sở y tế có thẩm quyền bị quá tải, đề nghị xem xét việc ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động tự đăng ký, khai báo ca bệnh F0 hoặc có giải pháp tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thêm nguồn lực cho công tác này.
Đồng thời, cần khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trường hợp chưa thể ban hành ngay Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT trong đầu tháng 3/2022, đề nghị có văn bản hoặc họp báo để thông tin, giải thích các thắc mắc về chế độ, chính sách cho người bị mắc COVID-19, để họ yên tâm điều trị bệnh, tránh tình trạng người lao động hoang mang, lo lắng do thiếu thông tin như hiện nay.
Theo Gia Hưng/ dangcongsan.vn