Trải nghiệm "Đêm hội làng" ở Yên Tử

“Yên Tử đêm hội làng” là một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, diễn ra trong không gian Đình Làng tại Làng Nương Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) vào các buổi tối dành cho du khách nghỉ đêm tại đây.

Trình diễn hát chèo tại chương trình “Yên Tử đêm hội làng”.

Chương trình “Yên Tử đêm hội làng” do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tổ chức thực hiện, nhằm giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc nhất trong hội làng của người Dao Thanh Y sinh sống dưới chân non thiêng Yên Tử.

Hội làng của người Dao Thanh Y là ngày tổng kết mùa màng vất vả, chào đón mùa vụ mới với niềm tin mới tràn đầy hy vọng về sự sung túc, bội thu. Trong phần lễ, thầy mo sẽ thực hiện các nghi thức cầu khấn linh thiêng, cầu cho bản làng hạnh phúc và an vui. Sau các nghi thức thắp ngọn lửa thiêng, cầu khấn, mọi người cùng nhau vui chơi với các trò chơi dân gian như: Đánh cờ dân gian, ném còn, kéo co, bắn nỏ hay đẩy gậy, đi cà kheo rồi lại cùng nhau hát đối giao duyên. Hội làng là nơi sinh hoạt tinh thần và tâm linh của cộng đồng người Dao Thanh Y.

Nghi thức múa gà của người Dao Thanh Y.

Bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc của người Dao Thanh Y, chương trình "Yên Tử đêm hội làng" còn tái hiện lại nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, từ các chiếu chèo cổ, các điệu múa dân gian, trống hội truyền thống, múa bài bông thời Trần đến hát xẩm, chầu văn, múa apsara của người Chăm, múa xa- dăm của người Khơ-me và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ngoài được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống, du khách còn được tham gia vào các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử được tái hiện tại đây như: Nghi lễ thắp ngọn lửa thiêng, nghi lễ cầu mùa, lễ cấp sắc v.v..

Và đặc biệt, du khách được trở về với không gian văn hoá cổ xưa của nhà Trần với điệu múa bài bông - một điệu múa đặc sắc được cho là có từ thời Trần thế kỷ XIII. Tương truyền, điệu múa này ra đời cách đây khoảng 700 năm do Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải truyền dạy để ca múa trong ngày lễ Thái bình do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba. Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, nhảy dây, nhảy sạp…

Chị Bùi Hồng Vân, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến với Yên Tử. Đặc biệt hơn, nghỉ đêm ở Yên Tử lại còn được nghe hát dân ca, tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống. Chúng tôi rất thích nơi này và những trải nghiệm quý giá đó".

Du khách tham gia trò chơi dân gian nhảy dây cùng các nghệ nhân.

Đêm hội làng tại Yên Tử thực sự là một sản phẩm du lịch văn hóa, là món quà trải nghiệm độc đáo giàu cảm xúc dành tặng bạn khi đến với Làng Nương Yên Tử. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, nhận định: "Chúng tôi đánh giá rất cao việc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đưa các làn điệu dân ca, các diễn xướng dân gian vào biểu diễn phục vụ du khách. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mà còn góp phần biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch".

Tham gia chương trình, ngoài các nghệ nhân là nhân viên đội biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm Dịch vụ văn hóa, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm còn có nhiều nghệ nhân là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đến giao lưu. Các nghệ nhân đã đem đến cho khán giả và du khách nhiều tiết mục dân ca, dân vũ là những diễn xướng dân gian đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Quảng Ninh.

Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Nguyễn Thanh Hương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, chia sẻ: "Tôi đã đi hát chèo ở nhiều nơi trong nước phục vụ khán giả rồi. Tuy nhiên, được hát chèo dưới chân Yên Tử phục vụ du khách, cảm xúc rất là đặc biệt. Mong rằng những doanh nghiệp tổ chức kinh doanh du lịch khai thác nhiều hơn những làn điệu dân ca để phục vụ du khách, tạo sự hấp dẫn cho các điểm đến ở Quảng Ninh".

Theo Phạm Học/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7193 Tổng lượt truy cập 94788793