Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc "5 tại chỗ".
Với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở, Nghị quyết số 05-NQ/TU xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, nhiệm vụ này phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên tất cả các nội dung, có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được để đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh ở từng giai đoạn; bảo đảm thực chất, quyết liệt, hiệu quả. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính; thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ” hay “không cửa”; tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...
Sớm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Cuối tháng 4/2021, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành Chương trình hành động số 106/CTr-SVHTT về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Chương trình hành động tập trung vào 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành; nâng cao hiệu quả cải cách thể chế; cải cách có hiệu quả thủ tục hành chính (TTHC) tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, tháng 6/2021.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong năm 2021 trên cơ sở bám sát vào các mục tiêu của Nghị quyết số 05-CT/TU: Rà soát, xây dựng lại toàn bộ quy trình nội bộ, quy trình liên thông, quy trình điện tử giải quyết đối với từng TTHC đảm bảo rõ thời gian, rõ trách nhiệm; phấn đấu đưa 100% các TTHC phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện vào thực hiện tập trung tại trung tâm hành chính công các cấp, gắn với tăng cường giám sát quy trình giải quyết TTHC 5 bước (5 tại chỗ) tại Trung tâm; phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị lựa chọn cán bộ đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, thẩm quyền trực tiếp thực hiện giải quyết TTHC thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của cơ quan, đơn vị ngay tại Trung tâm; triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, Đề án thành phố thông minh tỉnh...
Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra, thời gian qua, các cơ quan đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, phân cấp, phân quyền, ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân; tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp từ đầu năm 2021 đến nay, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã giải quyết và trả kết quả 22.768/23.895 hồ sơ tiếp nhận, trong đó 99,7% số hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn. Tại các trung tâm hành chính công cấp huyện, hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,2%. Hơn 800.000 văn bản điện tử được chuyển qua hệ thống, đạt tỷ lệ 99%. Hệ thống một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã được vận hành tốt, với 100% đơn vị có TTHC đều thực hiện qua hệ thống một cửa điện tử. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cung cấp 1.600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 987 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 52%. Trên 70% người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử cung cấp...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.030 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 2% so với kịch bản, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 18.200, với số vốn đăng ký 190.000 tỷ đồng. Theo các doanh nghiệp, Nghị quyết số 05-NQ/TU ra đời tiếp tục khẳng định sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.