Xây dựng làng công nhân mỏ: Gìn giữ và phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm"
Xây dựng làng công nhân mỏ không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho thợ mỏ mà còn phát huy truyền thống văn hóa của ngành Than trong xã hội hiện đại.
Chung cư cho công nhân của Công ty Than Nam Mẫu. |
Từ thời Pháp thuộc, Vùng mỏ đã có rất nhiều người từ các tỉnh khác đến làm phu, rồi họ ở lại sinh cơ lập nghiệp. Từ Đông Triều qua Uông Bí, Hoành Bồ (cũ), Hạ Long đến Cẩm Phả, các mỏ than tạo ra sự quần tụ công nhân mỏ, hình thành những xóm thợ hay làng mỏ, như: Làng mỏ Cao Sơn, Mông Dương, xóm thợ Mạo Khê, Hà Lầm.v.v.
Làng mỏ Mông Dương chủ yếu là các gia đình công nhân mỏ hầm lò, ra đời khi Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương chủ trương tuyển dụng vợ con thợ lò từ quê ra làm việc để thợ lò yên tâm gắn bó lâu dài với Xí nghiệp, với Vùng mỏ. Để giải quyết chỗ ở cho các gia đình thợ lò, Giám đốc Xí nghiệp khi đó là ông Đoàn Văn Kiển cho làm cầu, san gạt mặt bằng tạo quỹ đất cấp cho công nhân và hỗ trợ vật liệu xây dựng với hình thức trả chậm, trừ vào lương. Bây giờ, Làng mỏ Mông Dương có khoảng 200 hộ (gồm 3 tổ dân phố), hầu hết là gia đình thợ lò, với trên 800 người. Số công nhân trong làng hiện làm việc ở các công ty than hầm lò như: Hầm lò 1, Than Mông Dương, Than Khe Chàm.
Từ những năm đầu của thập kỷ 90 ở thế kỷ trước, người ta cũng đã nhắc nhiều đến làng mỏ Cao Sơn. Năm 1986, lãnh đạo và thợ mỏ Cao Sơn đã thống nhất lấn biển xây dựng làng mỏ Cao Sơn. Giờ đây, làng mỏ Cao Sơn đã thành 3 khu dân cư, với gần 1.000 gia đình, chiếm khoảng 1/5 dân số phường Cẩm Sơn (Cẩm Phả).
Phố mỏ Cẩm Phả nhìn từ trên cao. |
Không chỉ ở Mông Dương hay Cao Sơn, những năm gần đây, các đơn vị ngành Than, như: Than Dương Huy, Than Quang Hanh, Than Hạ Long, Than Nam Mẫu, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê... đã đầu tư xây dựng những khu chung cư dành riêng cho công nhân rất khang trang. Việc chăm lo, bố trí nhà ở, đầu tư xây dựng các khu tập thể cho công nhân lao động theo mô hình hộ độc thân tại các khu trung tâm đã phục vụ tốt nhu cầu về nhà ở cho những công nhân chưa lập gia đình. Từ đó đảm bảo điều kiện ăn ở và sinh hoạt văn hóa, giải trí của người lao động.
Theo thống kê của TKV, hiện nay có hơn 20 đơn vị trong ngành đã đầu tư khoảng 80 khu nhà ở công nhân lao động, tương ứng 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 17.000 người. Trong đó có các đơn vị như Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Vàng Danh, Tổng Công ty Than Đông Bắc, Công ty CP Than Mông Dương. Các chung cư được trang cấp đầy đủ các thiết bị như: tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa hai chiều cùng với công trình phụ trợ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thợ mỏ và Phòng sinh hoạt cộng đồng phục vụ người lao động. Công ty còn bố trí dành riêng 1 tòa nhà cho hộ gia đình thợ mỏ.
Bữa ăn của thợ mỏ Hà Lầm. |
Tuy nhiên, đa số vẫn là căn hộ cho thợ mỏ độc thân, chưa có các khu nhà chung cư cho các hộ gia đình nên còn rất nhiều gia đình thợ lò phải đi thuê nhà ở, với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và làm giảm chất lượng lao động.
Trước thực tiễn trên, Công đoàn Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xây dựng nghị quyết liên tịch đầu tư xây dựng Làng công nhân mỏ” giai đoạn 2019 - 2030. Hội thảo nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quỹ đất xây dựng, quy hoạch và kiến trúc xây dựng, quy mô và diện tích nhà ở, thời gian và địa điểm triển khai xây dựng, nguồn kinh phí, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn TKV, trách nhiệm của các đơn vị được triển khai xây dựng.
Khu tập thể của công nhân Công ty Than Vàng Danh. |
Xây dựng nhà ở cho công nhân mỏ là việc cần thiết để chăm lo cho người lao động và phát huy truyền thống của ngành Than là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chương trình thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên TKV nhân dịp Tháng Công nhân năm 2020. TKV đã xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thành lập “Làng công nhân mỏ” nhằm tạo điều kiện về nhà ở cho công nhân lao động. Tỉnh Quảng Ninh cam kết hỗ trợ tốt nhất và cùng TKV chăm lo xây dựng nhà ở cho công nhân ngành Than trên địa bàn tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và hình thành các làng công nhân mỏ tại Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều.
Việc gìn giữ, phát huy truyền thống công nhân Vùng mỏ, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”; từng bước hình thành, xây dựng các làng văn hóa công nhân mỏ, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho thợ mỏ không chỉ là mong muốn, định hướng của tỉnh mà còn là mong muốn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm phát huy, nhân rộng bản chất tốt đẹp của công nhân Vùng mỏ.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, khẳng định, việc đầu tư xây dựng “Làng công nhân mỏ” giai đoạn 2019 - 2030 là hết sức cần thiết, nhằm giải quyết kịp thời về nhà ở cho hộ gia đình thợ lò. Đồng thời tạo điều kiện cho thợ lò công tác lâu dài, thu hút được lực lượng lao động cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn. Nhất là trong điều kiện sản xuất và huy động lực lượng của ngành Than đang ngày càng khó khăn.
Theo Huỳnh Đăng/baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027