Uông Bí chung sức, đồng lòng xây dựng thành phố

Cuối tháng 2 này, TP Uông Bí tròn 60 năm hình thành và phát triển, 10 năm thành lập thành phố. Trong suốt chiều dài lịch sử trên, Uông Bí từ nền tảng thị xã than điện đã kiên cường chiến thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc, phục hồi kinh tế sau chiến tranh, cải thiện mức sống người dân, nâng hạng đô thị từ loại IV lên loại III, loại II và thành lập TP Uông Bí như hiện nay… Kết quả ấy có sự định hướng, quan tâm, đầu tư của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, trên hết là có sự tham góp, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân. Đây chính là sức mạnh, nguồn lực xã hội lớn lao, đưa Uông Bí phát triển vượt bậc.

Khi thi công tuyến đường Yên Tử dài 7km từ ngã ba Dốc Đỏ (phường Phương Đông) đến ngã tư Nam Mẫu (xã Thượng Yên Công) đã nhận được nhiều sự ủng hộ của nhân dân.
Thi công tuyến đường Yên Tử dài 7km từ ngã ba Dốc Đỏ (phường Phương Đông) đến ngã tư Nam Mẫu (xã Thượng Yên Công) đã nhận được nhiều sự ủng hộ của nhân dân. Ảnh: Đỗ Phương

Ông Nguyễn Thành Phố, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND TP Uông Bí nhớ lại: Chỉ tính mốc thời gian 10 năm trước, khi thực hiện các điều kiện để thành lập thành phố, cả Uông Bí như một đại công trường xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối, các công trình công cộng, chỉnh trang đô thị, giảm nghèo, nâng chuẩn giáo dục… Trên đại công trường ấy, tiếng reo vui chủ đạo chính là việc người dân hào hứng và tích cực, sẵn sàng hiến đất, kiến trúc, công trình xây dựng của mình cho nhà nước; người dân làm chủ thực hiện thắp sáng các tuyến đường dân sinh, tham gia đảm nhận quản lý, phát huy các tuyến đường kiểu mẫu. Doanh nghiệp hồ hởi tham gia ủng hộ gây quỹ để xây sửa nhà ở cho hộ nghèo, chăm lo gia đình chính sách, nhiều đơn vị đứng ra đảm nhận công trình mở rộng lớp học, cứng hóa, xanh hóa sân trường…

Chỉ tính về phong trào hiến đất làm đường, TP Uông Bí khi đó là đơn vị điển hình của tỉnh, từ đây tạo sự lan tỏa và tăng cường sức nặng cho một phong trào nhân văn trên các huyện thị trong toàn tỉnh, giúp Quảng Ninh trở thành hình mẫu trong huy động nguồn lực xã hội. Riêng đối với giáo dục, từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của doanh nghiệp, của nhân dân, Uông Bí đã trở thành một trong ít địa phương đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên trong toàn quốc ở cả 3 cấp học.

Người dân phường Phương Nam cho tháo dỡ hàng rào để xây dựng đường liên khu.
Người dân phường Phương Nam cho tháo dỡ hàng rào để xây dựng đường liên khu.

Những năm gần đây, các hoạt động phát triển của TP Uông Bí đi vào chiều sâu như bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lấy dịch vụ du lịch làm đầu, xóa nghèo, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tăng thu ngân sách, tiếp tục chỉnh trang, cải thiện bộ mặt đô thị… Đáng nói, ở đó vẫn nổi bật vai trò tham gia của doanh nghiệp, người dân với việc thực hiện “Ngày chủ nhật xanh”, trồng mới 1 triệu cây xanh, phân loại rác, góp quỹ hỗ trợ hộ nghèo xóa nghèo...

Đơn cử như trong hoạt động bảo vệ môi trường, những động thái rất đáng ghi nhận từ phía doanh nghiệp là sự đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường thay cho công nghệ cũ phát sinh chất thải, khí thải… Một loạt các doanh nghiệp, than, điện lắp đặt trạm quan trắc tự động, công khai các thông số môi trường đến đơn vị chuyên môn của tỉnh, thành phố và cả người dân. Nhiệt điện Uông Bí thay đổi loại dầu khởi động lò từ FO sang DO; xi măng Lam Thạch thay đổi công nghệ lò đứng sang lò quay, lò ướt sang lò khô; ngành than ngừng vận chuyển than bằng đường bộ chuyển sang băng tải và đường sắt…

Tuyến băng tải than Khe Ngát - Điền Công thời điểm đang tích cực hoàn thiện năm 2017.
Tuyến băng tải than Khe Ngát - Điền Công thời điểm đang tích cực hoàn thiện năm 2017.

Còn đối với người dân, phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, cùng nhau làm sạch đường làng ngõ xóm, thu gom, bốc xúc rác, đất đá thải, nạo vét kênh mương, trồng hoa ven đường, sơn tường rào, vẽ tranh tường… vào mỗi buổi cuối tuần đã trở thành nét đẹp, phát triển rộng khắp, thành nếp và đi vào chiều sâu. Điều này thể hiện ở việc phong trào được duy trì ổn định từ nhiều năm nay, số lượng người tham gia lớn, trung bình 3.000 - 5.000 lượt người mỗi năm, tính tự nguyện và chủ động cao, hiệu quả công việc lớn… Tất cả đã giúp cho Uông Bí từ địa phương đứng trong danh sách đơn vị có nguy cơ ô nhiễm môi trường trở thành điển hình về môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, thuận lợi để phát triển mọi hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Gần đây nhất, trong cả 3 đợt bùng phát đại dịch Covid-19, TP Uông Bí đều phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo địa bàn an toàn trước dịch bệnh, một phần trong đó cũng chính là nhờ sự tham gia, ủng hộ, giám sát và thực hiện của người dân. Ông Nghiêm Xuân Cường, Bí thư Thành ủy Uông Bí khẳng định: Từ những nền tảng đã đạt được đến những kế hoạch, chương trình phát triển trong thời gian tới của TP Uông Bí cho thấy việc huy động sức mạnh toàn dân có tính quyết định trong mọi thắng lợi. Việc này đã và đang được TP Uông Bí thực hiện tốt, tạo nền tảng bền vững để địa phương tiếp tục phát triển vươn tới những tầm cao mới.

Người dân phường Bắc Sơn tham gia
Người dân phường Bắc Sơn tham gia "Ngày chủ nhật xanh".

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23140 Tổng lượt truy cập 91170750