TP Uông Bí: Doanh nghiệp tìm hướng phát triển sản phẩm mới

Năm 2021 được đánh giá tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh nói chung và TP Uông Bí nói riêng. Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp của TP Uông Bí đã linh hoạt chuyển hướng kinh doanh hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trên cơ sở tận dụng những lợi thế sẵn có.

Lượng hàng hóa chuyển phát nhanh tại Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên đã tăng khoảng 20 lần so với thời điểm trước dịch.

Xoay chuyển mô hình kinh doanh để thích ứng với đại dịch là cách mà Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên đang hướng đến. Từ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách lớn của tỉnh, 2 năm nay, Công ty này đã mất tới 90% doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19. Hiện Công ty chỉ còn duy trì tuyến xe bus để vận tải hành khách trong tỉnh. Sự tê liệt trong hoạt động vận chuyển khách liên tỉnh suốt một thời gian dài đã khiến Công ty phải cắt bỏ hợp đồng với 1/3 số lượng lái, phụ xe (khoảng 150 người) do không còn khả năng chi trả. Mặc dù hoạt động vận tải hành khách đóng băng nhưng mảng vận chuyển hàng hóa vốn dĩ chỉ là dịch vụ gia tăng thêm của Công ty thì lại tăng tới 20 lần so với trước khi chưa có dịch.

Trước tình thế này, Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên đã tích cực vận chuyển hàng hóa liên tỉnh theo hình thức chuyển phát nhanh để bù đắp lại phần sụt giảm của vận tải hành khách. Công ty đã đầu tư thêm loại xe tải 2,5 tấn và cải hoán một số xe limusin 16 chỗ thành xe bán tải để giao nhận và trả hàng tại nhà. Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa đã bước đầu tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 người lao động và chi phí duy trì hệ thống văn phòng của Công ty.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên chia sẻ: Trong tương lai không xa, khi tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long-Hải Phòng nối với TX Đông Triều được hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Uông Bí và Hà Nội. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Công ty tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa trong cả nước. Hiện Công ty đã báo cáo thành phố và xin địa điểm để xây dựng kho giao nhận hàng hóa. Mục tiêu là đưa Phúc Xuyên trở thành một đơn vị lớn mạnh, chuyên nghiệp trong giao nhận hàng hóa.

Bốc xếp clinker tại Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.

Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (phường Phương Nam) hiện sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn xi măng và clinker mỗi năm. Trong các chi phí đầu vào, mỗi năm Công ty thường mất khoảng 150-170 tỷ đồng để mua bao bì các loại. Nhận thấy được tầm quan trọng của ngành công nghiệp sản xuất bao bì, Công ty đang triển khai các bước để xây dựng dự án Nhà máy bao bì QNC với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng ngay tại khu vực Nhà máy xi măng Lam Thạch 1. Đây là nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng được xây dựng từ năm 1995 nên năm 2017, Công ty đã cho ngừng hoạt động Nhà máy.

Theo kế hoạch, sau khi được các đơn vị chức năng phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty sẽ triển khai các bước tiếp theo để dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2023. Việc loại bỏ một dây chuyền cũ, lạc hậu không đảm bảo về yếu tố năng xuất, chất lượng cũng như môi trường để đầu tư Nhà máy bao bì với công nghệ mới hiện đại, công suất trên 60 triệu bao bì các loại/năm sẽ đáp ứng nhu cầu về bao bì phục vụ sản xuất của Công ty và nhu cầu của các nhà máy khác. Đồng thời, tận dụng hiệu quả quỹ đất, giải quyết công ăn việc làm của gần 200 lao động dôi dư của Nhà máy xi măng Lam Thạch 1, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cán bộ Công ty CP Thông Quảng Ninh hướng dẫn người dân cách khai thác nhựa thông kết hợp bảo vệ cây.

Là doanh nghiệp sản xuất chế biến tùng hương, dầu thông lớn nhất của tỉnh với dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, mỗi năm Công ty CP Thông Quảng Ninh sản xuất trên 5.000 tấn sản phẩm/năm. Hiện sản phẩm tùng hương và sản phẩm chế biến từ nhựa thông của Công ty chiếm khoảng 70% thị phần toàn quốc, trong đó phần lớn xuất khẩu tại các thị trường Á, Âu, mang lại giá trị cao. Dự kiến năm 2021, doanh thu của Công ty sẽ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng (tăng khoảng 160% so với năm 2020). Tuy nhiên, đây vẫn là những sản phẩm thô, một dạng nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm khác.

Ông Dương Văn Thơm, Tổng Giám đốc Công ty CP thông Quảng Ninh chia sẻ: Để nâng cao giá trị của cây thông, Công ty đang tích cực triển khai các bước để xây dựng Dự án mở rộng nhà máy chế biến nhựa thông - dây chuyền công nghệ cao chế biến các sản phẩm sau tùng hương và dầu thông tại phường Phương Đông. Dự kiến năm 2024, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn tùng hương, 5.000 tấn dầu thông đã qua tinh chế sâu, cho giá trị gấp khoảng 1,5 lần so với những sản phẩm chế biến thô hiện nay.

3 doanh nghiệp kể trên nằm trong số nhiều doanh nghiệp của TP Uông Bí đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm hướng phát triển. Chính sự thích ứng một cách sáng tạo và hiệu quả của các doanh nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt công nhân lao động. Doanh nghiệp phát triển cũng đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng của thành phố. Thống kê trong 8 tháng năm 2021, thu ngân sách Nhà nước của TP Uông Bí đạt trên 2.500 tỷ đồng, trong đó 80% tổng thu đều từ đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Theo Hoàng Nga/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12516 Tổng lượt truy cập 94837297