Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh

Cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ quan, đơn vị.

Huyện Bình Liêu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu lần thứ IV/2024.

Bám sát quan điểm mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy Bình Liêu đã chỉ đạo cụ thể hóa thành 4 quan điểm, 3 khâu đột phá, mục tiêu chung, 17 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai hiệu quả nghị quyết trong toàn đảng bộ. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Bình Liêu, xây dựng huyện phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, 25/25 chi, đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU gắn với các nhiệm vụ về xây dựng văn hóa, con người phục vụ phát triển bền vững địa phương.

Phó Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Lý Văn Bình khẳng định: Đảng bộ huyện luôn nỗ lực đoàn kết, quyết tâm triển khai các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 17-NQ/TU. Huyện đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nội dung nghị quyết, chỉ đạo cập nhật, bổ sung hệ giá trị lịch sử, văn hóa, con người Bình Liêu, Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương; phát động các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa... tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào DTTS gắn với thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; quan tâm bảo tồn nhà cổ, nhà truyền thống có cảnh quan môi trường đẹp của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ để phục vụ phát triển du lịch. Huyện đang chỉ đạo triển khai Đề án Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030 nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch trên địa bàn gắn với quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Huyện Ba Chẽ thi đua thực hiện tốt các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU của tỉnh.

Cùng với Bình Liêu, ngay khi Nghị quyết số 17-NQ/TU được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với mục tiêu phải tạo ra được sự thay đổi mạnh mẽ trong đổi mới, sáng tạo, khát vọng xây dựng Ba Chẽ phát triển, giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tự lực, tự cường phát triển con người Ba Chẽ toàn diện, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thượng tôn pháp luật, có tình yêu quê hương, đất nước gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa hệ giá trị con người Quảng Ninh là: “Bản lĩnh, tự cường, kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh” và nét đặc trưng riêng có của con người Ba Chẽ là “thân thiện, chân thành”.

Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long nhấn mạnh: Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 17-NQ/TU của tỉnh, huyện Ba Chẽ đã tổ chức Chương trình phát động hưởng ứng thực hiện Nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện thể hiện sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 17. Trong đó, tập trung xây dựng văn hóa đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, tiên phong trong mọi hoạt động phong trào gắn với Quy định số 144 của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án, dự án kinh tế gắn với bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa mang đậm giá trị văn hóa địa phương gắn với xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả đề án du lịch cộng đồng phù hợp với quy hoạch và thế mạnh riêng có của địa phương; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ba Chẽ.

Không riêng Bình Liêu, Ba Chẽ, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung quán triệt, xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức 19 cuộc thi, hoạt động triển lãm, trưng bày, hội diễn, công bố tác phẩm văn học, nghệ thuật về văn hóa, con người Quảng Ninh, tổ chức 100 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai quy định về xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Quảng Ninh; xây dựng Đề án phát triển Văn học nghệ thuật đến năm 2030; nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo phát triển nghệ thuật… Mới đây, tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh, Nghị quyết quy định tặng danh hiệu "Công dân Quảng Ninh ưu tú" được thông qua, là quyết sách đột phá thể hiện sự quyết liệt của hệ thống chính trị toàn tỉnh trong cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU.

Không những vậy, hiện tỉnh đang tích cực chỉ đạo rà soát, đưa hệ giá trị văn hóa Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương trong tỉnh; xây dựng Đề án xã hội học tập giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh học tập, có ít nhất 2 TP Hạ Long và Uông Bí tham gia mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO…

Theo Trúc Linh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19757 Tổng lượt truy cập 94765605