Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực năm 2022
Nền kinh tế của các nước ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) vẫn được kỳ vọng duy trì khả năng hồi phục trong năm 2022 bất chấp sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron.
Triển vọng xuất khẩu cao giúp kinh tế Việt Nam kỳ vọng hồi phục nhanh trong năm 2022 - Ảnh: N.BÌNH
Các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) gồm 10 nước ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn duy trì tầm nhìn tích cực và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khối sẽ là 4,9%, chỉ thấp hơn rất ít so với con số 5% được đưa ra trong bản cập nhật tháng 10-2021.
Chia sẻ tại buổi họp báo trực tuyến ngày 25-1 về bản báo cáo cập nhật giám sát kinh tế khu vực tháng 1-2022, chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO, tiến sĩ Hoe Ee Khor, cho biết cơ sở để nhóm lạc quan về biến chủng mới là các nước trong khu vực ASEAN + 3 vẫn có đủ không gian chính sách để điều hướng linh hoạt với thách thức mới, bảo vệ các nỗ lực trên con đường hồi phục kinh tế.
Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 cao đã làm giảm bớt mối nguy cơ về những biện pháp phong tỏa trên toàn quốc như đã từng diễn ra trong những thời gian đầu của đại dịch.
Tuy vậy, việc bùng phát của các làn sóng lây nhiễm COVID-19 tiếp tục là nguy cơ chính đối với sự suy giảm kinh tế của khu vực, trong bối cảnh sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu kéo dài và áp lực giá cả toàn cầu tăng cao.
Theo tiến sĩ Khor, lạm phát toàn cầu gia tăng có thể sẽ thúc đẩy các nền kinh tế phát triển phải thu hẹp lại những biện pháp hỗ trợ tiền tệ khổng lồ sớm hơn (có thể trong nửa cuối năm 2022) hoặc nhiều hơn so với dự báo trước đó.
Mặc dù vậy, những tác động mang tính dây chuyền đối với khu vực ASEAN + 3 sẽ được hạn chế do khu vực này có năng lực tự phục hồi lớn hơn.
Thực tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã “đạt đỉnh” trong quý 4-2021 và sẽ được giảm bớt trong năm 2022. "Mức lạm phát giá tiêu dùng của khu vực ASEAN + 3 trong năm 2022 duy trì ở mức tương đối thấp ở mức 2,9%", tiến sĩ Hoe Ee Khor nhận định.
Trong các nước, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực với mức 7,5% trong năm 2022 sau khi chỉ đạt 2,6% trong năm 2021. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam vượt qua Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%) để đứng đầu khu vực nhờ động lực chính đến từ tốc độ bao phủ vắc xin nhanh, chính sách linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi phục nền kinh tế cùng hoạt động xuất khẩu ổn định.
Trước đó, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra kỳ vọng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022, mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam lẫn thế giới.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán