Xứng đáng với niềm tin và di nguyện của Người

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thợ mỏ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Bác đã 9 lần về thăm Quảng Ninh, trong mỗi lần về thăm, Người đều dành những tình cảm tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về sự gần gũi, với những lời chỉ dạy ân cần, sâu sắc. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, trở thành hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Nhớ lời Bác dặn...

Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trước lúc đi xa Người không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử. Mặc dù Người viết rằng: “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957, nhân dân TX Hồng Gai (nay là TP Hạ Long) mít tinh mừng đón Bác. (Ảnh tư liệu)

Những ngày tháng 5 này, hơn bao giờ hết, trái tim của mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu đã mang lại cho dân tộc Việt Nam nền tự do, độc lập. Nhớ về Bác, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đang dồn trí tuệ, công sức chuẩn bị cho ngày hội non sông để bầu ra những người ưu tú nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chúng ta càng thấm sâu hơn những tư tưởng, lời dạy của Người, để cùng nhau góp sức hoàn thành trọn vẹn mong muốn của Bác.

Bà Trần Thị Trác, ở khu 4, thị trấn Cô Tô, một trong những người được tham gia sự kiện đón Bác Hồ thăm đảo Cô Tô vào ngày 9/5/1961, chia sẻ: Khi đó, tôi đang là dân quân được cử cùng với bộ đội trên đảo làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi lễ đón Bác. Năm ấy tôi mới hơn 18 tuổi, giờ đã 79 tuổi mà vẫn nhớ như in giây phút Bác đến đảo. Bác thân tình nói chuyện với bà con nông dân bên ruộng khoai lang, bên cánh đồng muối và dặn bà con nhiều điều, đó là phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đảo, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ". Lời Người giản dị thế thôi, nhưng hàm chứa biết bao điều gửi gắm đến quân và dân vùng biển đảo Đông bắc của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh trồng cây tại khuôn viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên huyện đảo Cô Tô. Ảnh: Nguyễn Chiến

Quảng Ninh là một trong số những địa phương được Bác quan tâm đặc biệt, dành thời gian về thăm nhiều lần và cũng là tỉnh duy nhất được Bác đồng ý cho dựng tượng tại đảo Cô Tô (nay là huyện Cô Tô) khi Người còn sống. Không chỉ về thăm Quảng Ninh, Bác cũng thường xuyên quan tâm tới tình hình của tỉnh, nhiều lần gửi thư, điện hỏi thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.

Lúc sinh thời, Bác Hồ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Quảng Ninh. Khi đặt tên cho tỉnh là Quảng Ninh, Bác mong muốn đây là vùng đất yên vui, rộng lớn. Đặc biệt, Bác còn căn dặn: “Phải xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”. Những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ninh luôn giữ vững niềm tin, quyết tâm xây dựng, khẳng định vị thế một tỉnh năng động, sáng tạo với vai trò động lực, dẫn dắt sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác.

Trường THCS Bái Tử Long (TP Cẩm Phả) tổ chức chương trình ngoại khóa tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử TP Cẩm Phả. Ảnh: Trúc Linh

Cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên, đã phát hiện, nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng, lợi thế, cùng với thách thức, khó khăn phải giải quyết và mâu thuẫn nội tại của sự phát triển để đề ra các mục tiêu, định hướng trong từng giai đoạn. Từ một tỉnh chỉ có khai thác than, đời sống của nhân dân còn khó khăn, Quảng Ninh ngày nay đã vươn lên thành một địa phương năng động, phát triển về mọi mặt. Và quan trọng hơn cả là những bước đi, quyết sách của tỉnh luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân, với kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, phát triển...

Thêm động lực, vững niềm tin

Đảng bộ, quân và dân Quảng Ninh luôn tâm niệm những lời dặn dò của Bác là những lời chỉ dẫn quý báu, ước nguyện thiết tha, niềm tin tưởng lớn lao, tình cảm sâu đậm, nghĩa tình mà Người dành riêng cho vùng đất biên cương này.

Quảng Ninh quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng khang trang, giàu đẹp. Ảnh: Đỗ Phương

Tỉnh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hoá quyền lực. Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, tỉnh đã mạnh dạn, quyết tâm triển khai thực hiện các đột phá về thể chế, về tổ chức, bộ máy, đột phá về quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chính quyền điện tử... Đây chính là tiền đề cho tiếp tục nghiên cứu, phát triển những mô hình, hình thái vận động mới với quy mô, hình thức khác biệt, phá vỡ nếp nghĩ theo cơ chế cũ, kích thích tiếp cận tư duy sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở có bước đi thận trọng (làm thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng hơn). Song hành với đó, tỉnh cũng tích cực thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6...

Cô Tô trên lộ trình trở thành khu du lịch sinh thái biển cao cấp quốc gia. Ảnh: Đỗ Phương

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặc biệt ấn tượng với cách mà Quảng Ninh đã triển khai trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị những năm qua. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết ông đã đến Quảng Ninh rất nhiều lần trong những năm vừa qua, mỗi lần ông đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt bộ mặt của tỉnh theo hướng tích cực. Ông đánh giá để đi đúng hướng thì cần có quy hoạch bài bản, nhưng để hiện thực hóa được quy hoạch thì Quảng Ninh cần một bộ máy làm việc xứng tầm. Đến nay lãnh đạo tỉnh đã rất thành công khi tạo ra một bộ máy làm việc năng động, hiệu quả, tinh gọn và xứng tầm công việc.

Không chỉ tiên phong, đổi mới trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; khắc sâu lời dạy của Bác, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển tải được “ham muốn tột cùng” của Người là “làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc” làm phương châm, định hướng lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh...

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân tăng 10,7%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt trên 211.470 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Tổng thu NSNN 5 năm ước đạt hơn 212.347 tỷ đồng, tăng 333% so với giai đoạn 2011-2015; thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương.

Công nhân Phân xưởng Khai thác 12, Công ty CP Than Vàng Danh quyết tâm thi đua hoàn thành kế hoạch, đảm bảo an toàn sản xuất. Ảnh: Phạm Tăng

Đặc biệt, 2 năm gần đây mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, song Quảng Ninh vẫn khẳng định được bản lĩnh, vươn lên đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển KT-XH. Điều này được minh chứng rõ nét khi tháng 5/2020, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ lựa chọn làm việc, nhằm lan toả tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Tại buổi làm việc với tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ấn tượng bởi mặc dù có nhiều sự thay đổi, nhưng Quảng Ninh vẫn luôn giữ được một tập thể đoàn kết, thống nhất, có ý chí, có khát vọng vươn lên. Tỉnh đã có những kết quả rất đáng biểu dương trong huy động các nguồn lực phát triển; đầu tư hạ tầng giao thông, như: Đường cao tốc, sân bay, cảng biển theo hình thức PPP; đẩy mạnh thu hút đầu tư; cải cách hành chính; tinh gọn bộ máy, biên chế; sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là nhập Hoành Bồ vào Hạ Long tạo ra xung lực phát triển rất lớn của tỉnh...

Thủ tướng khẳng định: Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh thời gian gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ của “vàng đen” với sự đầu tư phát triển của ngành Than theo hướng sử dụng công nghệ mới, hiện đại trong khai thác, chế biến; mà còn của “vàng xanh” chính là sự bứt phá về du lịch, dịch vụ, với việc đầu tư các địa điểm du lịch nổi tiếng theo hướng quy mô, xanh, sạch, đẹp. Quảng Ninh chính là hình mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương trong cả nước.

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng với những thành tựu trên, thực hiện lời dạy của Bác về công tác an sinh xã hôi, chăm lo cho người dân ở những vùng khó khăn, việc rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị, vùng đồng bằng với khu vực vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những thành tựu lớn của Quảng Ninh. Đáng chú ý, từ năm 2016, Quảng Ninh đã xây dựng riêng 1 đề án (Đề án 196) với mục tiêu dồn lực sớm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tỉnh đã huy động trên 1.770 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng gần 700 công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn vùng ĐBKK. Ðến nay, 100% xã ĐBKK đã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% hộ dân ở các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 98% hộ dân tại xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 9.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chương trình OCOP... Trợ lực này đã biến đổi những vùng đất khó khăn trở thành nơi phát triển kinh tế và làm giàu cho nhiều người dân.

Quảng Ninh, mảnh đất địa đầu biên cương của Tổ quốc, nơi được tạo hóa ban tặng cho vùng đất đẹp, giàu và hội tụ của “Thiên - Địa - Nhân” đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nỗ lực làm thức dậy những tiềm năng phong phú đó, bằng việc gắn với những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhất, làm thăng hoa, lan tỏa đến khắp mọi miền trong nước và quốc tế, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là cách thể hiện lòng tôn kính, yêu quý Bác và thực hiện làm theo lời Bác dạy.

Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4675 Tổng lượt truy cập 94784021