Dành nguồn lực thoả đáng cho công tác bảo vệ môi trường
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường. Có được kết quả đó, bên cạnh tập trung nguồn lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường với quan điểm "Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”…
Trồng cây hoàn nguyên môi trường tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu. Ảnh: Phạm Tăng
Tỉnh đã nhất quán đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện bài bản nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, quyết tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, điển hình là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do tư vấn Hoa Kỳ lập; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Nhật Bản lập. Cùng với đó là các nghị quyết, chương trình riêng về công tác bảo vệ môi trường, như Nghị quyết 236/NQ-HĐND (ngày 12/12/2015) của HĐND tỉnh khóa XII về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030…
Song song với đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều hội thảo, chương trình làm việc, nhằm mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực để huy động nguồn lực, kinh nghiệm, thực tiễn trong nước và quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như: Hội thảo quốc tế “Công nghệ phù hợp thân thiện môi trường trong tận dụng chất thải và phục hồi môi trường ở vùng sâu, vùng xa” thuộc khuôn khổ Dự án thiết kế phát triển mạng lưới truyền thông tương tác giữa ASEAN - Nga, nhằm trao đổi công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững; làm việc với JICA Việt Nam, Đại học Saitama và Đại học Xây dựng về các nội dung đề xuất thúc đẩy tái chế chất thải rắn xây dựng; khởi động dự án xử lý chất thải thành năng lượng…
Hằng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường, cao hơn mức quy định của Trung ương. Điều này đã được Chính phủ và Bộ TN&MT đánh giá rất cao khi hiện nay các địa phương khác trong cả nước chỉ mới chi 1% hoặc dưới 1% tổng ngân sách cho lĩnh vực này. Bên cạnh chi từ nguồn ngân sách, tỉnh còn bố trí nguồn Quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, trung bình hằng năm đạt từ 1,2-3,6 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh hằng năm đều ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp để chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nổi bật là từ năm 2016, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực môi trường các địa phương là 600.000 đồng/người dân/năm đối với vùng đô thị; 100.000 đồng/người dân/năm đối với vùng nông thôn...
Các thông số về môi trường từ trạm quan trắc môi trường tự động được truyền về Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT) để giám sát. Ảnh: Mạnh Trường
Trong định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022- 2025, tỉnh đã quy định điều tiết 100% nguồn thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Nguồn phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thu qua hóa đơn sử dụng nước do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thu, nộp vào ngân sách nhà nước (phần nộp ngân sách) cũng dành cho các địa phương để cân đối chi cho lĩnh vực BVMT. Đồng thời quy định tỷ lệ trích để lại cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long từ nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là 11%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã được trích lại gần 39 tỷ đồng để thực hiện cho các hoạt động thường xuyên của Ban, trong đó có nhiệm vụ quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước. Phần kinh phí còn lại điều tiết về TP Hạ Long để thực hiện các mục tiêu phát triển Vịnh Hạ Long. Cũng theo quy định của tỉnh, tỷ lệ trích để lại cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử từ nguồn thu phí tham quan khu di tích và rừng quốc gia là 20% để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhờ được đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng, môi trường của tỉnh ngày càng được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát, việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Ô nhiễm môi trường không khí đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động. Trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết một số vấn đề môi trường, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Đặc biệt, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TU đã đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Nổi bật như: 98,3% hộ gia đình ở đô thị được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (mục tiêu là 98%); tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100% (đạt); giảm 100% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương giai đoạn 2015-2020 (mục tiêu là 30%)…
Tin tức khác
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà Tết tại TP Uông Bí
- Công an thành phố tổng kết công tác năm 2024, phát động phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" năm 2025
- Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tăng cường phối hợp quản lý công dân Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài
- Trường TH Quang Trung báo công dâng Bác tại Khu Di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí
- Khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống thành phố lần thứ 26 năm 2025
- Đại hội Chi bộ Công ty CP Cơ khí Uông Bí, nhiệm kỳ 2025-2027
- Phòng tránh ngộ độc rượu dịp cận Tết Nguyên đán
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Quy tắc 6 không bảo vê người dùng an toàn trên không gian mạng