Uông Bí: Hành trình 62 năm xây dựng và phát triển

Nằm trong tâm điểm vùng động lực phát triển miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, với vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, 12 năm vươn tầm thành phố trẻ, thành phố Uông Bí hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của một đô thị năng động phía Tây tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), 62 năm Uông Bí xây dựng và phát triển 28/10 (1961-2023), phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa thành phố Uông Bí đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Thành Phố, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND TP Uông Bí.

Đồng chí Nguyễn Thành Phố, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí.

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết lịch sử thành lập thị xã Uông Bí gắn với lịch sử thành lập tỉnh Quảng Ninh?

Đồng chí Nguyễn Thành Phố: Trước đây, Uông Bí là một xã thuộc huyện Yên Hưng, khu Hồng Quảng. Cơ sở vật chất vô cùng nghèo nàn, đường xá đi lại hết sức khó khăn, dân cư thưa thớt, đời sống của nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn. Song, Uông Bí là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng. Cùng với khôi phục lại mỏ than Vàng Danh và xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, cho nên Uông Bí đã được chọn là địa bàn trọng điểm để xây dựng công nghiệp XHCN ở miền Bắc. Với vai trò quan trọng như vậy, ngày 28/10/1961, Hội đồng chính phủ đã ra quyết định số 180/CP, chính thức thành lập thị xã Uông Bí trực thuộc khu Hồng Quảng. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của địa phương; tạo điều kiện để cho nhân dân Uông Bí đóng góp được nhiều hơn, tốt hơn cho công cuộc xây dựng XHCN và đóng góp nhiều hơn cho chi viện chiến trường miền Nam. Và thể theo nguyện vọng của Nhân dân 2 tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng, ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định sáp nhập 2 đơn vị hành chính Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau khi hợp nhất,  Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Uông Bí cùng với các đơn vị trên địa bàn của tỉnh đã bắt tay ngay vào kiện toàn tổ chức và tiến hành thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, góp phần chi viện cho miền Nam ruột thịt và thực hiện công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phóng viên: Trong giai đoạn này có một sự kiện đặc biệt là vào ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ năm 1965, Bác Hồ về thăm, động viên quân và dân Uông Bí. Thực hiện theo lời Bác, tại thời điểm đó tinh thần chiến đấu, khí thế thi đua lao động sản xuất của quân và dân thị xã như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Thành Phố: Bác Hồ về thăm Uông Bí. Đây là phần thưởng hết sức to lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Uông Bí. Bác căn dặn: “Hiện nay, Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”. Chính sự quan tâm của Bác đã là động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Uông Bí tiếp tục hoàn thành, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đề ra; vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa cùng cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Lúc bấy giờ không khí thi đua lao động sản xuất vô cùng sôi nổi, mỗi người làm việc bằng hai, tay búa - tay súng, tay liềm - tay súng, tay cày - tay súng, than vẫn ra lò, điện vẫn lên lưới, đồng ruộng vẫn xanh tươi, các cháu thiếu niên nhi đồng vẫn tung tăng cắp sách tới trường.

Phóng viên: Trải qua thời kỳ chiến tranh, kiên trì vượt qua khó khăn thời kỳ bao cấp, dưới ánh sáng đường lối Đổi mới của Đảng, Uông Bí tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa với những đột phá ngoạn mục như thế nào, thưa ông?

Thành phố Uông Bí 62 năm xây dựng và phát triển.

Đồng chí Nguyễn Thành Phố: Từ là một thị xã nhỏ, Uông Bí đã vượt khó, có những bước đi hết sức vững chắc. Năm 2008, Uông Bí đã trở thành đô thị loại III; năm 2011 trở thành thành phố và năm 2013 là đô thị loại II. Hiện là tâm điểm của đô thị tiểu vùng miền Tây của tỉnh, địa bàn động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát triển không ngừng.

Phóng viên: Đồng chí có suy nghĩ và cảm xúc như thế nào về thành phố Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh hôm nay?

Đồng chí Nguyễn Thành Phố: Tôi rất vui mừng và tự hào là người dân của thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Thế hệ cán bộ, người dân chúng tôi đã tâm huyết, nỗ lực đóng góp một phần nhỏ xây dựng quê hương đẹp giàu. Tôi hy vọng và tin tưởng các thế hệ bây giờ, mai sau sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống, khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Uông Bí trở thành đô thị xanh thông minh, hiện đại, năng động và phát triển bền vững, là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, góp phần để tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, văn minh, hiện đại.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Uông Bí với hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.

Hồng Hoàn - Hải Ninh (Thực hiện)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8824 Tổng lượt truy cập 91869324