Yên Tử - Chốn linh thiêng ngàn năm

Trong huyết mạch địa linh đất Việt, Yên Tử được coi là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu", là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam, nơi khởi nguồn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây cũng được ví như chốn nước biếc non kỳ làm lay động lòng người, không chỉ bởi cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ, mà còn là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt, nơi chứa đựng các giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên được hun đúc, cộng hưởng qua hàng ngàn năm.

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Miền đất Phật linh thiêng

Yên Tử từ lâu đã được coi là cội nguồn tâm linh của bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Dân gian ta vẫn lưu truyền câu ca dao: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Sau 2 lần lãnh đạo quân, dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi (năm 1285 và 1288), Ngài đã truyền ngôi báu cho con, từ bỏ lầu son, điện ngọc về chốn hoang liêu này để tu hành, giác ngộ Phật. Ngài là vị hoàng đế duy nhất trên thế gian từng xuất gia và đắc quả vị Phật.

Tháp Tổ - nơi đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc Việt, với mong muốn xây dựng một quốc gia hạnh phúc và hướng thiện. Từ đó, Yên Tử trở thành nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm và được coi là thánh địa Phật giáo Việt Nam từ thời Đại Việt.

Qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, ngày nay các di tích còn lại ở Yên Tử là 11 ngôi chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng hội tụ đầy đủ nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại, thể hiện những giá trị vật chất và tinh thần lâu đời của người Việt Nam. Có lẽ đây là nét hấp dẫn riêng mà không phải nơi du lịch nào cũng có được.  

Du khách thập phương chiêm bái tại chùa Đồng (Yên Tử).

Chị Vân Anh (Hà Nội) chia sẻ: Mỗi năm tôi đều về Yên Tử một lần, thông thường vào dịp đầu xuân để chiêm bái, vãng cảnh chùa. Lần thứ hai trong năm nay tôi về đây cùng với con lớn của mình. Cháu rất thích không khí thanh tịnh, nhuốm màu lịch sử của Khu di tích danh thắng Yên Tử. Mẹ con tôi không đi cáp treo, mà lựa chọn hành hương bằng đường bộ để cháu có dịp trải nghiệm, thưởng ngoạn hết nét cổ kính, cũng như có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về giá trị lịch sử nơi đây.

Về Yên Tử, du khách sẽ có cảm giác lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về Đức Vua hóa Phật, về cõi thiêng Yên Tử với những công trình có giá trị như chùa Đồng, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm từ đây cũng được nhiều thế hệ nối tiếp kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng, miền trong cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới cho tới ngày nay. 

Dịch vụ thiền tại Yên Tử. Ảnh: Việt Hoa

Bắt nhịp xu thế phát triển, Yên Tử hiện nay đang ngày càng đa màu sắc, trong đó loại hình chủ đạo là du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được phát huy theo chiều sâu, thấm vào mỗi du khách. Không đơn thuần chỉ hành hương, lễ phật, du khách đến Yên Tử còn được tận hưởng nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc Việt như: Thiền, hội họa, trình diễn thời trang, ẩm thực, hội nghị, hội thảo… Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Là doanh nghiệp khai thác dịch vụ du lịch tại Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã dành cho Yên Tử nhiều trân trọng. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Hiện nay đơn vị tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch bao gồm các gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, khám phá Yên Tử, chăm sóc sức khỏe... tất cả đều phù hợp, hài hòa, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối không gian văn hóa của Yên Tử, cũng như để xứng tầm với giá trị của di sản. Triết lý đầu tư của công ty tại đây là xây dựng và phát huy giá trị của Yên Tử theo hướng nhân văn, tôn trọng di tích và giá trị xã hội. Mục tiêu là để Yên Tử linh thiêng không chỉ trường tồn, mà còn phát triển đến ngàn năm sau.

Cảnh núi non điệp trùng nhìn từ đỉnh Yên Tử.

“Đất tựa vàng liền, cảnh bằng ngọc đúc”

Ngoài danh xưng “cái nôi của Phật Giáo Việt Nam”, Yên Tử còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp tựa chốn bồng lai, tiên cảnh. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Rừng quốc gia Yên Tử càng tôn thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất Phật, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tâm linh, sinh thái của tỉnh Quảng Ninh.

Với độ cao 1.068m so với mực nước biển, du khách có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh mây che phủ trắng bầu trời khi đến Yên Tử. Xuyên suốt hành trình thượng sơn bái Phật, khách tham quan sẽ được đắm mình trong cảnh sắc mây trời, thiên nhiên, cây cỏ tựa như bức tranh thủy mặc. Đó là suối Giải Oan róc rác nước chảy quanh năm nơi chân núi, là đường tùng cổ kính trầm mặc dưới rừng thiêng, là những bậc thang rêu phong nhuốm màu thời gian, những mái chùa ẩn hiện giữa mây trắng ngàn năm, sự kỳ vĩ của núi non điệp trùng....

Đường tùng Yên Tử. Ảnh: Phạm Học

Đặc biệt khi chạm chân đến đỉnh chùa Đồng cảm giác tựa như lạc vào cõi tiên, một chốn hư không mênh mênh... mang mang... như lời bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự..."

Non nước Yên Tử với các giá trị lịch sử văn hóa còn hiện hữu cho tới hôm nay trong không gian rộng lớn trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương vô cùng giá trị. Hiện Quảng Ninh đang cùng với 2 địa phương còn lại lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hoá thế giới. Điều đó không chỉ góp phần khẳng định những giá trị trường tồn của Yên Tử trong lịch sử dân tộc, mà còn vươn tầm mở rộng hơn, là một câu chuyện di sản của toàn nhân loại. 

Khu Di tích danh thắng Yên Tử trở thành điểm đến của nhiều du khách nước ngoài.

Yên Tử, nơi đất trời giao thoa, gió mây quyện hoà như rồng chầu, hổ phục. Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở, từng bước chân của du khách. Mái chùa, phiến đá tĩnh tại kể chuyện về một vị Vua hóa Phật... Về Yên Tử là về với nguồn cội tâm linh tuyệt diệu, nơi mỗi người có thể về với bản ngã của chính mình, để nhận diện ý nghĩa cuộc đời, học cách nuôi dưỡng hạnh phúc, yêu thương...

Theo Nguyên Ngọc/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2552 Tổng lượt truy cập 91800902