YÊN TỬ VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM QUA TRUYỆN KÝ MỘT LẦN VỀ YÊN TỬ CỦA TRẦN TRƯƠNG

Cách đây không lâu, Trần Trương đến nhà tôi chơi, anh khoe tôi một tập bản thảo vừa in từ vi tính ra, còn nguyên hơi ấm, với tựa đề Một ngày về Yên Tử. Song vì thời gian, tôi chỉ lướt qua và chúc mừng anh đã đầu tư công sức cho một tác phẩm dầy dặn như vậy.

Vừa xuất bản xong anh mang tặng tôi, nhưng tác phẩm đã được mang tên Một lần về Yên Tử  (Khác với tiêu đề cũ ở chữ “ngày” và “lần”), do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 5 năm 2019. Đọc xong, tôi xin có một vài cảm nhận về tác phẩm:

Truyện ký Một lần về Yên Tử của tác giả Trần Trương.

Viết về Yên Tử, viết về Thiền phái Trúc Lâm đã có rất nhiều sách, nhiều bài báo của nhiều tác giả có tên tuổi từ xưa đến nay trên đất Việt và cả ở nước ngoài. Bản thân Trần Trương cũng đã cho ra mắt bạn đọc khá nhiều tác phẩm như: Non thiêng Yên Tử; Danh nhân Yên Tử; Chùa Yên Tử; Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Yên Sơn ký ức… Lần này là một truyện ký Một lần về Yên Tử với độ dầy gần 300 trang, sách được trình bày trang nhã, bắt mắt. Anh đã khéo léo truyền tải hiểu biết của mình về Yên Tử, về Thiền phái Trúc Lâm qua câu chuyện giữa thày và trò, giữa người Việt Nam và một du khách Nhật, thật giản dị mà uyên thâm. Thầy Bảo (tên nhân vật trong truyện), với cái túi “càn khôn” của mình, đã lần lượt đưa học trò và cả người đọc, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ở đây, một lần nữa ta khẳng định “Yên Tử là tên của cả một dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều. Yên Tử cũng là tên của một ngọn núi cao nhất dãy, có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Sườn Nam của núi thuộc địa bàn thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, sườn Bắc của núi thuộc về huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang”. Gọi là núi “Yên Tử” vì một đạo sĩ có tên An Kỳ Sinh từ phương Bắc đến tu luyện Đạo Tiên và đắc đạo tại đây. Trên vùng đất Kinh Môn, Hải Dương còn có núi “An Phụ”. “An” cũng là “Yên”. “An Phụ”, là “Núi An Cha”. Còn “An Tử” hay “Yên Tử” là “Núi An Con”. “An Phụ”, thấp hơn là “Núi Cha”, “Yên Tử” cao hơn, là “Núi Con”, con hơn cha, điều đó hợp với lẽ đời. Nhưng không chỉ có thế, “Tử” còn có nghĩa là “Ông Thầy”. “Tử” ở đây chỉ người đàn ông có đức hạnh, là bậc đáng tôn kính, như Khổng Tử (thầy Khổng), Mạnh Tử (thầy Mạnh)... không thể chỉ hiểu đơn thuần “tử” là “chết”. Như vậy, còn có thể hiểu núi “Yên Tử” là “Núi Thầy”. Mà đã là thầy thì bao giờ cũng cao cả và thiêng liêng. Người dân Uông Bí, người dân Quảng Ninh có quyền tự hào rằng: Vùng đất ta đang sống có một ngọn núi thiêng đó là “Núi Thầy”. Không dám nói ra Thế giới, chỉ ở Việt Nam thôi, có một ngọn núi duy nhất: “Yên Tử” - “Núi Thầy”.

Yên Tử đã trở thành một “Danh Sơn”, nói cách khác đó là “núi nổi danh” hay “núi nổi tiếng”. Vì ở đây cảnh quan rất đẹp, đó cũng là nơi gắn với cuộc đời của những người nổi tiếng như Đạo sĩ Yên Kỳ Sinh, tên của thầy dùng đặt tên cho ngọn núi này, rồi Sư Tổ Hiện Quang thời nhà Lý, Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng… Tam Tổ Trúc Lâm thời nhà Trần . Vùng núi Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Sơn thuộc dãy Yên Tử còn là nơi Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương dưỡng nhàn lúc tuổi già. Cũng là nơi các bậc danh sĩ như: Chu Văn An (thời Trần), Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Lê) về ở ẩn. Đó đều là những danh nhân có công với Nước, với Dân, được liệt vào hàng Phật, Thánh, Thần, Tiên. Mặt khác, Yên Tử nổi danh bởi đã được thơ ca, sử sách truyền đi khắp nhân gian, từ nơi này sang nơi khác, từ đời này đến đời khác. Bởi thế mà núi trở nên nổi tiếng.

Không chỉ có vậy, Yên Tử còn là một núi linh thiêng. Núi linh thiêng thường gắn với đời sống tâm linh của con người, trở thành biểu tượng thiêng liêng của niềm tin tín ngưỡng tôn giáo và được nhân dân ngưỡng vọng, tôn thờ. Trong tâm thức người Việt, một ngọn núi thiêng thường gắn với một nhân vật linh thiêng là Thần, Thánh, Phật, Tiên. Ngọn núi Yên Tử không chỉ có một Yên Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo mà còn có Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hiển Phật và ngài trở thành Đức Phật Việt Nam hơn bảy trăm năm qua. Có nhiều những Thiền sư đạo cao, đức trọng đã tu hành, hóa thân về dưới Phật đài, còn lưu lại ngọc cốt, xá lị được thờ phụng tại Yên Tử. Ở đây còn thờ Mẫu, thờ Tứ Phủ theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hơn nữa, vào thời nhà Nguyễn, Yên Tử đã được triều đình ghi vào danh sách những ngọn núi thờ cúng. Nên núi đã thiêng lại càng linh thiêng hơn.

Có phải vì cảnh đẹp hay vì núi nổi danh, hay núi thiêng mà Trần Nhân Tông đã về Yên Tử tu hành?

Thực ra, trước khi Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành thì Người đã có những năm tháng gắn bó với chùa Tư Phúc ở Thăng Long. Ngay cả động Vũ Lâm và hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình, cũng là nơi gắn bó với Ngài từ khi Ngài nhường ngôi báu cho con (năm 1293), và đến năm 1299, Ngài mới về Yên Tử tu hành. Cũng có ý kiến cho rằng: Ngài chọn đỉnh cao Yên Tử, lấy đó như một vọng gác tiền tiêu, nhằm phát hiện, lắng nghe những động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm lược.

Nhưng trong thực tế, Yên Tử chỉ cao 1.068m. Là một người lính trinh sát Phòng không Không quân trong những năm đánh Mỹ, tôi hiểu điều này, ở độ cao ấy không thể làm một trạm quan sát mắt để phát hiện những biến động từ phương Bắc hay từ biển Đông vào được. Tôi đã suy nghĩ từ lâu điều này, nhưng không có dịp để thổ lộ. Lần này, qua tác phẩm của Trần Trương, qua bài viết này, tôi xin được góp sự đồng cảm cùng tác giả. Hơn nữa, một ông vua, biểu trưng cho quyền lực tối thượng của quốc gia, không thể biến mình thành một cái tôi hữu hạn làm người lính gác biên thùy như vậy được. Coi Thượng Hoàng như một người lính gác biên thùy, vô hình chung đã làm giảm đi cái đẹp lớn lao của Thượng Hoàng.

Vậy vì sao Thượng Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành? Nếu theo nhân vật trong tác phẩm với vai thầy Trần Bảo thì có mấy nhận định:

Thứ nhất: Yên tử là chốn tổ đình, Sơn môn của dòng thiền Yên Tử. Từ nhỏ cho đến lúc xuất gia, Trần Nhân Tông tu Thiền đắc pháp bởi dòng Thiền Yên Tử. Dòng thiền này đào tạo được những thế hệ Thiền sư có uy tín lớn, nhiều vị được triều đình nhà Trần tôn vào hàng Quốc sư.

Thứ hai: Yên Tử là nơi lý tưởng để tu Thiền. Môn Thiền định rất cần có nơi yên tĩnh. Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni chọn ngồi dưới gốc cây Bồ-đề để Thiền đắc đạo, còn Phật Hoàng chọn Yên Tử, đều là những nơi yên tĩnh, thuận cho tu luyện.

Thứ ba: Yên Tử là nơi tu hành đạt đạo của nhiều danh nhân thuở trước. Đầu tiên phải nói đến Yên Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo. Việc thực hư pho tượng bằng đá ở gần đỉnh núi, giống hình người, tương truyền là tượng Yên Kỳ Sinh, cũng cho thấy đây là một địa chỉ Đạo giáo lâu đời và cũng là nơi con người tu luyện đạt Đạo Tiên. Cuối thời Lý có Tổ sư Hiện Quang, đầu thời Trần có Quốc sư Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu… đã tu thành đắc pháp ở núi này.

Thứ tư: Yên Tử là “phúc địa” (đất phúc). Trong thời kỳ thống trị nước ta (năm 603 đến 907) nhà Đường đã xếp núi Yên Tử vào danh sách bảy mươi hai phúc địa của Trung Hoa. Theo An Nam chí lược, Yên Tử còn là Phúc địa Giao Châu. Là một trong bốn nơi được coi là (phúc địa) ở Miền Bắc Việt Nam.

Thứ năm: Yên Tử là nơi có vị trí đặc biệt đối với dòng họ Trần và với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tiên tổ nhà Trần là người Yên Sinh, Đông Triều, sau mới dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, khi nhường ngôi xuất gia đều lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn.

Đó là năm nguyên nhân cơ bản mà thầy Trần Bảo (nhân vật trong truyện) đã đúc kết lại. Người đời còn có thể tìm ra hoặc suy luận ra những nguyên nhân khác thuộc những vấn đề về thâm cung bí sử.

Ở đây, ta nhận thấy việc xuất gia của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là một việc làm phi thường, bởi từ cương vị của một Thượng Hoàng tột đỉnh vinh hoa, mà Ngài từ bỏ tất cả, phát nguyện tu theo mười hai hạnh đầu-đà (khổ hạnh), rồi tu thành Phật quả. Và vĩ đại ở chỗ không phải cho Ngài mà cho giang sơn, xã tắc. Mặt khác, di họa của chiến tranh tàn khốc do giặc Nguyên Mông để lại cho dân cho nước thật nặng nề. Chiến tranh gây ra cả mối hận thù, nhân tâm ly tán. Nhiều kẻ ham sinh, tham lam lại lao vào hưởng thụ khiến cho tam độc tham, sân, si lại trỗi dậy trong lòng người. Đó là nguy cơ làm cho toàn xã hội bị tha hóa, rất có thể dẫn tới sự sụp đổ của một vương triều, không tránh khỏi sự nhòm ngó của kẻ ham muốn xâm lăng. Trần Nhân Tông nhận ra điều đó, Ngài muốn dùng uy đức của mình để “tịnh hóa nhân gian”, khơi dậy Phật Tâm trong mỗi con người, quy tụ nhân tâm thành một khối thống nhất trong việc tái thiết đất nước sau chiến tranh và xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường. Một điều nữa, đó là Phật giáo Đại Việt đã suy vi từ cuối thời Lý, sang đầu thời Trần chưa cải thiện là bao. Trong giới tu hành đương thời còn nhiều kẻ tà tâm vô đạo. Thượng Hoàng nhận thấy không thể dùng quyền uy để chấn hưng đất nước, chấn hưng Đạo Phật. Chỉ với tư cách Giáo chủ Phật giáo Đại Việt, Thượng Hoàng mới làm được việc này.

Thượng Hoàng về Yên Tử với một ước vọng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đã từ lâu, giáo lý dòng Thiền Yên Tử chịu ảnh hưởng và kế thừa tinh hoa di sản tư tưởng Bát-nhã và tu tập thiền quán của Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, chủ trương “đốn ngộ” (giác ngộ nhanh) và nhập thế của Thiền phái Vô Ngôn Thông, khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca của Thiền phái Thảo Đường. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là sự kế thừa có chọn lựa từ dòng Thiền Yên Tử đã trải qua tám mươi lăm năm hình thành và phát triển kể từ khi Thiền sư Hiện Quang về Yên Tử tu hành. Như vậy Thiền Yên Tử và Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã hòa vào một và tồn tại tới ngày nay. Thiền phái Trúc lâm Yên Tử được thành lập là đã tự mình phân biệt với Thiền Tông Trung Quốc, là thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại. Đó cũng là một cuộc thống nhất ý thức hệ để tạo nên một Phật giáo nhất tông và cũng là khoác cho mình chiếc áo mới của một tôn giáo mới.

Qua tác phẩm này ta nhận thấy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tuy kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và các dòng thiền khác, nhưng Thiền Trúc Lâm Yên Tử vẫn thể hiện những đặc điểm riêng nổi bật.

Thứ nhất: Theo Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Thiền ở đây là loại Thiền Thượng Thừa, nếu tu trì được sẽ thành Phật.

Thứ hai: Thiền Trúc Lâm Yên Tử nêu quan điểm mới về Phật. “Phật tức tâm” và “Bụt là ta”.

Thứ ba: Đặc trưng nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là tông chỉ “soi sáng lại chính mình”.

Thứ tư: Đặc trưng căn bản của Thiền Trúc Lâm Yên Tử là sự dung hợp, hiển đạt tam tông (Thiền-Tịnh-Mật) và tam giáo đồng nguyên (Phật-Nho-Giáo). Chủ trương “niệm Phật, thụ giới và tọa Thiền”.

Thứ năm: Thiền Trúc Lâm Yên Tử đề cao lối sống “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo”, tạo nên tinh thần nhập thế rất mạnh mẽ.

Thứ sáu: Thiền Trúc Lâm Yên Tử tôn trọng sự tùy duyên trong việc hành trì, giáo hóa độ sinh của các Thiền sư và Cư sĩ. Chúng dân tùy theo căn cơ mà lựa chọn cách tu cho phù hợp.

Thứ bảy: Thiền Trúc lâm Yên Tử giúp con người rèn luyện luân lý đạo đức hơn là theo tính chất thần bí tôn giáo.

Giáo lý Trúc Lâm thực sự trở thành những bài học luân lý, khuyên răn con người không được tham lam của cải, sắc đẹp, rượu nồng, thịt ngon, công danh phú quý…, vì lòng tham dẫn dắt con người đến chỗ làm trộm cướp, bè phái, khinh vua, gét cha, nhạo Tăng, chửi Phật… Giáo lý kêu gọi mọi người làm việc thiện, bố thí cho kẻ nghèo, thương yêu người khác, tôn trọng phép nước, kính cha, thờ vua, góp phần tích cực xây nên Tịnh Độ ở trần gian.

Ta nhận thấy từ tác phẩm những đặc điểm của Thiền Trúc Lâm, dù có khác với đặc điểm của những Phái Thiền khác, nhưng lại rất gần gũi với điều kiện, với tâm tính của con người Việt Nam. Quan điểm “Bụt là ta” thật mới mẻ, dựa trên nguyên lý “Phật tức tâm”. Phật ở ngay trong tâm mình, Phật chính là mình, không phải tìm ở bên ngoài. Chỉ cần tâm tĩnh lặng và soi sáng lại mình sẽ thấy được Phật tính. Lối sống “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo”, tạo nên tinh thần nhập thế rất mạnh mẽ. Đó chính là sự gắn kết giữa Đạo và Đời, khiến Đạo “đạo hơn” và khiến Đời “đời hơn”. Đó là việc làm đưa Đạo vào Đời phục vụ đất nước và nhân dân. Lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình thành Phật Tâm. Đó là lối sống “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.

Phải chăng đó là những tư tưởng đã xuyên suốt trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chính trị-xã hội của dân tộc Việt Nam trải qua bao thế kỷ. Đó cũng phải chăng là một cơ sở của luận thuyết mà Đảng ta hằng nêu ra: Phải tự trau dồi và rèn luyện mình, phải tự phê bình và phê bình. Và có phải chăng, đó cũng là một cơ sở của phương châm mà Đảng ta đã nêu: “Tất cả là do dân và vì dân”!

Một lần về Yên Tử còn đề cập tới một vấn đề mà tôi tâm đắc, đó là  “sám - hối”. Con người ta sinh ra và sống ở trên đời, không ai thoát khỏi lỗi lầm! Và cũng không ai không muốn hướng về cái tốt, cái thiện! Song việc ấy thể hiện ở mỗi người là khác nhau. Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau. Không phải ai cũng nhận ra và làm được việc “sám”, không phải ai cũng nhận ra và làm được việc “hối”. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ hòa nhập - đổi mới và phát triển. Cũng đang trong giai đoạn chống tham nhũng quyết liệt nhất, liệu mỗi chúng ta có nhận thức được “sám” và “hối” để tâm mỗi chúng ta ngày một trong sáng hơn không?

Với truyện ký Một lần về Yên Tử, Trần Trương đã cho độc giả biết khá nhiều điều về Yên Tử, về Thiền phái Trúc Lâm. Qua thầy Trần Bảo (nhân vật trong truyện), ta biết thêm nhiều những giáo lý của Trúc Lâm Yên Tử. Đồng thời ta cũng hiểu thêm về nguồn gốc, cảnh quan Yên Tử và về các Thiền sư, Cư sĩ. Đặc biệt là tư tưởng về đạo Phật của các vị Hoàng đế Triều Trần, mà tựu trung lại là Phật Hoàng Trần Nhân Tông với giáo lý Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ta cũng hiểu thêm về sự tích hệ thống chùa, am, tháp, đường tùng, hoa mai, cây đại, những con suối…, và cả những làng quê cổ dưới chân Yên Tử. Sách cũng không quên nêu ra sự kiến tạo của thiên nhiên qua hàng chục triệu năm để có ngọn núi và cũng không quên nêu ra những kiến tạo của con người trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ phát triển kinh tế. Tạo hóa và con người đã hòa quyện vào nhau, đã làm nên một Yên Tử thời nay, một nơi cuốn hút hàng triệu du khách mỗi năm, vì đây vừa là du lịch tâm linh, vừa là nơi du lịch sinh thái, hiếm có trên cõi đời này.

Gập cuốn sách lại, tôi thật cảm phục tri thức của Trần Trương về Yên Tử mà anh đã thể hiện ở nhiều cuốn sách và ở ngay cuốn này một cách tinh tế qua thầy Trần Bảo (mà đó chính là Trần Trương) mà từ lâu tôi đã gọi Trần Trương là “nhà Yên Tử học”.       

Tuy vậy, việc xuất bản một cuốn sách hàng trăm trang khó tránh khỏi những sai sót về chỉnh tả, lặp từ hay một vài dữ liệu chưa chuẩn xác, như Trần Trương đã đính chính kèm theo sách. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn có cái băn khoăn về tên gọi của cuốn sách. Tôi thích “Một ngày về Yên Tử” hơn là “Một lần về Yên Tử”. Thiển nghĩ của tôi với diễn trình này, với câu chuyện này: “Ngày” dài hơn “lần”! Mong Trần Trương và bạn đọc thông cảm!

Xin được chúc mừng Trần Trương!

NGUYỄN XUÂN VINH

Số nhà 26, ngõ 126, đường Lựng Xanh, Uông Bí, Quảng Ninh.

Điện thoại: 0912285205

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21807 Tổng lượt truy cập 91400735