TP Uông Bí: Quyết tâm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số
Cán bộ Chi cục thuế khu vực Uông Bí - Quảng Yên hướng dẫn khách hàng sử dụng Hoá đơn điện tử.
Xác định việc thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố phải quyết tâm, quyết liệt, nhanh chóng xây dựng, hình thành được nguồn "tài nguyên mới”, đó là dữ liệu số mở, đảm bảo "sống", "sạch”, đầy đủ, chính xác; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, con người, bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh nói chung, Thành phố Uông Bí nói riêng và phải được liên thông, đồng bộ, chia sẻ trong hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu phục vụ lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế của thành phố; với quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, Uông Bí thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của tỉnh; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp huyện, TP Uông Bí đã lựa chọn được những công việc đột phá trong thực hiện các trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,từng bước định hình, hướng đến tạo những giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp; đồng bộ các giải pháp kiến tạo thể chế, chuyển đổi nhận thức và phát triển hạ tầng nền tảng số.
Nhằm chuyển đổi số một cách toàn diện, ngày 18/02/2022,Ban thường vụ Thành uỷ Uông Bí đã ban Chương trình hành động số 22-CTr/TU và ngày 01/3/2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về Chuyển đổi số của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các xã, phường; triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố.Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND thành phố đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội. UBND Thành phố yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt, tổ chức thành công trong chuyển đổi số. Trước mắt, chủ động tự nghiên cứu, học tập, tìm kiếm, tìm hiểu các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số, đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có nhận thức đúng, đồng tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.
Là cơ quan thường trực, tham mưu cho thành phố về triển khai chuyển đổi số, thời gian qua, phòng Văn hoá - Thông tin đã phát huy vai trò đi đầu thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Theo lãnh đạo phòng Văn hoá - Thông tin thành phố: Phòng đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản, tăng cường tuyên truyền về chính quyền số nhằm thông tin đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu về chuyển đổi số, thông qua sử dụng các ứng dụng nền tảng góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hoá Thành phố xây dựng chuyên trang về chuyển đổi số, đăng tải trên 100 thông tin, dữ liệu về chuyển đổi số.
Phát triển hạ tầng và nền tảng số
Hiện, trên địa bàn Thành phố đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường. Đến 30/4/2022, toàn TP có 233 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%. Trên địa bàn thành phố có 26.789/28.000 hộ gia đình có máy tính, đạt 96%; số hộ gia đình có kết nối internet băng rộng 27.789/28.000, đạt 97,2%; 100% doanh nghiệp có kết nối internet băng rộng. Số dân có sốthuê bao di động 145.161/125.000, bằng 115%, số dân có thuê bao di động băng rộng 115.218/120.000, đạt 96%
Hiện, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức của Thành phố và xã, phường được trang bị máy tính để làm việc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến gồm 3 điểm tập trung tại Thành phố và 10 điểm tại UBND xã, phường phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí.
TP Uông Bí dự Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022 qua đường truyền trực tuyến.
Phát triển kinh tế số, xã hội số
Hiện toàn thành phố có 62 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số; 23 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistic sử dụng công nghệ số. Hết năm 2021, tỷ lệ người dân Uông Bí sử dụng thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động tương đối cao, đạt 96% dân số. Việc sử dụng điện thoại thông minh đã tác động rất lớn đến nhận thức của mỗi người dân về bản thân, về cộng đồng và về xã hội; đây cũng là phương tiện để mỗi người dân, cả cộng đồng có thể tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số.
Thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tương đối phát triển, nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 60% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 70% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử. Hiện tại có 1.035 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Hiện nay, Uông Bí có 38 chứng thư số và 1.253 chữ ký số, trong đó 218 chữ ký số chuyên dùng dành cho cán bộ cơ quan nhà nước, 1035 chữ ký số công cộng dành cho doanh nghiệp và cá nhân. Việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chữ ký số giúp làm giảm thời gian và công sức xử lý giấy tờ cho cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân. Uông Bí có 23 tên miền, trong đó Trung tâm Internet Việt Nam cung cấp 20 tên miền.vn, các tổ chức quốc tế cung cấp 3 tên miền. Với số lượng tên miền như vậy, thông tin về con người, văn hóa, du lịch, giáo dục, doanh nghiệp,thị trường… liên quan đến thành phố Uông Bí trên mạng Internet rất đa dạng, phong phú.
Quyết liệt chỉ đạo trong chuyển đổi số
Để đẩy nhanh chuyển đổi số trên địa bàn, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm hoàn thành các mục tiêu trong năm 2022. Theo đó UBND thành phố yêu cầu: Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường rà soát, bám sát các chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố về chuyển đổi số toàn diện, chủ động xây dựng kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao, thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ công tác do người đứng đầu đơn vị làm Trưởng ban. Khẩn trương rà soát, xây dựng quy chế, quy định bắt buộc sử dụng mạng WAN, mail công vụ, chữ ký số, khai thác chính quyền điện tử, đảm bảo 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng chữ ký số và hệ thống chính quyền điện tử trong công việc. Tỷ lệ hồ sơ công việc tại đơn vị được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 70%. Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong triển khai các chỉ tiêu về chuyển đổi số.
Trung tâm Hành chính công TP đưa vào hoạt động ứng dụng thanh toán trực tuyến bằng cách quét mã QR.
Cùng với đó, tập trung triển khai số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, trong đó, số hoá hồ sơ, kết qủa giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công thành phố từ 01/12/2022 và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã từ ngày 01/6/2023. Riêng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 thực hiện số hoá trong việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã từ ngày 01/7/2022 theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ. Triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước; triển khai nền tảng quản lý số hoá dữ liệu tại TP; triển khai kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở; nâng cấp hệ thống một cửa điện tử, hoàn thành kết nối hệ thống Chính quyền điện tử thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Xây dựng kế hoạch thực hiện bộ chỉ số chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và triển khai phần mềm chấm điểm chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn,thúc đẩy chuyển đổi số, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng ngõ, ngách và các hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; khuyến khích người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn…
Kim Thuỷ
Tin tức khác
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố