Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh rượu thủ công
Trước những hậu quả đau lòng do ngộ độc rượu, rất nhiều biện pháp đã được đề ra nhằm quản lý kinh doanh, sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, các vụ ngộ độc do rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn liên tiếp xảy ra, gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng rượu thủ công hiện nay.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc lấy mẫu rượu để thử nhanh tại cơ sở kinh doanh ăn uống ở thị xã Phúc Yên. Ảnh: MINH NGUYỆT
Vụ ngộ độc rượu tại bản Lao Chải, xã Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu) làm nhiều người chết, 13 người phải lọc máu chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, lại có thêm 7 người ngộ độc methanol được đưa vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đó là các sinh viên quê ở Gia Lai, tuổi từ 21-27, gồm năm nam, hai nữ, học ở Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). TS Hà Trần Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, cả bảy sinh viên ngộ độc đều trong tình trạng khá nặng, tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, trong đó có ba người hôn mê sâu, phải thở máy. Nguyên nhân là ngày 8-3 vừa qua nhóm này đã mua 1,5 lít rượu không nhãn mác về phòng trọ liên hoan, bữa ăn kéo dài đêm 8-3, thì đến ngày 9-3 một số người trong nhóm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu...
Theo lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu, con số tử vong lên tới hàng chục người; trong đó, phần lớn là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công, men rượu ngoại không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa chuẩn hóa về chất lượng… Kiểm tra chất lượng rượu nấu thủ công cho thấy, hàm lượng độc tố trong rượu nấu thủ công cao gấp hàng trăm lần rượu của nhà máy và rượu nhập khẩu từ một số nước. Đáng chú ý, rượu nấu thủ công chiếm 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước và sản lượng này tiếp tục tăng 8% đến 10% mỗi năm. Nạn sản xuất, kinh doanh và buôn bán rượu giả, rượu kém chất lượng tiếp tục diễn ra. Tại Hà Nội, gần như quán cơm, tiệm tạp hóa nào cũng bán rượu trôi nổi. Phổ biến nhất là loại rượu trắng không nhãn mác được gọi với tên “rượu quê” có giá bán buôn tại Hà Nội chỉ từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/lít rượu gạo. Một cửa hiệu bán hàng ăn trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) có bày bán đủ loại rượu, nhưng trong số đó chỉ có rượu vốt-ca là có nhãn mác. Các loại rượu táo mèo, mơ ngâm… đóng chai 500 ml không nhãn mác được nhân viên nhà hàng quảng cáo là rất êm và ngon, đều không có xuất xứ. Nhân viên giải thích qua quýt rằng đây là rượu tự nấu ở quê gửi ra bán. Có một thực tế hiện nay là các loại rượu sản xuất thủ công được dán nhãn “rượu dân tộc”, “rượu thuốc”… được bày bán tràn lan ở các quán nhậu và nhiều nơi trên cả nước.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), mỗi năm tại Việt Nam có hàng trăm triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công. Mỗi năm, người Việt Nam đang tiêu thụ rất nhiều rượu chưa qua kiểm định chất lượng. Ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP, quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, Nghị định 94 chưa mang lại hiệu quả thực tế dù đã được ban hành gần 5 năm. Phần lớn các hộ nấu rượu không biết về quy định này, trong khi các cơ quan chức năng không đủ sức để quản lý.
Trước những tác hại khôn lường từ rượu không rõ nguồn gốc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có văn bản về tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu do dân tự nấu, không rõ nguồn gốc xuất xứ sau nhiều vụ ngộ độc gần đây. Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm này; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Lực lượng quản lý thị trường cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu sản xuất thủ công… Cùng với việc thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo trên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở cần sớm tổ chức rà soát, thống kê các hộ, cơ sở nấu rượu trên địa bàn để phân loại, xử lý; giám sát chặt chẽ các làng nghề, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, hướng dẫn chi tiết các thủ tục hành chính cần thiết theo quy định mới để các đối tượng thực hiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát rượu trong vận chuyển, tiêu dùng ở các quán ăn uống, xây dựng chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027