Uông Bí: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Di sản văn hóa được xác định là nguồn lực nội sinh vô giá cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và mỗi địa phương. Trong nhiều năm qua, TP Uông Bí đã nỗ lực để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản, lấy di sản làm dư địa phát triển.

Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa, Uông Bí đã tiến hành tôn tạo, chống xuống cấp phần lớn các di tích lịch sử trên địa bàn; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật, cổ vật, di vật cổ; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu di tích; nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, phục hồi, nâng cấp kiến trúc, cảnh quan của một số thôn mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc trở thành những “bảo tàng sống”; nghiên cứu áp dụng hiệu quả cơ chế chính sách của cấp trên để hỗ trợ và khuyến khích hoạt động, phát triển các câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư.

Tác giả Hoàng Quốc Trung (thứ 2 phải sang) dự hoạt động của Hội VHNT thành phố dưới chân núi Yên Tử.

Bắt nhịp xu hướng số hoá trong di tích, Uông Bí quan tâm tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa toàn diện các không gian văn hóa, di tích và hiện vật ở các di tích lịch sử...

Nhằm quảng bá về Di sản Yên Tử, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh của Yên Tử trên các kênh truyền thông uy tín trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước, thành phố Uông Bí cũng đã xây dựng website riêng về khu di tích Yên Tử trong đó cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của du khách; triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá khu di tích Yên Tử", thực hiện số hóa 3D các không gian văn hóa, di tích và hiện vật ở Yên Tử, giúp du khách có thể dễ dàng tìm hiểu các không gian văn hóa, các hiện vật trên môi trường ảo trước khi đến với Di tích Yên Tử…

Những năm gần đây, việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Uông Bí gắn với thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh uỷ, Thành uỷ Uông Bí đã cụ thể hoá với điều kiện địa phương ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện rất đồng bộ toàn diện về văn hoá, con người Uông Bí với mục tiêu tổng quát, 18 chỉ tiêu cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó đã nêu những chỉ tiêu riêng và giải pháp để Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Uông Bí, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng.

Đến thời điểm này, việc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được đề cử là Di sản thế giới là minh chứng ghi nhận sự nỗ lực của Uông Bí trong việc bảo tồn, gìn giữ một di sản văn hóa vô giá của nhân loại. Thành phố Uông Bí đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện quy hoạch quản lý Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ngay sau khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây là những cơ sở để Uông Bí hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch văn hóa - tâm linh, gắn với phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa trên địa bàn, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy tương xứng giá trị của các di sản trên địa bàn thành phố.

Theo Hoàng Quốc Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Uông Bí/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19434 Tổng lượt truy cập 94706484