Uông Bí: Phát triển du lịch cộng đồng

Những năm qua, cùng với nỗ lực của tỉnh, cộng đồng dân cư dưới chân núi Yên Tử đã góp công không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ sự bình yên cho vùng danh thắng.

Du khách trải nghiệm dịch vụ ngâm chân thảo dược dân tộc tại mô hình du lịch cộng đồng người Dao Thanh Y. Ảnh: Việt Hoa

Dãy núi Yên Tử nằm trên địa bàn xã Thượng Yên Công với hệ thống chùa, am tháp dày đặc, có lịch sử cả nghìn năm, hiện nằm trong Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử được đề cử là di sản thế giới, từ nhiều năm qua đã là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng của cả nước. Cùng với đó, các khu dân cư dưới chân núi rất giàu tiềm năng về cảnh quan, văn hoá có thể phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, tạo sức hấp dẫn với du khách.

Không gian cảnh quan, giá trị của Yên Tử minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quần thể di tích đang đứng trước cơ hội trở thành di sản văn hóa thế giới liên tỉnh đầu tiên ở nước ta. Tôn vinh nâng tầm di sản cũng là cơ hội bảo tồn, phát huy các giá trị một cách bền vững. 

Ông Nguyễn Năng Năm, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cho biết: Nhận định lợi thế giá trị về lâm nghiệp, cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, bên cạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, địa phương khuyến khích, vận động, định hướng người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.

Để phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng dưới chân Yên Tử, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc. Đảng ủy, HĐND xã đưa vào nghị quyết chỉ đạo; UBND xã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc dao Thanh Y", bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, phát triển dịch vụ, du lịch, kinh - xã hội địa phương.

Từ đầu năm 2024 đến nay, xã tổ chức cho một số CBCC xã, cán bộ, nhân dân thôn Khe Sú 2 tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) để hướng tới xây dựng làng du lịch cộng đồng Gốc Đa (xã Thượng Yên Công). Xã đang tiếp tục vận động 3 hộ dân thành lập Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y, cung cấp các dịch vụ mang bản sắc văn hóa của đồng bào, như: Ẩm thực; ngâm chân - tắm lá thuốc, bán các sản phẩm thuốc tắm, ngâm chân; thêu thổ cẩm và bán các sản phẩm từ nghề thêu. Đồng thời xã vận động nhân dân tăng cường may, mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào các dịp lễ, Tết; quán triệt các cơ quan, đơn vị trường học đưa vào quy chế đơn vị, khuyến khích CBCCVC,NLĐ và học sinh DTTS mặc trang phục tuyền thống dân tộc mình ít nhất 1 buổi/tuần.

Chị Trương Thị Thanh Hương, một người tiên phong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại xã, chia sẻ: Sau nhiều năm ấp ủ, gia đình và người thân trong dòng họ đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nhằm khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống, dịch vụ ẩm thực với món ăn của đồng bào, kết hợp tắm lá thuốc của người Dao, ngâm chân lá thuốc tại thôn Khe Sú 2.  

Bà Phạm Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn là hình thức để bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp để địa phương phát huy bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc, gìn giữ, bảo vệ, góp phần làm giàu giá trị di sản Yên Tử. 

Được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, dưới chân Yên Tử còn khá nhiều điểm đẹp, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, như đồi Bình Hương, Phượng Hoàng, danh thắng Khe Song - Thác Bạc... Các khe suối, thác nước từ trên đỉnh núi đổ xuống tạo thành những vụng nước nhỏ mát lành vào mùa hè, thích hợp cho các nhóm gia đình, bạn trẻ bơi lội, leo núi, khám phá thiên nhiên. 

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14538 Tổng lượt truy cập 94754217