Việt Nam được định vị là “Giỏ thực phẩm của thế giới”

Sáng 9-6, tại Hà Nội, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã đưa ra đề xuất định vị thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam là “Việt Nam - Giỏ thực phẩm của thế giới”.

Thay mặt nhóm thực hiện Chương trình từ năm 2014, chuyên gia thương hiệu quốc tế, ông Leon Trujilo cho rằng, nhiều người nước ngoài vẫn chỉ biết đến Việt Nam với hình ảnh của một đất nước có chiến tranh. Thế giới không biết chính xác Việt Nam còn là một quốc gia hùng mạnh về thực phẩm, với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, có khả năng sản xuất và cung cấp đa dạng, phong phú, quanh năm các sản phẩm thực phẩm có chất lượng cao, số lượng lớn cho thế giới. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm sẽ làm thay đổi nhận thức, cái nhìn của thế giới về một Việt Nam hoàn toàn khác biệt, dưới một hình thức độc nhất vô nhị …

Theo ông Leon Trujilo, thực phẩm Việt Nam mới chỉ có các thương hiệu đơn lẻ mà chưa có một thương hiệu bao trùm cho ngành để tạo được sức mạnh làm thay đổi nhận thức. Vị chuyên gia này cho biết, sau rất nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước được tiến hành từ năm 2015, giờ đây Chương trình đã chọn được tên “Foods of Vietnam” cho ngành thực phẩm Việt Nam, với ý nghĩa bao trùm chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và phân phối. Chương trình cũng đã chọn được hình ảnh nhận diện cho ngành thực phẩm Việt Nam. Đó là hình ảnh kết hợp giữa chữ V (Ngoài việc là chữ cái đầu của tên nước, còn thể hiện hình dáng của thung lũng, địa hình của Việt Nam), hình trái tim (hàm ý liên tưởng đến sức khỏe và thể hiện được sản xuất bằng tình yêu), hình chiếc khiên (biểu tượng cho sự bảo vệ và chất lượng) và hình chữ V từ madala (biểu tượng tổng thể được thừa nhận chung thể hiện sự cân bằng và hạnh phúc).

Theo Cục Xúc tiến thương mại, nông sản, thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng to lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Công tác xúc tiến thương mại ngành nông sản, thực phẩm đang được các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thực hiện tích cực tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.

Tuy nhiên, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng không tạo nên sức mạnh chung và chưa quảng bá được hình ảnh ngành thực phẩm Việt Nam. Do vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong khuôn khổ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ ngành liên quan, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp thực hiện Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Chương trình được khởi động từ năm 2014nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá hiệu quả cho hình ảnh của ngành thực phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Đến nay, Chương trình đã cơ bản hoàn thiện quá trình nghiên cứu và đề xuất phương án định vị thương hiệu, cấu trúc thương hiệu và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết, Chương trình sẽ công bố Báo cáo Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vào quý 3 năm nay. Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2018 đến 2020, Chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hành ảnh ngành thực phẩm Việt Nam và các phân ngành thực phẩm dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9869 Tổng lượt truy cập 94832849