Yên Tử ngàn năm mây trắng

Trong sử sách, Yên Tử là “Phúc địa Giao Châu” - An Nam chí lược; “Tự Đức năm thứ 3 liệt Yên Tử vào hạng danh sơn, chép trong điển thờ” - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, trang 395…

Quá trình tu hành đắc đạo, hình thành và phát quang Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại núi Yên Tử của vị Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các vị tổ sau này đã tạo nên Khu di tích - danh thắng Yên Tử thuộc TP Uông Bí. Năm 1974, Khu di tích - danh thắng Yên Tử được công nhận di tích cấp Quốc gia, năm 2012 được công nhận di tích cấp Quốc gia Đặc biệt.

Chùa Đồng Yên Tử trời đất giao hòa.

Những viên gạch đầu tiên phục hưng Yên Tử

20 năm sau ngày Khu di tích - danh thắng Yên Tử được công nhận cấp Quốc gia, người ta đến Yên Tử nhưng không thấy Yên Tử. Đơn giản bởi phần lớn các điểm di tích chùa, am, tháp trong đó đều ở dạng phế tích. Trong một báo cáo của xã Thượng Yên Công thời kỳ đó cho thấy chùa Vân Tiêu chỉ còn nền chùa. Chùa Bảo Sái chỉ còn bức tường đổ. Chùa Cầm Thực là đống đá đổ nát. Chùa Bí Thượng là căn lều dựng tạm thờ pho tượng gỗ nhỏ. Chùa Hoa Yên là căn nhà cấp 4 với tường đá, ngói thường. Chùa Đồng nhỏ bé, được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt đồng. Vườn tháp tổ hoang vu, đa số ngôi tháp chỉ là đống đá xếp gọn lại với nhau… Các điểm di tích còn lại như Suối Tắm, Cầm Thực, Long Động, Giải Oan, Một Mái, am Dược, am Thung, am Diêm, am Thiền Định, am Lò Rèn, vườn tháp Hòn Ngọc... nằm đâu đó trong lòng đất, lòng rừng và gần như không có tính kết nối giao thông, có điểm di tích không có đường vào.

Năm 1992, Ban quản lý di tích Yên Tử được thành lập, trực thuộc TP Uông Bí, lúc bấy giờ là thị xã Uông Bí. Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần III diễn ra tại Hà Nội đã chính thức thống nhất quan điểm Yên Tử là một trong những trung tâm trọng điểm của Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặc đối với Yên Tử.

Một góc Legacy Yên Tử.

Ông Trần Trương, trưởng ban đầu tiên của Ban quản lý di tích Yên Tử cho biết: Trong hàng chục di tích quốc gia của Quảng Ninh được công nhận trước thời, cùng thời Yên Tử, Yên Tử là di tích hiếm hoi được thành lập ban quản lý trực thuộc chính quyền cấp huyện. Điều này không đơn thuần đánh dấu sự có mặt, sự tham gia trực tiếp và bài bản của bàn tay quản lý nhà nước tại Yên Tử mà chính là sự khởi đầu của một tầm nhìn, một khát vọng phục hưng Yên Tử của cán bộ và nhân dân Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Những thước phim tài liệu 16 phút về hiện trạng Yên Tử do Ban quản lý di tích Yên Tử thực hiện, cũng là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Ban quản lý di tích Yên Tử đã được gửi tới nhiều cá nhân, cơ quan chuyên môn trung ương quan tâm đến Yên Tử. Đây chính là một trong những cứ liệu, điều kiện để Yên Tử nhận được gói ngân sách trung ương 64,5 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Yên Tử thời điểm năm 1996.

Gói ngân sách 64,5 tỷ đồng, mặc dù sau này chỉ giải ngân được gần 2/3, thế nhưng cũng đủ để các chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, Cầm Thực, Suối Tắm, Giải Oan, Bí Thượng, vườn tháp… lần lượt được trùng tu, tôn tạo; một số điểm khác được khảo cổ, thu thập tư liệu. Đặc biệt bến xe Giải Oan được nâng cấp; một số tuyến đường được hình thành dẫn lối vào các điểm di tích, kết nối các điểm di tích Yên Tử với nhau, kết nối Yên Tử với tuyến đường dân sinh qua Thượng Yên Công, Phương Đông, quốc lộ 18 và vùng đô thị Uông Bí, kéo gần Yên Tử với phật tử và du khách.

Vườn tháp Huệ Quang. Ảnh Thanh Tùng (CTV).

Gói đầu tư 64,5 tỷ đồng cũng khởi nguồn cho một số dòng vốn khác đổ về Yên Tử giai đoạn sau này, trong đó có vốn ngân sách Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và vốn huy động xã hội hóa. Theo sổ sách thống kê lưu của TP Uông Bí, tổng cộng số công trình, hạng mục được đầu tư tại di tích Yên Tử giai đoạn 1992 - 1998 là 50, giá trị đầu tư tính được là 39 tỷ đồng, giá trị đầu tư ước tính (phần xã hội hóa) là hàng chục tỷ đồng. Trong đó có một Việt kiều Mỹ xây dựng chùa Đồng năm 1993 (ngôi chùa này 12 năm sau đó được hạ giải để xây dựng chùa Đồng hiện nay); một Việt kiều Canada xây dựng chùa Giải Oan trong 3 năm 1994 - 1997.

Cùng với các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trùng tu tôn tạo di tích, việc dừng hoạt động khai thác than trong khu vực Yên Tử đã được thực hiện triệt để; công tác bảo vệ, làm giàu rừng được tăng cường, tạo vành đai bảo vệ Yên Tử; các hoạt động dân sinh của người bản địa có nguy cơ ảnh hưởng tới môi sinh, môi trường Yên Tử được chấn chỉnh… Giới tăng ni cũng có mặt ở Yên Tử thường xuyên hơn và thực hiện các hoạt động phật pháp.

Đặc biệt Quảng Ninh bắt đầu đưa ra chủ trương thu hút doanh nghiệp làm dịch vụ phục vụ Yên Tử. Điều này được đánh giá là điều kiện tạo nên bước chuyển mới ở Yên Tử.

Chùa Đồng Yên Tử thời điểm trước khi được trùng tu với ngôi chùa mới như hiện nay. Ảnh Tư liệu

Càng đi càng sáng

Năm 2000, những nhát cuốc đầu tiên của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm để thực hiện dự án cáp treo lên Hoa Yên đã chính thức đánh dấu sự có mặt của doanh nghiệp tại Yên Tử. Đến nay, Tùng Lâm lần lượt là chủ đầu tư của các dự án trăm tỷ, ngàn tỷ tại Yên Tử như cáp treo giai đoạn II, giai đoạn III, bến xe Yên Tử, đặc biệt là đại dự án Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với nội hàm là 11 hạng mục thành phần...

Hành trình 20 năm tại Yên Tử của Tùng Lâm, lời khen dành cho doanh nghiệp này chính là đã biết rút ra bài học, ngày càng thấm nhuần và thực hiện triệt để nguyên lý tôn trọng, bảo vệ giá trị gốc, phát triển trên nền tảng gốc. Không quá khi nói rằng Tùng Lâm là một doanh nghiệp làm văn hóa có tâm và có tầm. Điều này thể hiện ở con số vốn đầu tư khổng lồ doanh nghiệp đã đổ về Yên Tử những năm qua, tính ra đã là 2.500 tỷ đồng; thể hiện ở cách mà doanh nghiệp kiếm tiền, đó là dựa trên cơ sở đặt mục tiêu phát huy giá trị di sản, phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội làm đầu, lợi ích doanh nghiệp đặt sau…; thể hiện ở sự cân nhắc, lao tâm khổ tứ của doanh nghiệp khi đặt từng đường chỉ, viên gạch xuống Yên Tử, khi xây dựng, khai thác từng sản phẩm du lịch tại Yên Tử.

Học sinh trong và ngoài tỉnh trải nghiệm tại Yên Tử.

Theo các chuyên gia, khó có doanh nghiệp nào làm cáp treo mà giữ từng gốc cây rừng; làm đại công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm mà bằng các vật liệu trấu, gỗ, đất nung, đồng, gốm, thiết kế cửa vòm theo hình tháp tổ, tường dày, mái ngắn, ngói ngả màu thời gian; làm sản phẩm du lịch thiên về tính thiền tịnh… Bởi đây đều là những lựa chọn tốn kém, cả về thời gian, tiền bạc, công sức, trí tuệ…, điều mà doanh nghiệp thông thường không ưu tiên.

Nỗ lực của Tùng Lâm đã mang đến một Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử vốn đồ sộ là vậy mà lại hài hòa đến lạ, toát lên văn hóa “hồn Việt, nét Trần, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm”, làm đẹp lòng ngay cả những chuyên gia lịch sử khó tính nhất. Đó quả là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Tùng Lâm. 

Riêng quan điểm xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch của Tùng Lâm cho thấy thiện chí của doanh nghiệp này. Đó không là ưu tiên kiếm tiền nhanh, nhiều mà là ưu tiên giá trị nhân văn, chiều sâu của mỗi mỗi gói sản phẩm, mỗi khách hàng sử dụng và hưởng thụ. Ví như du lịch tâm linh, du lịch tĩnh dưỡng, trải nghiệm, MICE, Yoga, thiền theo nhà phật như thiền yoga, thiền chuông, thiền trầm… tăng cường sức khỏe thể chất tinh thần bằng bài thuốc dân gian, tĩnh tâm dưới đường tùng, lên đỉnh chùa Đồng đón ánh bình minh…

Đông đảo du khách vui "ngày hội làng" tại Yên Tử.

Theo ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: Quá trình gắn với Yên Tử đó là quá trình càng đi càng sáng. Sáng ở sự kiên định với mục tiêu bất di bất dịch là bảo vệ, tôn trọng giá trị gốc; sáng là sự khai mở không ngừng những ý tưởng và lòng quyết tâm đầu tư dù là có khó khăn; sáng là sự lựa chọn và chấp nhận giải pháp kinh doanh rất chậm, rất trầm… Điều này lý giải vì sao 20 năm của Tùng Lâm ở Yên Tử cũng chính là hành trình song hành giữa phát triển của doanh nghiệp và phát huy giá trị của di tích.

Cùng với những chuyển động của Tùng Lâm, hình ảnh Yên Tử ngày càng đổi thay và tỏa sáng với sự kiện phục dụng chùa Đồng năm 2005, ngôi chùa lập kỷ lục Việt Nam về chùa đồng đúc nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao cao nhất; sự kiện dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013, cũng lập kỷ lục châu Á tượng đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất. Cả 2 công trình này đều do Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng với nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó công tác quản lý, vận hành Yên Tử ngày càng khoa học, hiện đại, giàu tính nhân văn đã tạo sức hút cho Yên Tử.

Làng Hành hương Yên Tử tĩnh lặng buổi sớm mai.

Từ những chuyển động ấy đã khiến một Yên Tử thiếu người qua lại những năm 1990, một Yên Tử lượng khách chưa bằng 1/2 đền Cửa Ông những năm 2000 giờ đây đã được thay bằng một Yên Tử đón 1,5 - 2 triệu lượt người mỗi năm, là điểm du lịch tâm linh có lượng khách lớn nhất của toàn tỉnh. Không chỉ có vậy, từ hào quang của Yên Tử đã trở thành mạch nguồn góp phần phát triển và chuẩn hóa hoạt động phật pháp. Kết quả đó chính là sự cộng hưởng những nỗ lực của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp và giới tăng ni phật tử Quảng Ninh nói riêng, trong và ngoài nước nói chung.

Cơ hội vươn tầm di sản thế giới

Tại cuộc hội thảo khoa học về Yên Tử được tổ chức gần đây nhất tại Quảng Ninh, PGS, TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, với những giá trị to lớn trong lòng Yên Tử, sự gìn giữ, phát huy giá trị Yên Tử đúng cách thời gian qua, thì việc Yên Tử đặt mục tiêu trở thành di sản thế giới là khả thi. Thực chất mục tiêu này đã được Quảng Ninh đặt ra từ nhiều năm trước, mốc khởi động là năm 2015. Đến nay, theo PGS, TS Đặng Văn Bài chính là thời điểm thuận lợi nhất để Yên Tử đẩy mạnh lộ trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Khu vườn tháp Yên Tử thời điểm năm 2013.

Lý giải của PGS, TS Đặng Văn Bài, giờ đây nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới có sự góp mặt, chung tay của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương thay vì chỉ Quảng Ninh. Đặc biệt Yên Tử thay vì đứng độc lập đã được đặt trong mối liên hệ kết nối hữu hình, vô hình cả về không gian, thời gian, hạ tầng giao thông, hệ tư tưởng... Đó là kết nối trong chiều dài phát triển và thành tựu văn hóa Trần, Lý mà hồn cốt chính là đời Trần; đó là sự kết nối của các di tích nhà Trần trong tỉnh như Bạch Đằng, Cửa Ông, cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều, kết nối hành trình điểm đến lên rừng (Yên Tử) - xuống biển (Vịnh Hạ Long). Đặc biệt chính là kết nối Yên Tử tại Quảng Ninh với các di sản dấu ấn nhà Trần tại Bắc Giang với đại diện là Vĩnh Nghiêm, tại Hải Dương với đại diện là Công Sơn - Kiếp Bạc.

Yên Tử còn được đặt trong mối quan hệ kết nối giữa tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với hệ tư tưởng của thời Trần, quân dân nhà Trần. Cái mà thông qua đó Đại Việt trong mắt thế giới mang tinh thần “sát thát”, 3 lần chặn đứng vó ngựa đại quân xâm lăng toàn cầu - Nguyên Mông; tinh thần hòa hợp, nhập thế đạo với đời, đạo dành để giúp đời…

Sân lễ khai hội Yên Tử.

Các nhà khoa học lịch sử đã cho rằng, tính khác biệt của Yên Tử chính là nơi khởi đầu của dòng thiền Việt, Thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ 2.000 năm trước, thế nhưng giáo lý và vị tổ phần lớn đều là người Trung Hoa. Chỉ có Thiền phái Trúc Lâm xuất hiện 13 thế kỷ sau đó là do người Việt sáng lập, chính là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất và giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bên cạnh đó giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng chính là từ cuộc sống của người Việt mà ra và trở lại hòa hợp với đời sống xã hội Việt.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tất cả những giá trị trên sẽ là điểm cộng cho Yên Tử dưới con mắt của các chuyên gia văn hóa UNESCO khi đưa di sản này lên tầm thế giới. Được biết trong năm 2020, 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã thống nhất chương trình hành động; tổ chức các hoạt động khoa học nhằm nhận diện những giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử; lập mới Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc và lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện; xúc tiến việc xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để trình công nhận di sản thế giới. Mục tiêu giữa năm 2021 gửi dự thảo hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử về Bộ VHTT&DL; đầu năm 2022 gửi hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đến Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.

Dịch vụ thiền tại Yên Tử.

Yên Tử ngàn năm mây trắng. Những giá trị của Yên Tử đã trường tồn và được gìn giữ, bảo vệ, phát huy đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Hôm nay, Yên Tử vẫn được coi là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là chốn tổ của các dòng thiền Việt Nam không chỉ là hào quang quá khứ mà luôn là giá trị của hiện tại. Phật tử, du khách đổ về với Yên Tử mang theo những háo hức trải nghiệm, những đức tin chánh niệm, những sự thỏa nguyện thụ hưởng giá trị cuộc sống. Cũng vì vậy mà Yên Tử giờ đây chuyển động 24h/ngày, 4 mùa/năm. Việc Yên Tử đang trên lộ trình trở thành di sản văn hóa thế giới lại càng là cơ hội để giá trị của di sản này được lan tỏa cao hơn, xa hơn, mang đến cho nhân loại nhận thức về một dấu ấn kinh đô Phật giáo Việt Nam một thời của Việt Nam, về tinh thần nhập thế, đạo không tách với đời của dòng thiền đặc biệt của Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Việt Hoa (CTV)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 28837 Tổng lượt truy cập 94727034