Triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo khó khăn, sức ép đến điều hành kinh tế, kiểm soát lạm phát và thực hiện các chính sách điều hành tài chính - ngân sách của tỉnh ngày càng gia tăng, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023. Nhờ đó, công tác thu NSNN của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.

Tổng thu NSNN thực hiện 5 tháng 2023 của tỉnh đạt 24.164 tỷ đồng; ước thực hiện 6 tháng đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản, bằng 101% cùng kỳ. Các khoản thu tính vào GRDP là: 12.518 tỷ đồng, bằng 56% dự toán, bằng 106% kịch bản, bằng 102% cùng kỳ. Trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.221 tỷ đồng; 6 tháng ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, bằng 58% dự toán tỉnh giao, bằng 107% so với kịch bản, bằng 95% cùng kỳ; thu nội địa đạt 17.942 tỷ đồng; ước thực hiện 6 tháng 21.000 tỷ đồng, bằng 51% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, bằng 101% so với kịch bản, bằng 104% cùng kỳ; có 7/17 khoản thu đạt tốc độ bình quân gồm: Thu từ DNNN do Trung ương quản lý; thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vùng trời, vùng biển; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết. Về thuế, phí có 5/13 địa phương đạt tốc độ thu bình quân (Móng Cái, Đông Triều, Tiên Yên, Hải Hà, Cô Tô), về tiền sử dụng đất chỉ có TP Móng Cái đạt tốc độ bình quân.

Để có kết quả này, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất kiên quyết, linh hoạt trong điều hành thu ngân sách, yêu cầu Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, nộp và điều hành thu ngân sách, đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh được Trung ương và HĐND tỉnh giao. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; thực hiện kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thương mại… Đồng thời, chủ động đề ra các giải pháp vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và đăng ký kê khai, nộp thuế trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị về chế độ, chính sách thuế, hải quan; chủ động, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế; hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, gia hạn) thuế, phí, tiền thuê đất của Chính phủ, chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp.

Các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; phân tích, dự báo, đánh giá tác động thường xuyên để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nợ, đôn đốc thu hồi nợ thuế và các khoản thuế được gia hạn đến hạn nộp vào NSNN; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu NSNN vẫn còn những hạn chế, bất cập, có 10/17 khoản thu không hoàn thành tốc độ thu bình quân, 9/13 địa phương không đạt tốc độ thu bình quân về thuế, phí; 12/13 địa phương không đạt tốc độ thu bình quân về tiền sử dụng đất. Về cơ bản, thu NSNN từ thuế, phí đạt tiến độ thu bình quân, nhưng chủ yếu vẫn là thu từ ngành than; một số khoản thu chưa đạt tiến độ như: Lệ phí trước bạ, thu phí, lệ phí, tiền thuê mặt đất, mặt nước,... Nguyên nhân là do thị trường bất động sản, chứng khoán kém sôi động; nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh gặp khó khăn do khó tiếp cận được nguồn vốn; một số khoản thu chịu ảnh hưởng bởi chính sách miễn, giảm thuế của Trung ương. Thu tiền sử dụng đất còn chậm do khó khăn trong công tác xây dựng, thẩm định giá đất, vướng mắc trong quy hoạch, thủ tục pháp lý,... Phần giao các địa phương thực hiện thu chưa đạt tốc độ, chủ yếu là do tiến độ thu tiền sử dụng đất.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường điều hành ngân sách trong thời gian tới, chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong điều hành ngân sách những tháng đầu năm 2023. Các ngành, các địa phương phải thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao về công tác thu NSNN năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh, rà soát các hộ kinh doanh để bảo đảm thu đúng và thu đủ; đặc biệt, tập trung khai thác nguồn thu xây dựng cơ bản vãng lai từ các công trình, dự án thi công trên địa bàn; kiểm soát, giám sát chặt chẽ nợ thuế và thu hồi nợ thuế theo quy định…

Theo Bảo Bình/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23867 Tổng lượt truy cập 91451211