Yên Tử, xuân này...
Lần nào về với non thiêng Yên Tử, dù đã có cáp treo tiện lợi nhưng tôi thường chọn cho mình cách đi theo lối hành hương đường bộ của tiền nhân. Tôi đi bộ để hoà vào dòng người hành hương mà cảm nhận Yên Tử theo cách của riêng mình.
Du khách thập phương chiêm bái trước tháp Huệ Quang - nơi thờ bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Muôn nẻo kiếm tìm
Lần này, tôi cuốc bộ lên Yên Tử giữa mùa hội xuân. Con đường hành hương tôi đi bắt đầu từ chân núi, nơi có suối Giải Oan. Mùa này, suối khá cạn, nước róc rách rơi vào đá vọng ra thứ âm thanh như giọt đếm thời gian. Chị Đặng Thị Thuý Nga, du khách đến từ Tuyên Quang, người bạn đường tôi tình cờ gặp gỡ bảo rằng, chị đi với đoàn, các bạn chị đã đi cáp treo còn chị thì nhất định leo bộ. Chị đi đường bộ chỉ để vãng cảnh chùa Giải Oan. Tôi thì thấy truyền thuyết hàng trăm cung nữ theo vua lên đây rồi bị khước từ đành xuống núi trầm mình dưới dòng suối lạnh như được bao phủ bởi màng sương bảng lảng như hư như thực. Vậy mà chị Nga cứ chắc mẩm rằng đó là sự thật. Chị còn bảo câu chuyện bi thương về sự trung thành của các cung nữ làm chị xúc động.
Càng đi, người hành hương càng đông. Tôi đi giữa đường tùng nhẹ nhàng đặt bước chân sợ rằng làm đau gốc tùng đã hàng trăm năm tuổi. Tôi hình dung mỗi rễ cây, hòn đá là một trang huyền sử kể lại cho đời sau ngàn vạn câu chuyện hấp dẫn về chốn non thiêng này. Bên đường tùng là đường trúc. Người quân tử ưa cả tùng lẫn trúc. Dù tùng hay trúc, đi theo lối nào thì cũng là lối của người quân tử. Trên kia là vườn tháp Huệ Quang, kế bên dưới một đoạn có vườn tháp Hòn Ngọc. Rễ cây cổ thụ và mộ tháp chập chờn trong khói hương du khách vừa thắp càng làm cho Yên Tử thêm huyền bí hơn.
Tôi cúi đầu ngưỡng vọng trước tượng Phật hoàng trong bảo tháp. Mắt ngài cũng như đang nhìn tôi. Tôi tìm thấy trong đôi mắt ấy sự an nhiên, tự tại mặc cho cuộc đời chảy trôi như mây bay gió thoảng. Vườn tháp rêu phong ẩn mình trong cây cối cổ thụ, trong hoa đại trắng, sương trắng và cả mây trắng.
Dòng người hành hương lên non thiêng Yên Tử.
Qua vườn tháp và chùa Hoa Yên, tôi muốn chiêm ngưỡng sức vóc của cả vườn tùng. Anh Cảnh, nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử dẫn chúng tôi rẽ ngang, đi xuống thăm vườn tùng. Một vài cây tùng đã bị ngã đổ do quá già, sâu bệnh và bão gió. Tôi chợt liên tưởng cây cũng như người vậy có đời sống riêng. Mỗi cây tùng được đánh số và có một lý lịch, tình trạng sức khoẻ, sâu bệnh riêng, được các nhân viên Ban Quản lý theo dõi chăm sóc chu đáo nhưng khi cây quá già thì lại về với đất làm cho đất thêm mỡ màu. Cây cũng như người. Người lên núi tu hành hoá Phật lên không phải lánh đời mà để tìm phương cách cứu nhân, độ thế.
Người tu có dăm bảy đường tu, du khách hành hương cũng có dăm bảy lý do để về Yên Tử. Có người tín niệm năm nào cũng đi, có người bắt đầu từ tinh mơ, 3 giờ sáng đã leo Yên Tử. Có người lại leo Yên Tử để thử sức mình với đỉnh cao 1.068m và hàng ngàn bậc đá. Người đi Yên Tử tìm sự may mắn, an lành, kẻ lại đến đường hành hương để tranh thủ bán hàng rong mưu sinh kiếm chút lộc đầu năm. Tôi bắt gặp một cô bé ngủ trên vai bố khi hành hương, có cậu bé lại khóc trong lòng mẹ khi quá mệt. Sẽ có người đi Yên Tử chỉ để chụp ảnh đăng khoe trên facebook, kẻ lại đi Yên Tử chỉ để xem Yên Tử ra sao. Nhìn chung, không ít người thích sự đông đúc chen lấn mà đến với hội xuân. Tôi gặp cả ngàn người hành hương lên Yên Tử, mỗi người một khuôn mặt, một dáng điệu, một số phận, một cuộc đời. Trong mưa xuân lất phất vương trên cành lá, dòng người lần theo bậc đá giữa hai hàng cây. Có cụ già trên 80 tuổi vẫn nhờ con cháu dìu lên Yên Tử, không thấy kêu mệt. Chắc hẳn sức mạnh tâm linh đã chiến thắng sức vóc, nâng bước chân mảnh mai về miền đất Phật. Bởi vậy Yên Tử càng vào hội càng đông. Sau ba tháng hội, khách vãn dần và đến mùa đông thì rất ít.
Đi tìm tâm đan
Có người bảo rằng, nếu muốn lên Yên Tử để tìm cái mơ mộng, cái hư thực của sương khói thì nhất định phải lên An Kỳ Sinh và chùa Đồng. Núi non mờ ảo giữa mưa xuân và sương mù làm cho lòng du khách thanh thản hẳn đi, tạm nguôi quên đi những nỗi đời tục lụy và phiền não.
Quả thật như vậy, khi tôi đặt chân đến hết những bậc đá cuối cùng có thể nhìn thấy tượng An (Yên) Kỳ Sinh thì dường như mọi mệt nhọc đã bỏ lại dọc đường. Theo truyền thuyết, An Kỳ Sinh là một đạo sĩ phương Bắc hành đạo xuống phía Nam để đi tìm thuốc trường sinh. Có thuyết nói rằng, ngài đã đến Yên Tử để tìm nguyên liệu và đặt phép tu luyện. Giờ đây, An Kỳ Sinh trên Yên Tử chỉ là một khối đá như một ẩn dụ về sự tồn tại của phương thuốc trường sinh trên đỉnh non thiêng. Nhắc đến đạo sĩ An Kỳ Sinh, lại nhớ chính đức vua Trần Nhân Tông là nhà sư nhưng có tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”. Có chỗ ông thể hiện tư tưởng của đạo sĩ vì chỉ đạo sĩ mới luyện thuốc trường sinh. Trong tập “Cư trần lạc đạo phú”, ở hội thứ nhất, ngài viết: “Lo lắng hoán cốt, mong được lên tiên, thích uống đan thần”. Hoặc như ở hội thứ tư: “Tìm đường hoán cốt, phục dược luyện đan”. Tháng 7-1299, ngài đã cho tu sửa hoặc dựng mới am Dược để làm nơi luyện thuốc. Rốt cuộc, Phật hoàng có luyện được linh đan ở am Dược hay không thì đời sau không rõ và có lẽ cũng chẳng có.
Phút nghỉ ngơi dọc đường hành hương của du khách.
Mà nói cho đến cùng cũng chẳng cần linh đan bất tử vì vạn vật vốn dĩ đã trường tồn. Chẳng thế mà ở Yên Tử, những thân mai khẳng khiu vượt qua mùa đông giá lạnh để đơm hoa. Những đoá mai vàng khi lìa cành vẫn còn giữ nguyên màu vàng thanh thoát. Tất cả đã mang đến cho tôi cảm nhận rằng, vạn vật chẳng có gì là mất đi vĩnh viễn, chỉ có sự chuyển hoá sang một dạng thức khác mà thôi. Mai vàng hấp thụ khí thiêng đất trời, sương khói để chuyển ra hương sắc. Còn bậc chân tu như Trần Nhân Tông nhận vào mình khí thiêng để hoá thành thứ tư tưởng vĩ đại lưu truyền hậu thế. Có lẽ vì sự chuyển hoá ấy mà chùa tháp, tượng Phật hoà vào cùng cây cỏ. Người ta cũng vậy, chan hoà với thiên nhiên, cuộc đời và con người thì sẽ trường sinh. Một người bạn của tôi vốn là bác sĩ làm thơ, khi ngắm nhìn tượng An Kỳ Sinh bảo rằng đó chính là tâm đan. Cái thứ tâm đan ấy phải được tu luyện ở trái tim mình chứ không thể nào mưu cầu được ở ngoại giới. Có thứ tâm đan ấy thì lòng luôn an lạc, lúc nào cũng vui như đang mở hội xuân và theo nghĩa đó, tâm đan còn quý hơn cả linh đan...
Thay lời kết
Chia tay Yên Tử, tôi xuống núi ra về bất giác nhớ 2 câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương đã đọc cho tôi nghe khi ông từ non thiêng đi xuống: “Thôi thông ở lại với trời/ Ta về phố chợ với người hồng nhan”. Ông về phố chợ xôn xao còn tôi về phố mỏ, phố của những công nhân ngành than vất vả. Giữa đời sống cần lao, tôi đã tìm thấy được một Yên Tử của riêng mình.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027