Tranh gạo Phú Gia

Nằm sâu trong tổ 4, khu Đồng Minh, phường Phương Đông có Cơ sở tranh gạo Phú Gia, hoạt động từ khoảng 3 năm nay.

Anh Phạm Văn Tuân hướng dẫn học trò làm tranh gạo.

Tranh gạo là hình thức còn khá mới mẻ, nhất là trên địa bàn TP Uông Bí. Nguyên liệu để làm tranh hết sức quen thuộc, là những hạt gạo. Qua bàn tay chế tác tỉ mỉ, công phu của những người thợ Cơ sở tranh gạo Phú Gia, hạt gạo được tạo màu, tạo độ cứng, độ bóng, chồng xếp lại với nhau thành đủ loại bức tranh với những chủ đề nhất định, như tranh phong cảnh, phố cổ, tranh lịch, tranh nghệ thuật, tranh làm theo ý tưởng của khách hàng... Người sành thưởng tranh không khó để thấy được sự ấn tượng của những hình khối, độ dày, mỏng trong bức tranh sơn dầu, sự sắc nét, tươi sáng về màu sắc của tranh sơn mài...; cũng tìm thấy sự độc đáo, cuốn hút, giản dị nhưng có chiều sâu, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao ở tranh gạo. Đối với tranh gạo Phú Gia, mỗi tác phẩm còn mang nét đẹp khác lạ, đặc biệt theo hướng mạnh mẽ, đầy khát vọng bởi tác giả cũng là ông chủ Cơ sở tranh - anh Phạm Văn Tuân, vốn là tay ngang, dân cơ khí làm tranh. Hiện anh Tuân là giảng viên bộ môn cơ khí tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh.

Có lẽ bởi vậy, nên trong khi không nhiều người dân TP Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung biết đến Cơ sở làm tranh gạo Phú Gia, thì người trong “làng” mỹ thuật, người rành về tranh ở các vùng trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí ở nước ngoài lại thích thú và là đối tác, khách hàng quen thuộc của cơ sở này. Anh Phạm Văn Tuân cho biết: Hiện các địa điểm Phú Gia gửi tranh bán chủ yếu ở khu vực phố cổ Hà Nội; phương thức khách hàng đặt và nhận sản phẩm thường là qua mạng internet. Năm 2016 có đến 80% doanh thu bán hàng của Phú Gia được giao dịch qua mạng.

Hiện Cơ sở tranh gạo Phú Gia, ngoài thợ chính là anh Tuân, còn có khoảng 10 thợ học việc. Mỗi năm Phú Gia sản xuất khoảng 700 sản phẩm lớn, nhỏ, doanh thu gần 300 triệu đồng. Mặc dù quy mô còn nhỏ, song theo anh Tuân cũng là điều kiện tốt để Phú Gia từng bước phát triển vững vàng dòng tranh còn rất nhiều khó khăn này. Anh Tuân phân tích: Do các công đoạn làm tranh gạo chủ yếu là thủ công, đòi hỏi tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, nên hiện giá thành mỗi tác phẩm còn hơi cao. Dòng tranh này cũng còn tương đối mới mẻ, nên khá kén khách. Tuy nhiên, với sự độc đáo, khác lạ riêng biệt, mang ý nghĩa sâu sắc về một phương thức làm tranh của người Việt và nguyên liệu là những sản phẩm truyền thống dân tộc, nên tranh gạo ngày càng được đông đảo khách hàng biết đến và yêu thích. Riêng đối với Quảng Ninh, là vùng trọng điểm du lịch của toàn quốc sẽ là thị trường tiềm năng của tranh gạo, là cơ sở để tranh gạo trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo dành cho du khách.

Chính từ quan điểm này, nên hiện Cơ sở tranh gạo Phú Gia đang rất khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong làm tranh gạo, nhất là việc rút ngắn các công đoạn chế tác nhằm giảm giá thành sản phẩm và cho ra đời những tác phẩm đẹp mắt, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ninh, thích hợp với sản phẩm du lịch.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19381 Tổng lượt truy cập 94849540