Uông Bí: Nông thôn mới phát triển theo hướng gắn với đô thị hóa
Ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1414/QĐ-TTg công nhận TP Uông Bí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhân dịp này phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí.
Xã nông thôn mới Điền Công.
Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí. |
- Sau 8 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn, thành phố đã đạt những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
+ Uông Bí bước vào xây dựng NTM từ năm 2011 với xuất phát điểm tốt hơn nhiều địa phương khác. Thành phố có 2 xã là Điền Công và Thượng Yên Công, mỗi xã đều đã có 9 chỉ tiêu, 24 tiêu chí tiệm cận với các thông số NTM do trung ương quy định. Vì vậy chỉ sau 4 năm, vào năm 2015, Điền Công và Thượng Yên Công đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí NTM và đến ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1414/QĐ-TTg công nhận TP Uông Bí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Về các tiêu chí, chỉ tiêu NTM cụ thể của 2 xã Điền Công và Thượng Yên Công đều đã được trung ương thẩm định và chấm điểm đạt và vượt quy định đề ra. Kết quả ấn tượng nhất có thể nói việc xây dựng NTM trên địa bàn đã tạo thành phong trào thi đua, động lực phát triển đến các phường lân cận nói riêng và toàn thành phố nói chung, tạo cho Uông Bí sự chuyển động toàn diện, không chỉ trong lòng đô thị mà cả khu vực vùng ven, nông thôn, miền núi.
Người dân xã Điền Công hăng say sản xuất nông nghiệp.
- Đạt được thành công này, thành phố đã có nhiều giải pháp đột phá trong xây dựng NTM, thưa ông?
+ Như đã nói; Thứ nhất trên địa bàn Uông Bí chỉ có 2 xã và điều kiện của 2 xã khá tốt, là nền tảng quan trọng khi 2 xã tiến lên xây dựng NTM. Thứ 2, Uông Bí triển khai chương trình xây dựng NTM với nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, ngoài áp dụng sớm và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh, Uông Bí còn sớm ban hành đồng bộ hệ thống hành lang pháp lý cũng như cơ chế hỗ trợ riêng phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy đạt hiệu quả nhanh và bền vững trong xây dựng NTM. Cụ thể như đề án phát triển NTM, các kế hoạch thực hiện, các chính sách hỗ trợ về giao thông, xây dựng nhà ở, dồn điền đổi thửa, thu gom rác thải, hỗ trợ lãi vay phát triển sản xuất, hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
Đến nay, người dân 2 xã đã thực hiện 50 dự án, mô hình sản xuất với tổng trị giá 120 tỷ đồng, trong đó 29,7 tỷ đồng từ hỗ trợ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để hàng chục HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất của 2 xã hoạt động hiệu quả; đời sống người dân được cải thiện, thu nhập đạt mức 42,3 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần thời điểm đầu xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo còn 1 hộ ở Điền Công và 7 hộ ở Thượng Yên Công, giảm hàng chục lần so với trước...
Năm 2018, xã Thượng Yên Công thu hút doanh nghiệp đầu tư Thung lũng hoa Yên Tử, tạo nguồn thu trên địa bàn.
Đối với hạ tầng giao thông, giai đoạn 2013 đến nay, Uông Bí đổi mới cách làm theo hướng thành phố hỗ trợ nguyên vật liệu, chính quyền xã đảm nhiệm khâu khảo sát, thiết kế, người dân đóng vai trò giám sát. Chính vì vậy, các tuyến đường được hoàn thành chiếm tới 70% giá trị đầu tư từ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về công trình vệ sinh môi trường được thực hiện theo cách ưu tiên các hộ tiên phong, giảm dần mức hỗ trợ về sau, kiên quyết đối với các hộ thực hiện sau thời gian quy định hoặc không thực hiện. Vì vậy, tỷ lệ hộ dân sử dụng hầm bioga, có nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình chuồng trại phù hợp tiêu chuẩn... trên địa bàn xã Điền Công, Thượng Yên Công đã đạt trên 90%.
- Mặc dù đã đạt được kết quả khá đáng mừng, nhưng NTM Uông Bí cũng còn những hạn chế, thưa ông?
+ Đúng vậy, trên cả hai xã Điền Công và Thượng Yên Công, các thông số kết quả phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đều có thể bị tác động bởi phát triển kinh tế của người dân chủ yếu là nông nghiệp, trong khi thị trường tiêu thụ nông sản luôn diễn biến bất thường, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng không coi trọng nông nghiệp, chưa phát huy hết tác dụng của đất canh tác, số ít bà con dân tộc còn tư tưởng trông chờ vào sự trợ giúp của chính quyền và xã hội. Những hạn chế này nếu không được khắc phục sẽ kéo thấp kết quả của NTM, kéo dài tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà thành phố đề ra.
Người dân xã Thượng Yên Công tham gia hoạt động tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe.
- Tiếp tục nâng chất NTM, thời gian tới thành phố cần triển khai những nội dung gì?
+ Chúng tôi xác định xây dựng NTM là tiến trình liên tục và ngày càng ở mức độ yêu cầu cao hơn, bởi vậy Uông Bí sẽ tiếp tục đầu tư, thúc đẩy phát triển mọi mặt ở Điền Công cũng như Thượng Yên Công. Mục tiêu xây dựng NTM là chuyển từ lượng sang chất, thu nhập của người dân năm sau sẽ chạm mốc 50 triệu đồng/người/năm. Cụ thể hóa của mục tiêu này là việc nhân rộng các mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; triển khai giai đoạn II chương trình OCOP... Bên cạnh đó trong bối cảnh xã Điền Công sẽ sáp nhập với phường Trưng Vương; xã Thượng Yên Công đặt mục tiêu lên phường, ngay từ bây giờ, Uông Bí phát triển NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, ưu tiên phát triển sản xuất ưu thế của mỗi địa phương gắn với du lịch, dịch vụ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Theo Việt Hoa (thực hiện)/baoquangninh.com.vn
Ông Vũ Quốc Việt, thôn 2, nguyên Bí thư xã Điền Công: “Mở thêm tuyến đường nội đồng”. Từng làm cán bộ xã nhiều năm, gắn bó với Điền Công đến nay hơn 70 tuổi, tôi thấy rất rõ sự đổi thay của vùng đất này, đặc biệt là trong gần chục năm xây dựng NTM vừa qua. Hiện điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt đều hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp cũng phát triển với nhiều mô hình mới. Người dân Điền Công được cái rất chăm chỉ, cần mẫn, quý đất đai, yêu lao động, nên nếu có thêm các tuyến đường nội đồng thì tôi cho rằng các mảnh đất nằm sâu hoặc thừa thẹo cũng sẽ được sử dụng hết, khi đó thì năng suất, sản lượng nông nghiệp của xã sẽ còn tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Thượng Yên Công: “Tiếp tục đầu tư cho giáo dục”. Thời gian qua, thành phố đã tiến hành dồn lớp từ điểm trường lẻ Khe Sú về điểm trường chính, giảm khó khăn, thiệt thòi cho học sinh; để giúp học sinh và các thầy, cô rút ngắn thời gian đến trường, đảm bảo giờ giấc dạy và học, an toàn khi di chuyển, thành phố đã hỗ trợ kinh phí mở tuyến xe bus Khe Trâm - Vàng Danh. Đặc biệt, năm học này nhà trường cũng vừa được xây dựng thêm 6 phòng học mới khang trang, đảm bảo cơ sở vật chất cho nhà trường trong công tác dạy và học. Sự quan tâm của thành phố đã giúp cho các em học sinh được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất tại trường chính, được hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Chính từ sự quan tâm đầu tư xây dựng trường gắn với tiêu chí nông thôn mới, hiện chất lượng dạy và học của nhà trường đã được nâng lên từ chuẩn quốc gia cấp độ 1 lên cấp độ 2.
Ông Triệu Văn Út, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công: “Đưa thêm các mô hình sản xuất mới cho người dân”. Thôn Khe Sú 1 có 203 hộ dân. Từ khi thành phố triển khai chương trình NTM đã mang đến luồng sinh khí mới và niềm vui cho người dân trong thôn, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Hết năm 2018, cả thôn đã không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo, nhiều người dân trong thôn đã có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay, với hơn 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi vẫn mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và đưa thêm các mô hình sản xuất mới vào để nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Vũ Văn Tưởng, thôn 1, hộ sản xuất giỏi xã Điền Công: “Hoàn thiện hạ tầng để nhân rộng các mô hình sản xuất lớn”. Trước đây những người có vốn luôn muốn đầu tư ở những vùng đô thị hoặc trung tâm, nay không ít người trong đó đã chọn trở về các vùng quê để làm giàu. Bởi thực tế nông thôn bây giờ đã khác xưa, như Điền Công thì hiện khang trang, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đều thuận tiện, thậm chí còn có lợi thế về đất đai, môi trường, nhân công lao động... Chính vì thế tôi cho rằng xây dựng NTM là điều kiện để hình thành và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, quy mô lớn, giá trị cao, từ đó làm giàu cho bản thân, cho xã, thôn.
Bà Vũ Thị Yến, thôn 2, xã Điền Công, hộ vừa thoát nghèo năm 2018: “Tạo cơ hội cho người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu”. Vì hoàn cảnh riêng, sức khỏe yếu, đông con, nên nhiều năm đời sống của gia đình tôi khó khăn, rơi vào danh sách hộ nghèo. Nhờ phong trào xây dựng NTM, tôi được chính quyền và làng xóm hỗ trợ nên đã xây sửa được nhà cửa, có vốn để chăn nuôi. Nay tôi đã thoát nghèo, cũng rất mong phong trào xây dựng NTM sẽ tiếp tục mang đến cơ hội cho những hộ nghèo khác vượt lên chính mình, cải thiện cuộc sống, ổn định, giàu có.
Theo Việt Hoa - Hoàng Nga/baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố