Từ cành mai vàng trong giấc mộng Phật hoàng...
Khi còn ở trong Nam, chưa ra Quảng Ninh công tác tôi không thể hình dung được rằng ở núi rừng Yên Tử, mùa đông gió bấc tràn về khiến ta có cảm giác như đá núi cũng run rẩy, thế mà lại có một rừng mai vàng - loài hoa thường chỉ có ở phương Nam ấm áp...
Mai vàng Yên Tử. Ảnh: Khánh Giang
Mai vàng Yên Tử có tên khoa học là Ochnaceae, nhưng các cụ nhà ta xưa kia gọi là “Kim liên mộc”. Còn người dân dưới chân Yên Tử thì quen gọi là “mai ký đá”. Họ gọi vậy vì căn cứ vào các đặc trưng của loài mai này. Đó là, rễ cây len lỏi ở các khe đá, hút mỡ màu từ đất và khí trời để nuôi thân cành trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng cứ độ xuân về lại bung nở khoe sắc hương. Bởi thế, thật chí lý khi cho rằng, mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn.
Vì phải dành nhựa sống để chống chịu giá rét nên mai Yên Tử nở muộn hơn mai miền Nam một chút. Là “họ hàng” với mai vàng miền Nam nhưng mai vàng Yên Tử lại có sự khác biệt riêng, khó lẫn. Bông hoa có 5 cánh, nở thành chùm nhiều bông, chứ không lác đác như mai miền Nam. Sắc hoa tươi màu vàng chanh và đặc biệt rất lâu tàn. Khi lìa cành, cánh hoa mỏng manh yêu kiều ấy theo gió bay bay khắp vùng rừng núi thâm nghiêm. Mai vàng Yên Tử có hương chay tịnh mà người đời gọi là “lãnh hương”. Nghĩa là trời càng lạnh, hoa càng toả hương thơm bay xa khiến cho lòng người như được hoà nhập với cõi linh thiêng của đất Phật Yên Tử. Điểm khác nữa là lá non của nó lúc nào cũng xanh mướt chứ không nhuộm sắc tím, vàng như các giống mai khác. Nhiều vị sư già đem cành mai về chùa cắm lọ lộc bình, dâng lên ban thờ Phật. Đã hết mùa xuân, dưới chân tượng Phật, hoa đã rụng mà cành vẫn giữ được vẻ tươi xanh.
Về sự tích của mai vàng Yên Tử, truyền thuyết kể rằng, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, về chốn non thiêng này lập nên Thiền phái Trúc Lâm, ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên. Người đời sau tôn kính gọi những cây đó là “Đại lão mai vàng”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tuổi của đại lão mai vàng là gần 800 năm, trùng với sự kiện vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để về Yên Tử tu hành. Với riêng cá nhân tôi, mỗi khi hành hương về Yên Tử, luôn có niềm xác tín rằng rừng mai vàng ở đây nhất định là do vua Trần Nhân Tông và các đệ tử trồng. Vâng, có thể nói, mai vàng Yên Tử không chỉ đơn thuần mang vẻ đẹp của những bông hoa bình thường mà còn có ý nghĩa lịch sử và nhân văn. Mai vàng gắn với cuộc đời và tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Mai vàng là biểu tượng của sự thanh bạch, sức sống bền bỉ, hướng thiện của người Việt theo triết lý “nhập thế”, “đạo gắn với đời”, “cư trần lạc đạo” (ở giữa đời mà vui với đạo) của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sắc vàng của mai gợi ra nhiều liên tưởng đến đạo Phật. Xưa nay, người con Phật coi sắc vàng là sắc kim của thân Phật. Khi đức Phật sinh ra, thân thể chiếu hiện ánh sáng như vàng ròng, nên được đặt tên theo tiếng Ấn Độ nghĩa là “chói sáng như vàng” (tiếng Hán là “kim sắc”). Cõi Phật là cõi hoàng kim. Ánh Đạo Vàng là kim quang của đức Phật. Cờ Phật cũng màu vàng. Bởi vậy, chả trách, khi mùa xuân đã chín, đào phai đã tàn, đưa bước chân lãng du cõi Phật, không ít du khách ngỡ ngàng nhận ra một rừng mai vàng, trông xa như những vạt áo của nhà tu hành trải rộng suốt một vùng. Lúc bấy giờ, trước mắt du khách, Yên Tử vốn đã linh thiêng càng thêm vẻ huyền bí hơn.
Về cây mai nói chung, ta đều thấy thân khẳng khiu mà không yếu đuối; mạnh mẽ, cương trực mà không hề thô ráp; yêu kiều, quý phái mà không xa lạ. Đó cũng là lý do giải thích vì sao hình ảnh mai vàng lại chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Mãn Giác thiền sư, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát và nhiều nhất là thơ ca Lý Trần. Mai vàng còn có một sợi dây liên hệ với cốt cách tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sinh thời, Phật hoàng Trần Nhân Tông rất yêu hoa. Theo di ngôn của các bậc cao tăng, Sơ Tổ khi xưa đã dạy các đệ tử: Buông bỏ hết những cái không buông bỏ được thì chính là cây mai vàng Yên Tử. Qua đó, Điều Ngự Giác Hoàng muốn nhắc nhở rằng, chỉ tu thành chính quả khi đã rũ bỏ được mọi vướng lụy, nhưng hãy giữ lấy tâm thiền. Tâm thiền đó được ví như tinh thần, cốt cách của cây mai vàng Yên Tử.
Tinh thần đó được biểu hiện rất rõ trong những trước tác mà Phật hoàng để lại cho đời. Ngày xuân, đọc thơ Trần Nhân Tông thấy Ngài đã ưu ái dành cho mai vàng một tình cảm rất đặc biệt. Trong 37 bài thơ của Ngài còn tìm lại được đến nay, có đến 20 lần nhắc đến hoa. Chỉ riêng một số bài Phật hoàng nhắc riêng đến hoa mai thôi cũng đủ thấy tư tưởng sâu sắc ở trong đó. Ngài có 3 bài vịnh hoa mai là “Mai”, “Tảo mai kỳ nhất” và “Tảo mai kỳ nhị”. Ở đó, Phật hoàng tả đoá hoa mai năm cánh mở ra bao quanh nhụy điểm vàng. Rừng hoa mai bung nở dưới ánh nắng mặt trời như bóng hoa san hô, như muôn vàn vẩy cá ẩn hiện ở biển khơi. Vào mùa đông, cành mai thường phô ra phía trước. Một thoáng hương thơm vừa mới toả ra đã lan đi khắp khi mùa xuân chợt đến. Hạt sương mai ngạt ngào lưu mùi thơm đánh thức con bướm đang say đắm. Phật hoàng tả đến độ như thế kể ra cũng rất tài tình, rất mới đến mức thậm chí người đời nay cũng khó nói được. Bởi vậy, có thể nói trong con người thiền nhân, hoàng đế Trần Nhân Tông có tâm hồn của một thi nhân yêu hoa, say hoa.
Hai câu thơ đầu trong bài thơ “Tảo mai kỳ nhất” (Hoa mai sớm kỳ 1) của Trần Nhân Tông được nhà thơ Trần Lê Văn dịch: “Năm cánh hoa tròn, vàng nhị phô/ Nổi nênh vảy cá, chìm san hô”. Ở bài “Tảo mai kỳ nhị”, hình ảnh hoa mai lạc vào giấc mộng: “Nhất chi mê nhập cố nhân mộng/ Giác hậu bất kham trì tặng quân” (Một cành hoa lạc vào giấc mộng người cũ/ Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng cho bạn được). Hoa mai quý giá như thế nên có được cành mai vàng Yên Tử để tặng bạn làm sợi dây nối kết tình bằng hữu thì còn gì ý nghĩa bằng nữa. Nhưng cái gì vốn đẹp cũng thường rất hiếm. Mai vàng không nhiều nên người có tính quảng giao, người chủ trương “hòa quang đồng trần” (cùng ở đời mà soi tỏ ánh sáng lẫn nhau) như Trần Nhân Tông thì không thể có đủ mà tặng bạn bè cho được. Vì thế nó chỉ là mơ ước.
Ngày nay, niềm mơ ước khi xưa của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được con cháu hiện thực hoá. Cành hoa mai lạc vào giấc mộng của Phật hoàng đã được nhân rộng trên núi rừng Yên Tử. Phân bố rải rác khắp vùng rừng Yên Tử, nhưng mai vàng tập trung ở 3 khu chính: Khe núi dọc từ chùa Hoa Yên xuống, khu rừng thuộc phường Vàng Danh (TP Uông Bí) và khu rừng thuộc dãy núi xã Tràng Lương, Bình Khê (TX Đông Triều). Nhiều cây có đường kính thân to đến nửa mét, cao chừng 8 mét.
Thật buồn vì những năm trước đây, khi phát hiện trên núi Yên Tử có loài mai quý người ta đua nhau chặt cành, đào gốc các cây mai về để làm cảnh khiến cho số lượng mai rừng giảm đi nhanh chóng. Vậy nên, có một cành mai, cây mai vàng Yên Tử để tặng cho bạn hữu một lần nữa lại là ao ước của nhiều người. Thật may mắn làm sao khi các nhà khoa học tìm ra phương pháp nhân giống hiệu quả bằng cách ghép cành mai vàng Yên Tử trên thân cây mai miền Nam. Phương pháp ghép này làm cho hoa mai ra đúng mùa hơn mặc cho thời tiết giá lạnh, tạo ra một thương hiệu mai vàng của miền Bắc. Còn vui hơn khi biết, gần đây, một số địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang cũng triển khai trồng thử nghiệm giống mai vàng Yên Tử. Đặc biệt, giống mai vàng này còn được bà con Việt kiều ưa chuộng và trồng thử nghiệm tại quận Cam, bang California (Mỹ). Tất cả điều đó một lần nữa cho thấy khả năng dung hợp và hoà nhập của mai vàng Yên Tử. Đấy cũng là tư tưởng mà Phật hoàng muốn để lại cho đời sau gửi gắm qua hình tượng mai vàng.
Chưa dừng lại ở đó, mai vàng Yên Tử cũng đã được Quảng Ninh đưa vào một lễ hội để đua sắc cùng hoa anh đào đến từ xứ sở mặt trời mọc. Tôi thì lại mơ ước xa xôi hơn rằng, khi đã được đưa vào lễ hội thì rồi đây mai vàng Yên Tử sẽ không chỉ còn là biểu tượng cho Thiền phái Trúc Lâm riêng có của Việt Nam nữa mà là loài hoa đại diện cho cả vùng đất Quảng Ninh thân thiện và gọi mời.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027