Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Một nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh là về sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân. Trong chuẩn mực đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh tự coi mình là công bộc của dân. Trong Di chúc (1969), Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Người lãnh đạo, người cán bộ, đảng viên coi mình là công bộc, là đày tớ của dân chính là thể hiện tầm cao của đạo đức, nhân cách và cũng là ý thức tôn trọng nhân dân trong phong cách làm việc và lãnh đạo. Ðó là triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh cần được thấu hiểu và thực hành, mang giá trị hiện thực cao đẹp và bền vững.

Ý thức tôn trọng nhân dân là nhìn nhận đúng đắn sức mạnh của nhân dân, dựa vào sức dân để vượt lên giành thắng lợi. Bác Hồ thường nhắc tới câu nói của nhân dân Quảng Bình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi đã thành công, trở thành người cầm quyền càng phải dựa vào dân để bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng đưa đất nước đi lên. Trách nhiệm gánh việc chung cho dân phải được đề cao. Tháng 10-1945, Bác Hồ viết: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Tuyệt đối không được kiêu ngạo, không được vác mặt “quan cách mạng”, không được coi khinh dân gian, huênh hoang, khoác lác, “thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của nhân dân”. Những lời thẳng thắn, tâm huyết đó của Bác mãi mãi nhắc nhở thái độ đối với dân của những cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Năm 1948, trong Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân có nội dung “Ðối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.

Ðảng lãnh đạo nhân dân, nhất là khi Ðảng nắm chính quyền, mọi chính sách, chủ trương, quyết định của Ðảng, chính quyền đều trực tiếp tác động đến cuộc sống của nhân dân. Chủ trương, quyết định đúng đắn thì người dân được lợi, quyết định sai thì dân phải chịu hậu quả. Trong Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”. Ðể có được chủ trương, quyết định đúng, Bác Hồ nhấn mạnh: việc gì cũng phải “Bàn bạc với dân chúng”, “Tin vào dân chúng. Ðưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Tôn trọng nhân dân nghĩa là biết lắng nghe và chân thành bàn bạc với dân. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Thảo luận với dân, lắng nghe dân trước khi đưa ra quyết định chính là phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, rất thực tế, khoa học và tránh được sự chủ quan, áp đặt có thể dẫn tới sai lầm, khuyết điểm hoặc tổn thất.

Làm cách mạng không tránh khỏi có lúc, có việc mắc sai lầm, khuyết điểm. Ðiều quan trọng là thái độ trước những sai lầm, khuyết điểm đó. Bác Hồ nêu rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa” (10-1945). “Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Ðó chính là ý thức tôn trọng chân thành và có trách nhiệm với dân.

Tôn trọng dân thể hiện trong phong cách khiêm nhường, giản dị, hòa đồng, chớ ra oai, đặt mình trên dân chúng. Một cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch (nay là Văn phòng Chủ tịch nước) kể lại: Một lần đồng chí đó gọi điện thoại cho địa phương tự xưng danh tôi ở trên Phủ Chủ tịch đây. Bác Hồ đứng gần đó, xong cuộc đàm thoại, Người nhắc: Chú không được nói ở trên Phủ Chủ tịch. Bác và chú không ở trên ai cả, chỉ là người làm việc cho dân, lúc nào dân không cần nữa thì Bác và chú nghỉ việc. Ðồng chí cán bộ đó thấm thía và suốt đời không quên lời nhắc nhở của Bác.

Tấm gương vì dân, vì nước, yêu thương và gắn bó, tôn trọng nhân dân của Bác Hồ là kiểu mẫu về đạo đức, phong cách của người cộng sản, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, Ðảng và Nhà nước không ngừng đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, quản lý, hướng tới người dân và cơ sở. Trong quan hệ với nhân dân, Ðảng đề ra phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tổ chức Ðảng, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự tin dân, hiểu dân, gần dân, bàn bạc với dân và vì dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân định kỳ và đột xuất. Giải quyết dứt điểm, thấu đáo, đúng pháp luật những tố cáo, khiếu kiện của dân. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm và công khai trước nhân dân. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong Ðảng và trong nhân dân.

Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong ước của Bác Hồ. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn luôn hướng về địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, tiếp xúc, đối thoại với công nhân, nông dân, trí thức, nhà khoa học trẻ, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng bào các tôn giáo, dân tộc thiểu số để tìm giải pháp tốt nhất phát triển đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, vì thế được nhân dân quý trọng, tin cậy.

Trong nhiệm kỳ đại hội Ðảng 2015 - 2020, ý thức vì dân, tôn trọng nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyển biến rõ nét. Nhiều người đứng đầu các tỉnh, thành phố, quận, huyện trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Các địa phương đồng loạt vào cuộc với tinh thần cải cách mạnh mẽ. TP Hồ Chí Minh triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân. Tính đến tháng 6-2018, có gần 60 nghìn lượt đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức qua các thiết bị đánh giá đặt tại các đơn vị và gần 5.000 lượt đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của thành phố. Năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức khảo sát sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: Sự hài lòng về lĩnh vực y tế đạt 76,23%; sự hài lòng về thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi đạt 92,45%. Sự hài lòng về thủ tục hành chính đăng ký lập hộ kinh doanh đạt 93%. UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố năm 2018 với mục đích cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đo lường sự hài lòng là một trong những nội dung để đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các sở, ngành, UBND quận, huyện. Cũng trong năm qua, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố giai đoạn 2018-2020, trong đó tập trung đo lường sự hài lòng ở một số lĩnh vực trọng điểm, người dân bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân.

Sự chuyển biến trên bình diện toàn quốc nhìn chung là tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu của Ðảng, mong ước của nhân dân. Với quyết tâm rất lớn của Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, tin tưởng rằng năm 2019 và các năm tới, tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân sẽ tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của dân với Ðảng.

Theo PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC/nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 22097 Tổng lượt truy cập 94769853