Uông Bí: Sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích
Cử tri TP Uông Bí đề nghị tỉnh có biện pháp kiểm tra việc thu, quản lý, sử dụng tiền giọt dầu và tiền công đức tại các chùa thuộc Khu di tích Lịch sử - Danh thắng Yên Tử, đồng thời công khai việc sử dụng để cho nhân dân được biết.
Du khách tham quan chùa Hoa Yên, Khu di tích Lịch sử - Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Ảnh: Phan Hằng
Trả lời nội dung này, các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Uông Bí cho biết: Theo thống kê của Sở VH-TT, hiện toàn tỉnh có 108 chùa, 54 đền, 81 đình, 75 miếu. Trong đó, riêng TP Uông Bí có 8 chùa, 4 đền, 2 đình, 5 miếu; số tiền công đức, giọt dầu thu từ các chùa, đền, đình, miếu ước tính trên 100 tỷ đồng/năm. Về quản lý, sử dụng nguồn thu này, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có sự thống nhất, chủ yếu do các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quản lý, sử dụng. Một số cơ sở có thành lập ban quản lý, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể của địa phương, như: Chùa Long Tiên (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), đền Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên), nên việc quản lý, sử dụng nguồn thu này tương đối công khai, minh bạch, đúng mục đích. Còn đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa có sự tham gia quản lý nguồn thu của Nhà nước và các đoàn thể của địa phương, hoặc có nhưng mới chỉ một phần, thì việc quản lý, sử dụng chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch, từ đó nảy sinh những dị nghị và thắc mắc của cử tri. Đặc biệt trên địa bàn TP Uông Bí, nguồn thu này là rất lớn, chiếm trên 60% số thu hoạt động này cả tỉnh, nhưng hiện mới có 2/8 chùa (chùa Hoa Yên, chùa Đồng) có sự tham gia của cơ quan nhà nước, và mới thu là tiền công đức bỏ vào hòm, còn tiền giọt dầu thì chưa; còn lại các chùa đều tự thu, tự chi.
Du khách tham quan chùa Hoa Yên, Khu di tích Lịch sử - Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Ảnh: Phan Hằng
Hiện Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch (số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV, ngày 30/5/2014) hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó đưa ra về nguyên tắc quản lý, sử dụng đối với nguồn thu này. Cụ thể, người phụ trách (trụ trì), ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích; quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch…Tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn phương thức, cơ chế quản lý, sử dụng; cách thức công khai, minh bạch cụ thể đối với nguồn thu này để thực hiện được nguyên tắc quản lý, sử dụng nêu trên. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, do vậy mọi chỉ đạo, giải pháp thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này phải trên cơ sở quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư, phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời cần sự đồng thuận của các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong khi chờ các bộ, ngành T.Ư có hướng dẫn phương thức, cơ chế quản lý, sử dụng, cách thức công khai, minh bạch cụ thể đối với nguồn thu này, từ năm 2013 UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tham mưu tỉnh ban hành tạm thời Quy định về việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay chưa ban hành được.
Để quản lý việc thu, sử dụng tiền công đức tại các chùa, ngày 23/01/2017, UBND tỉnh đã có văn bản số 489/UBND-VX1 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiền công đức tại các cơ sở phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch; thu, chi đảm bảo đúng mục đích. Hòm công đức phải được niêm phong và chỉ được mở kiểm kê thu bằng 2 khóa (một khóa của đại diện cơ quan nhà nước; 1 khóa của chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo); định kỳ hằng quý thực hiện niêm yết thu, chi công khai; 100% tiền công đức phục vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, tuyệt đối không được dùng cho mục đích khác. Giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trực tiếp quản lý, xây dựng ban hành quy chế quản lý tiền công đức đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu nêu trên, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Uông Bí đã có văn bản (số 160/UBND, ngày 01/02/2017) chỉ đạo, triển khai tới phòng, ban chức năng và UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; rà soát, bổ sung xây dựng, ban hành quy chế quản lý tiền công đức. Thành phố đã tổ chức một cuộc họp với đại diện các chùa, tổ chức phật giáo trên địa bàn để quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhờ đó đến nay, việc quản lý, sử dụng tiền công đức trên địa bàn thành phố được thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Xử lý nghiêm sản xuất, kinh doanh pháo trái phép
- Bế mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống thành phố lần thứ 26 năm 2025
- Báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tháng 01 nhiệm vụ trọng tâm tháng 02 năm 2025
- Tăng cường quản lý kiểm soát hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thông báo tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM JAPAN
- Quyết định công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Một số điểm mới của Luật Đầu tư công năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025)
- Công bố tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các Bộ và địa phương
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi thư chúc mừng Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump
- Khởi động cuộc thi Thông điệp cho thế hệ số 2025
- Sacombank chi nhánh Quảng Ninh trao quà Tết cho hộ nghèo