TP Uông Bí: "Phát triển dịch vụ đồng bộ, lấy du lịch, thương mại làm cốt lõi"

TP Uông Bí được xác định là một trong 4 trung tâm du lịch, dịch vụ của tỉnh, đặc biệt là du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh. Trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và lợi thế đặc trưng của địa phương, hiện TP Uông Bí đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy dịch vụ làm đầu, xây dựng một thành phố dịch vụ công nghiệp xanh...

(Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)

- Uông Bí đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành thành phố dịch vụ với cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm đến 45%, đến năm 2030 đạt 52%. Mục tiêu này có phải là một thách thức đối với một thành phố công nghiệp như Uông Bí không, thưa đồng chí?

+ Nói là thách thức không sai, bởi “gốc” của kinh tế Uông Bí là công nghiệp. Những năm qua, tỷ trọng công nghiệp luôn chiếm cao nhất trong cơ cấu kinh tế của thành phố, hiện vẫn đạt trên 53%, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng ở khía cạnh khác, đây lại là cơ hội cho Uông Bí phát huy một thế mạnh khác là dịch vụ, về lâu dài còn lợi thế hơn công nghiệp. Thực tế thế mạnh của dịch vụ là hệ thống 28 di tích, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và nhiều khu du lịch sinh thái thắng cảnh nổi tiếng khác, là cơ sở tiền đề để đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch.

Phối cảnh tổng thể Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử, do Công ty Tùng Lâm làm chủ dự án, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, những năm qua Uông Bí đã chuẩn bị nhiều điều kiện để phát triển dịch vụ. Đó là đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch. Qua quá trình kêu gọi xúc tiến đầu tư, hiện Uông Bí đã và đang có nhiều nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực dịch vụ, như: Dự án Bến xe quay đầu, Trung tâm Văn hoá lễ hội và Dịch vụ du lịch Yên Tử với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; Trường quay phim cổ trang Việt Nam, 300 tỷ đồng; Trung tâm Dịch vụ thương mại văn hoá, 300 tỷ đồng... Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ trọng ngành dịch vụ của thành phố đã tăng lên 39%; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây đạt gần 22%, cao nhất trong các loại hình kinh tế, khẳng định khả năng bứt phá mạnh mẽ của loại hình kinh tế này. Uông Bí cũng đã có sự chuẩn bị tốt về công tác môi trường, quy hoạch, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho dịch vụ phát triển. Trong đó hoạt động vận chuyển than đều đã chuyển từ đường bộ sang đường sắt và băng tải; nhà máy nhiệt điện cũ đã dừng vận hành; hoàn thành 7 quy hoạch chiến lược…

- Vậy lộ trình, nội dung phát triển dịch vụ Uông Bí những năm tới như thế nào, thưa đồng chí?

+ Dịch vụ của Uông Bí sẽ phát triển đồng bộ trên nhiều phương diện, song cốt lõi là dịch vụ du lịch và dịch vụ thương mại. Uông Bí xác định loại hình du lịch chính là du lịch tâm linh, lấy Yên Tử làm cốt lõi, theo đó khu dịch vụ cũng có vùng lõi và vùng đệm phục vụ vùng di tích này. Các loại hình du lịch vệ tinh như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao đều có các vùng dịch vụ phục vụ phù hợp.

Về dịch vụ thương mại, hiện thành phố đã hình thành trung tâm thương mại lớn, khách sạn 3 sao; đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại Cầu Sến, Trung tâm Tổ chức hội chợ thương mại hồ Công Viên; tiến tới kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại tại khu vực ngã ba nối với Quảng Yên và ngã ba nối với Hải Phòng; phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ trung tâm đào tạo của tỉnh tại phường Nam Khê. Uông Bí cũng nâng cấp chợ Trung tâm thành phố và chợ trung tâm của 11 xã, phường; phát triển chợ văn hoá tại xã Thượng Yên Công. Các loại hình dịch vụ khác đều tiếp tục được tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Trong đó dịch vụ vận tải sẽ phát triển mạng lưới xe buýt lớn nhất tỉnh và nhiều hạng mục dịch vụ xe chất lượng cao uy tín; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tài chính đặt trụ sở trên địa bàn, tiếp cận nhanh dịch vụ huy động vốn, cấp tín dụng và thanh toán nhằm phục vụ hoạt động tài chính cho các địa phương miền Tây của tỉnh. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sẽ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân…

Chúng tôi đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân của ngành giai đoạn 2016-2020 từ 15-17%, cơ cấu kinh tế dịch vụ (tính theo giá trị thực tế) chiếm từ 42-45%; giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng là 13-15%; cơ cấu 45-52%. Cụ thể, đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt trên 2,7 đến 3 triệu lượt khách (khách quốc tế 12%); đến năm 2030 khoảng 3,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 15-20%). Tỷ lệ khách lưu trú đạt 25% (năm 2020), 30% (năm 2030); thời gian lưu trú từ 1,5 đến 2,5 ngày (năm 2020), từ 1,5 đến 3 ngày (năm 2030). Doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 2.000 tỷ đồng (năm 2020) và 5.000 tỷ đồng (năm 2030). Tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tăng 18-20%/năm. Tăng trưởng bình quân hàng năm của dịch vụ vận tải đạt 13-15%...

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Ý kiến người trong cuộc

 

* Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử Lê Tiến Dũng:

Hiện Uông Bí đang nỗ lực phấn đấu triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5-2-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh “về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, quyết tâm chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế lấy dịch vụ làm đầu. Điều này được thể hiện qua rất nhiều những mục tiêu, giải pháp và công tác triển khai cụ thể của thành phố thời gian qua. Trong đó riêng đối với di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, thành phố đã ưu tiên đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ; trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, phát triển hàng loạt các dự án đầu tư mở rộng về công trình dịch vụ, văn hoá, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường… Với sự nỗ lực này, tôi tin rằng Uông Bí sẽ sớm đạt được những kết quả phấn khởi trong phát triển dịch vụ trên địa bàn.

 

* Giám đốc Xí nghiệp bia Thăng Long Trần Thuý Tập:

Những năm gần đây, du lịch, dịch vụ Uông Bí có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của thành phố theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Uông Bí cần có thêm những chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch, quan tâm đến quyền lợi và môi trường cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vốn vay và cấp tín dụng. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành thực hiện các quy định nhà nước của doanh nghiệp cần tránh sự chồng chéo giữa các đơn vị.

 

* Chủ tịch UBND phường Phương Đông Lưu Quang Trung: 

Trong quy hoạch phát triển dịch vụ của Uông Bí, dịch vụ du lịch tâm linh Yên Tử được xác định là trọng tâm,

cốt lõi. Đây là một lợi thế cho Phương Đông khi vị trí của phường là điểm đầu tiên đón tiếp du khách về Yên Tử. Bên cạnh đó, Phương Đông còn rất nhiều các lợi thế về quỹ đất, về cảnh quan để phát triển các công trình dịch vụ có quy mô lớn. Phương Đông đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn xây dựng các dự án dịch vụ du lịch thương mại, tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay chưa được triển khai đúng tiến độ. Bởi vậy, tôi mong muốn tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho Phương Đông phát huy lợi thế phát triển dịch vụ, trong đó đặc biệt gỡ khó về tình trạng các dự án chưa triển khai như hiện nay.

 

 

* Chị Cao Thị Mai, tổ 16, khu Bí Giàng, phường Yên Thanh:

Tôi rất hoan nghênh chủ trương quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho du lịch của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ lao động, nên nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này còn rất ít. Vì vậy, đi đôi với việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, thành phố cần quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Bởi đây là lực lượng đóng vai trò cầu nối trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Uông Bí đến với du khách.

 

 

 

 

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17413 Tổng lượt truy cập 94760063