Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam vẫn rất cao

PGS, TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%.

Việt Nam có chiều cao trung bình đứng 19 từ dưới lên

Sáng 26-9, Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao. Theo TS, BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Đông - Nam Á có sự tăng trưởng về chiều cao tăng tốc trong những năm gần đây. Trong 100 năm qua, nữ giới tại Hàn Quốc và nam giới tại Iran có chiều cao tăng trưởng nổi bật. Quốc gia có chiều cao cao nhất là Hà Lan với 182,5 cm, thấp nhất là nam giới ở ĐôngTimo và nữ giới ở Guetamala.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, trong vòng 34 năm qua (1975-2009), chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 4,4 cm (từ 160 cm lên 164,4 cm), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 150 cm lên 153,4 cm). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp.

TS, BS Trương Hồng Sơn cho biết, những năm 2005-2010, chương trình suy dinh dưỡng quốc gia đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng thấp còi lên vị trí số một và chiều cao là vị trí thứ hai. Nhưng từ năm 2010, Việt Nam đã đưa vấn đề chiều cao lên vị trí số một trước thực trạng chiều cao của người Việt Nam vẫn còn rất thấp so với thế giới.

BS Sơn thông tin, có bốn yếu tố liên quan đến phát triển chiều cao là di truyền, hoạt động môi trường, hoạt động thể lực và các yếu tố môi trường khác. Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành. Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao.

“Yếu tố gen lên chiều cao sẽ tăng dần theo tuổi và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi vị thành niên, quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái. 20-40% chiều cao khi trưởng thành được quyết định bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất chính là dinh dưỡng” - TS Trương Hồng Sơn cho hay.

Ngoài ra, một vài yếu tố quan trọng nữa cũng ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ em là các yếu tố bệnh tật như bệnh truyền nhiễm, giun sán, bệnh đường hô hấp; vai trò của giấc ngủ; luyện tập thể thao…

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao

PGS, TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, có cứ sáu trẻ dưới năm tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng. Cứ 10 trẻ có bảy trẻ thiếu kẽm. Cứ hai trẻ có một trẻ thiếu máu.

Thực trạng suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ngoài yếu tố di truyền, theo TS Mai có liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng. Hiện nay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng trong tình trạng cảnh báo.

Trừ Đông Nam bộ đáp ứng nhu cầu vitamin A, còn hầu hết các vùng sinh thái khác, các chỉ số về vi chất dinh dưỡng đều thiếu. Trong năm năm qua, việc thiếu vitamin A cận lâm sàng không giảm đáng kể. Con số này năm 2010 là 14% và đến năm 2015, chỉ giảm được 1%, còn 13%.

TS Lê Bạch Mai cho biết thêm “Khu vực đồng bằng sông Hồng dù đời sống khá hơn nhưng tỷ lệ thiếu máu vẫn giữ nguyên mức từ năm 2000 đến 2010, không thay đổi, trong khi đó, các vùng Tây Nguyên lại thay đổi ngoạn mục. Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu trung bình giảm 28%, nhưng tỷ lệ này ở độ tuổi dưới hai tuổi không thay đổi từ năm 2005-2010”.

Việc lựa chọn thực phẩm chưa đúng, sẽ tạo ra thế hệ tương lai tiêu thụ thực phẩm không phù hợp. Hiện nay, việc các bậc phụ huynh cho con ăn đồ ăn nhanh, sử dụng nhiều nước hoa quả, nước hoa quả trong sữa… kèm theo cacbonhydrat có chỉ số đường cao. “40% đường cung cấp cho trẻ em đến từ sữa. Nhiều mẹ thích loại sữa kèm hoa quả, chưa phù hợp về nguyên tắc hấp thu” - TS Mai cảnh báo.

Tỷ lệ protein động vật chỉ đáp ứng 33%, chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Lượng chất béo tổng số thấp hơn nhu cầu khuyến nghị, do đó, rất khó để giúp cơ thể trẻ nhỏ giảm bớt lượng cacbonhydrat. Năng lượng lipit cung cấp cũng mới chỉ bảo đảm 25%.

Tỷ lệ canxi đáp ứng nhu cầu ở lứa tuổi 6-8 tuổi rất thấp, chỉ chiếm 59% và thấp hơn nữa ở lứa tuổi 9-11, chỉ 45% canxi. Đối với trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, mức đáp ứng nhu cầu canxi cho cơ thể trẻ cũng rất thấp, chưa tới 49%. “Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi cho trẻ nhỏ” - TS Mai cho biết.

Vì một tương lai trẻ không bị suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thấp còi, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, các bậc phụ huynh cần lưu ý bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ gồm khoáng chất như sắt, kẽm, canxi; vitamin A, D, K2…

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17929 Tổng lượt truy cập 94847093