Trao đổi với Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, phó phòng LĐ,TB&XH thành phố về Luật trẻ em có hiệu lực ngày 1/6/2017
Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đề cao tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên nhiều lĩnh vực. Để giúp quí vị và các bạn hiểu thêm về luật này, phóng viên của Trung tâm truyền thông - văn hóa thành phố đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Ảnh), phó phòng Lao động, thương binh và xã hội, phụ trách công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em thành phố.
PV: Thưa Bà Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. So với Luật Trẻ em cũ xin bà cho biết những điểm nổi bật của Luật Trẻ em mới?
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Luật gồm 7 chương với 106 điều.
Luật trẻ em 2016 quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi. Luật quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
-Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
- Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồi chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
- Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị cho trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm,…
Luật Trẻ em quy định quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…
PV: Xin bà cho biết Luật trẻ em 2016 có ý nghĩa như thế nào đối với trẻ em hiện nay nói chung và trẻ em trên địa bàn thành phố nói riêng?
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Việt Nam trong đang quá trình hội nhập quốc tế, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng phải nâng cao và toàn diện hơn để đáp ứng được yêu cầu này. Luật Trẻ em năm 2016 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xây dựng bảo đảm cách tiếp cận dựa trên quyền và thể hiện kỹ năng lập pháp hiện đại, xử lý vấn đề một cách tổng thể, mang tính chiến lược; thống nhất với các quy định khác liên quan đến trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Cụ thể, Khái niệm “trẻ em dưới 16 tuổi” không còn giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại việt Nam. Các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước kia chủ yếu tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nay chú trọng việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ cho mọi trẻ em trước khi bị tổn hại. Mặt khác, chuyển hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu của trẻ em sang cách tiếp cận đảm bảo quyền của mọi trẻ em trong xã hội, thúc đẩy việc bảo vệ các quyền trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, Luật được xây dựng gắn với định hướng, chính sách phát triển xã hội liên quan đến trẻ em, trong đó có trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục cơ bản cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc như ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ mặc trẻ em, mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật. Luật quy định cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; việc tổ chức phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các địa phương trong giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.
Với trẻ em TP Uông Bí: Luật trẻ em bắt đầu có hiệu lực, đã làm thay đổi khá nhanh nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc và bảo vệ mình; cơ hội và hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em đang dần được mở rộng. Các em ngày càng có điều kiện bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động có liên quan đến mình dưới nhiều hình thức như: ở trường học, ở địa phương. Để triển khai Luật có hiệu quả và cụ thể, UBND thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách toàn diện như: Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em thành phố Uông Bí giai đoạn 2016-2020.
PV: Được biết Tháng hành động vì trẻ em năm nay của thành phố có chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đây là chủ đề gắn với sự kiện Luật trẻ em mới có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Thành phố sẽ tập trung triển khai những hoạt động cụ thể như thế nào để thực hiện chủ đề này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Bám sát chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi tham mưu cho thành phố triển khai chiến dịch truyền thông Luật trẻ em và phổ biến các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em đến tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức xã hội và khu dân cư. Tập trung vào:
- Tăng cường các hoạt động bảo vệ trẻ em: Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trên cơ sở rà soát, đánh giá các nguy cơ để đề ra biện pháp phòng ngừa, giải quyết; tích cực phát hiện, tố giác và xử lý tội phạm vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức các hoạt động hè tại khu dân cư, trường học có hiệu quả, hình thức cần đổi mới, đa dạng, phù hợp với thanh thiếu nhi. Chú trọng tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội, cứu đuối, các lớp năng khiếu, tin học, ngoại ngữ. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, biết ơn những Người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7).
- Tổ chức các hoạt động chăm lo cho tất cả trẻ em trên địa bàn thành phố nhân dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí cho trẻ em để Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 thực sự là một ngày Hội lớn của trẻ em.
- Vận động các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân dành một phần tiền lương, quỹ phúc lợi để ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em, qua đó tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: trao học bổng, đỡ đầu, khám chữa bệnh, tặng quà, hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tim và bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.
- Quản lý chặt chẽ khi bàn giao học sinh về sinh hoạt tại khu dân cư và bàn giao học sinh trở lại trường, chuẩn bị tốt các điều kiện cho các em bước vào năm học mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp để tổ chức hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động hè năm 2017.
Xin cảm ơn Bà đã tham gia trả lời phỏng vấn!
Phương Lan (Thực hiện)
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027