Xuất hiện chiêu lừa mới ‘hỗ trợ lấy lại tiền’ bị Tiktoker Mr Pips chiếm đoạt

‘Hỗ trợ lấy lại tiền’ bị chiếm đoạt bởi nhóm đối tượng do Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips) điều hành là chiêu lừa mới xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cảnh giác để không thành nạn nhân lần 2.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân trong vụ nhóm đối tượng do Tiktoker Mr Pips cầm đầu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Đơn cử như, tài khoản Facebook có tên ‘Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả’ có hơn 6.300 người theo dõi những ngày gần đây đã đăng tải thông tin và clip giới thiệu dịch vụ ‘hỗ trợ lấy lại tiền’ đã bị lừa trong vụ Tiktoker Mr Pips.

Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại được tiền đã bị lừa đảo của nhiều người, bài đăng của tài khoản ‘Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả’ còn cam kết: "Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau". Bài viết được đối tượng chạy quảng cáo thu hút hơn 70.000 lượt xem; 3.100 lượt like, hơn 800 bình luận.

Đáng chú ý, các đối tượng còn tạo niềm tin với các nạn nhân trong vụ lừa đảo của nhóm Tiktoker Mr Pips bằng những bình luận đưa thông tin giả mạo rằng mình là người dùng dịch vụ và đã nhận lại được tiền bị lừa.

 

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vừa cảnh báo về sự xuất hiện của chiêu lừa 'hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa' trong vụ chiếm đoạt 5.200 tỷ đồng của nhóm TikToker Mr Pips. Ảnh chụp màn hình.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam – VSEC phân tích, các chiêu trò lừa đảo ‘ăn theo’ vụ Tiktoker Mr Pips không chứa nhiều tính kỹ thuật, chủ yếu đánh vào tâm lý của các nạn nhân.

Thủ đoạn của chiêu lừa đảo ‘ăn theo’ vụ Tiktoker Mr Pips gồm các bước như: Mạo danh chuyên gia hoặc tổ chức pháp lý - Kẻ lừa đảo giả danh luật sư, cơ quan điều tra, hoặc tổ chức tài chính để tạo lòng tin; Khai thác tâm lý cấp bách - khai thác tâm lý sợ mất trắng, dùng lời hứa ‘hoàn tiền’ hoặc đe dọa mất cơ hội nếu không hành động ngay.

Thu thập thông tin cá nhân - đòi mã OTP, tài khoản ngân hàng, giấy tờ cá nhân, hoặc phí ‘xử lý hồ sơ’, từ đó lợi dụng những thông tin này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc bán thông tin trên thị trường ‘chợ đen’; Sử dụng các kênh thanh toán không chính thức - yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua ví điện tử hoặc tiền ảo, gây khó khăn trong quá trình cơ quan chức năng truy vết.

Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn có thể sử dụng AI và bot tự động để mở rộng phạm vi lừa đảo, hoặc dùng AI để giả giọng nói hoặc danh tính nhằm tăng tính thuyết phục với các nạn nhân.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân không tin vào các dịch vụ 'hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo' trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: NCSC

Nhấn mạnh người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước chiêu lừa mới ‘hỗ trợ lấy lại tiền’ trong vụ lừa đảo 5.200 tỷ đồng của TikToker Mr Pips để tránh việc một lần nữa trở thành nạn nhân, chuyên gia NCSC khuyến nghị: Người dân chú ý đến những dấu hiệu giúp nhận biết và phòng tránh lừa đảo.

Người dân cũng không nên tin vào hình thức "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội; không tin tưởng những dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí.

Cùng với đó, cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm. Khi nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng quan điểm, chuyên gia VSEC cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, xác minh kỹ những thông tin trên mạng xã hội, người dùng cần quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, cụ thể là không cung cấp mã OTP, số tài khoản hoặc những thông tin nhạy cảm khác.

Song song đó, người dùng cần cảnh giác với kênh thanh toán không chính thức, chỉ thực hiện giao dịch qua tài khoản minh bạch, được xác thực.

Tấn công lừa đảo trực tuyến được các chuyên gia dự báo tiếp tục 'hoành hành' trong năm 2025. Để bảo vệ người dân trên không gian mạng, đặc biệt là trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin đã khuyến nghị mô hình ‘kiềng 3 chân’ giữa 3 nhóm biện pháp gồm pháp lý chính sách, kỹ thuật và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân.

Mô hình 'kiềng 3 chân' cũng cần được áp dụng trong việc phối hợp triển khai các giải pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng, hệ thống trực tuyến và báo chí truyền thông, mạng xã hội. 


Theo Zalo OA Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19060 Tổng lượt truy cập 94764083