Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh
Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, hiện tượng dân số già hóa không chỉ là một thách thức đối với Việt Nam, mà còn là cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh
Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Theo WHO, trung bình cứ một giây có hai người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người 60+ tuổi. Trung bình cứ chín người sẽ có một người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Hiện nay, thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số. Số này sẽ tăng lên hơn hai tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới.
Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, dân số các nước thành viên APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng người cao tuổi trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với già hóa dân số, trong đó một số có số lượng và tỷ trọng người cao tuổi lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...
Tại Việt Nam, vấn đề thách thức đang đặt ra là dù chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 15 năm.
Già hóa dân số: Cơ hội và thách thức
Chia sẻ về nhận thức người cao tuổi đang là gánh nặng với xã hội, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, cần phải có nhìn nhận đúng đắn về việc này.
Thực tế, già hóa dân số là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Ví dụ, để chăm sóc người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ giáo dục, đào tạo, an sinh, xã hội, y tế, kinh tế... đều cần có những phát triển riêng. Sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến người cao tuổi như thiết kế xây dựng nhà ở, đường xá, các phương tiện hỗ trợ người già, đào tạo cho điều dưỡng, bác sĩ... để phục vụ đối tượng này. Theo đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi. Do đó, người cao tuổi, cũng là đối tượng góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn ví dụ, tại Úc, có những Tập đoàn lớn với khoảng tám công ty con phục vụ những nhu cầu rất riêng cho người cao tuổi và hiện đã được xuất khẩu công nghệ này sang Trung Quốc.
Nhận định Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh so với bối cảnh kinh tế hiện nay, Thứ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực để thích ứng với già hóa dân số.
Gần đây, Bộ Y tế ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nhìn nhận một cách toàn diện, tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng. Vì nếu chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão chi phí sẽ cao và tốn kém.
“Người Việt Nam có văn hóa gia đình, là việc các thế hệ cùng chung sống trong một gia đình được thế giới đánh giá là nét văn hóa tốt, là điểm mạnh để tiến hành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng. Hiện nay, Bộ Y tế cũng triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân cùng tham gia” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết,
Từ năm 2010 Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai chính sách này, nhất là về kinh tế khi người cao tuổi luôn có ít nhất hai bệnh mãn tính trở lên và điều kiện kinh tế khá khó khăn. Vì thế, thích ứng với già hóa dân số, là một công việc nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của các ngành, các cấp.
Trong hai ngày, 17 và 18-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức "Hội thảo quốc tế thích ứng với Già hóa dân số". Tại đây, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học của các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác cùng nhau chia sẻ, thảo luận về thực trạng, thách thức của già hóa dân số. Đồng thời, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến hay trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế trong bối cảnh già hóa dân số để Việt Nam học tập.
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027