UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng
Sáng 12-4, tại Khóa họp lần thứ 204 ở Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức thông qua danh sách công nhận thêm 13 công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất Non Nước của tỉnh Cao Bằng nhận được danh hiệu này vì đáp ứng được tất cả các tiêu chí của UNESCO về cảnh quan, điều kiện địa chất rất đặc biệt cùng với đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội rất đa dạng.
Danh hiệu của UNESCO sẽ tạo điều kiện để Cao Bằng tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững.
Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được UNESCO công nhận. Năm 2016, Cao Nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã nhận danh hiệu này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Trưởng đoàn Việt Nam, việc công nhận của Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa rất lớn. Ngoài các tiêu chí về cảnh quan, địa chất với những đặc điểm đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước còn có yếu tố nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội như đời sống của cộng đồng, dân cư cùng với khu vực địa chất đó.
Các chuyên gia UNESCO: Công viên địa chất Non Nước ở tỉnh Cao Bằng có đầy đủ tất cả những tiêu chí để được công nhận. Ảnh: UNESCO
Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được UNESCO trao cho danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Ở khu vực Đông- Nam Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng Văn của Việt Nam. Danh hiệu công viên địa chất toàn cầu được công nhận lần này là ghi nhận của UNESCO về cảnh quan rất đa dạng, điều kiện địa chất rất đặc biệt của đất nước Việt Nam cùng với đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội rất đa dạng.
Là một tỉnh nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, Cao Bằng có bề dầy về lịch sử, văn hóa, cách mạng, và có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là du lịch. Với những lợi thế như vậy, tỉnh Cao Bằng xác định đây là trọng tâm phát triển để sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Xuất phát từ yêu cầu như vậy, tỉnh đã phối hợp với Viện Địa chất Khoáng sản triển khai các bước để xây dựng công viên địa chất Non Nước, để có thể trở thành công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất Non Nước bắt đầu được triển khai từ năm 2015, với diện tích trên 3 nghìn km2 với 9 huyện và 130 điểm di sản địa chất.
Đến tháng 11-2016, tất cả hồ sơ và ba tuyến du lịch trong công viên địa chất này cũng được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO. Đến tháng 7-2017, nhóm chuyên gia của UNESCO đã đến Cao Bằng để thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến tháng 9-2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non Nước để trở thành công viên địa chất toàn cầu. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.
Đây là một vinh dự không chỉ đối với Cao Bằng mà của cả Việt Nam vì đây là lần thứ hai nước ta nhận được danh hiệu này. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nói: Chúng tôi đến đây với một thông điệp, cam kết với UNESCO rằng chúng tôi rất coi trọng việc xây dựng và phát triển công viên toàn cầu gắn với phát triển bền vững.
Để thực hiện việc này, chúng tôi sẽ phải tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý đúng yêu cầu của UNESCO cũng như mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Thứ 2, sẽ phải tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở vật chất của ba tuyến du lịch, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực, có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương.
Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ nâng cao chất lượng hệ thống đối tác, thuyết minh viên để khai thác một cách triển để, có hiệu quả các di sản địa chất - văn hóa và đa dạng sinh học trong công viên địa chất toàn cầu. Thứ ba là tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học. Thứ 4, tỉnh sẽ tập trung vào việc tăng cường hội thảo và nghiên cứu khoa học, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước để phát huy những giá trị của khu vực này trong mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu. Cuối cùng là tăng cường tuyên truyền và quảng bá hình ảnh du lịch với mục tiêu xây dựng công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng ngày càng phát triển bền vững, gắn bảo tồn các loại hình di sản với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần này có kế hoạch đi thăm công viên địa chất toàn cầu Haute Provence ở miền nam nước Pháp để tham khảo cách tổ chức quản lý, bảo tồn và phát triển ở đây. Ông Guy Martini - Giám đốc công viên địa chất này - là một chuyên gia UNESCO về lĩnh vực này đã tới Việt Nam và cho biết sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác với tỉnh Cao Bằng để chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện để công viên địa chất ở Cao Bằng được tham gia Hệ thống công viên địa chất toàn cầu.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết: Điều này rất quan trọng vì khi đã đạt được các tiêu chỉ của UNESCO rồi, có định hướng rồi, cần có kế hoạch phát triển để xứng với tầm quốc tế. Một khi đã được tham gia hệ thống này, Việt Nam có thể được các nước thành viên chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm, được hỗ trợ và nhận được những đánh giá khách quan về các hoạt động của mình.
Công viên địa chất toàn cầu là một trong những hợp tác cụ thể của Việt Nam với UNESCO, có mạng lưới công viên địa chất toàn cầu gồm các địa phương trên thế giới. Cùng với danh hiệu của UNESCO, hai công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Cao Bằng là nơi để Việt Nam nghiên cứu về địa chất, về khoa học. Đây cũng là những địa điểm thu hút khách du lịch, từ đó thúc đẩy giao lưu giữa các nước.
Nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, Công viên Địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng, có diện tích hơn 3.000 km2, bao gồm 9 huyện với 130 điểm di sản địa chất độc đáo có giá trị quốc tế. Từ năm 2015, UBND tỉnh Cao Bằng đã thành lập Công viên địa chất Non Nước và nâng cấp để đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Ở đây có một khu bảo tồn quốc gia, năm khu bảo tồn loài sinh cảnh, năm khu bảo vệ cảnh quan và hai hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… CVĐC Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, với lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Đây là những di sản địa chất đặc sắc. Tại đây còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu. Theo các nhà nghiên cứu, Công viên địa chất non nước Cao Bằng có những nét hoàn toàn khác biệt so với Cao Nguyên đá Đồng Văn. Quá trình các-tơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của miền núi đá vôi) trên Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu còn đang ở giai đoạn trẻ thì ở Cao Bằng đã ở giai đoạn “trưởng thành” và “già”. Quá trình các-tơ hóa sâu rộng đã sản sinh ra nhiều diện tích đất màu mỡ, phì nhiêu, cộng với điều kiện khí hậu khá ôn hòa, ít xảy ra thiên tai, hạn hán, lụt lội, sạt lở… |
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027