TP Uông Bí: Dấu ấn nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian đô thị

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Thành phố Uông Bí xác định nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, mở rộng không gian đô thị là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển bền vững. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể thấy rõ, mục tiêu này đã được Thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, giáo dục của thành phố đã có những bước phát triển rõ nét, theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Quảng trường 25/2 là nơi vui chơi, tập luyện thể thao của người dân thành phố.

Vào mỗi buổi chiều (trừ những ngày mưa), sân Quảng trường 25/2 của TP Uông Bí đều sôi động không khí vui chơi, tập luyện thể dục thể thao của đông đảo người dân. Người lớn đi bộ, tập thể dục với các dụng cụ ngoài trời. Trẻ em đi xe đạp, thả diều, nhảy dây…Nhiều gia đình với 3 thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cháu cũng thường ra không gian quen thuộc này để giải trí, rèn luyện sức khỏe. Ngày thường đã vậy, còn vào những dịp lễ Tết, Quảng trường càng sôi động, nhộn nhịp hơn bởi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Thành phố tổ chức, tạo không khí phấn khởi, tươi vui, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Khánh thành vào năm 2018, nguồn vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, Quảng trường 25/2 là công trình được xây dựng với nhiều tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố. Đặc biệt trong đó có sự hỗ trợ từ nguồn quỹ phúc lợi của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với kinh phí trên 37,7 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích sử dụng hơn 15.000m2, lớn hơn nhiều lần so với Quảng trường cũ, sức chứa cùng lúc lên tới 10.000 người. Khu vực Quảng trường gồm phố đi bộ, không gian cây xanh, đài phun nước nghệ thuật, biểu tượng cá chép vượt vũ môn. Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, đây không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng, là khu vui chơi công cộng, sinh hoạt thể dục thể thao, giao lưu văn hóa của người dân, công trình còn tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, thu hút khách tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ của thành phố trẻ.

Xét về mục tiêu nâng cấp hạ tầng đô thị, Quảng trường 25/2 đã góp phần quan trọng hình thành một khu vực xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của thành phố theo hướng hiện đại, xứng tầm đô thị loại II.

Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử mang hồn Việt, nét Trần, góp phần nâng tầm hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch của TP Uông Bí. Ảnh: Internet.

Nếu như Quảng trường 25/2 là một trong những công trình tiêu biểu, cho thấy những nỗ lực của Uông Bí trong nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian đô thị thì Khu trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử lại là một điểm nhấn khác về nỗ lực nâng cấp hạ tầng dịch vụ, thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là du lịch. Do Công ty CPPT Tùng Lâm đầu tư, với nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng, Dự án đã đưa vào khai thác dịch vụ các hạng mục như: Khu nghỉ dưỡng Legacy Yen Tu sang trọng, đẳng cấp, xây dựng theo kiến trúc cổ thời Trần thế kỷ XIII, hội tụ tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Làng hành hương, Quảng trường Minh Tâm... Khu trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử mang lại giá trị, trải nghiệm độc đáo cho du khách khi về đất Phật Yên Tử. Đây cũng là một công trình góp phần nâng tầm hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch của TP Uông Bí những năm qua.

Trên đây là 2 trong số hàng chục công trình hạ tầng 5 năm qua được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo nên bức tranh đô thị Uông Bí ngày càng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, các dự án giao thông huyết mạch, mang tính chất kết nối vùng tiếp tục được Uông Bí dồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh và thu hút mọi nguồn lực để đầu tư. Tiêu biểu là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long và Bắc Ninh - Uông Bí; dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ Dốc Đỏ đến Ngã tư Nam Mẫu, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư Nam Mẫu đi Vàng Danh kết nối với tuyến đường từ ngã tư Nam Mẫu đi Hồ Thiên; Đường Trần Hưng Đạo kéo dài...

Bên cạnh đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch, thành phố cũng chú trọng nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông liên thôn, khu, giao thông nội đồng để cải thiện hạ tầng ở các thôn, khu phố trên địa bàn. Đặc biệt, Uông Bí đã ban hành và thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ vật liệu xây dựng các tuyến đường này với phương châm: nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 74 tuyến đường, tổng chiều dài 27,5km, tổng mức đầu tư 48,5 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,8%).

Trường TH&THCS Quốc tế Stephen Hawking được đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy.

Hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa tiếp tục được Uông Bí quan tâm đầu tư. Thành phố đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2; giữ vững 100% trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường mầm non, tiểu học chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 85,7%, vượt 5,7% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra từ đầu nhiệm kỳ, tăng 28,6% so với nhiệm kỳ 2010-2015. Đáng chú ý, thành phố đã thu hút  nhà đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như: Trường Mầm non Hoa Mai Vàng; Trường TH&THCS Quốc tế Stephen Hawking. Hiện Uông Bí đang thu hút đầu tư xây dựng trường chất lượng cao tại các phường Trưng Vương, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thành phố đã mở rộng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, xây dựng Quảng trường 25/2, trụ sở Hành chính liên cơ quan phường Quang Trung...

5 năm qua, với việc tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng điện, nước, thông tin truyền thông bằng các dự án như: hạ ngầm hệ thống đường điện, hệ thống cáp viễn thông và chỉnh trang vỉa hè tuyến đường Quang Trung (tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng); thay thế hệ thống 3.776 bóng đèn chiếu sáng công cộng bằng bóng led tiết kiệm điện; cải tạo hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố với tổng chiều dài 105km… nhiều tuyến phố, khu dân cư của thành phố có diện mạo khang trang, thoáng rộng, đảm bảo an toàn, mỹ quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuyến phố Quang Trung hiện đại, thoáng đẹp hơn nhờ được hạ ngầm cáp điện, viễn thông, đồng bộ hệ thống chiếu sáng, cây xanh.

Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư, như: Dự án Khu đô thị cầu Lạc Trung; Khu đô thị Sao Vàng; Khu đô thị mới trung tâm phường Yên Thanh... cũng góp phần tạo diện mạo hiện đại, mở rộng lựa chọn an cư cho cư dân thành phố, là điểm thu hút các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài khu vực.

Để tạo nên bức tranh sinh động, hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, Uông Bí đặc biệt quan tâm đến các hoạt động công bố, lập qui hoạch chiến lược, mời gọi, xúc tiến, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Thành phố đã hoàn thành lập và công bố 7 quy hoạch chiến lược (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...); phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện các quy hoạch phân khu chức năng theo quy hoạch chung xây dựng thành phố.

Nhiều Khu đô thị mới tạo diện mạo hiện đại, mở rộng lựa chọn an cư cho người dân, thu hút các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài khu vực.

Đặc biệt, Uông Bí đã thực hiện nhiều giải pháp mời gọi, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính, đất đai, đảm bảo an ninh trật tự. 5 năm qua, đã có 59 nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư trên địa bàn. Thành phố chấp thuận cho 39 nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai 40 dự án, tổng mức đầu tư trên 21.506 tỷ đồng. Trong đó, 26 nhà đầu tư đang triển khai dự án, tổng mức đầu tư hơn 5.334 tỷ đồng. 13 dự án đã có phương án đề xuất nghiên cứu thực hiện, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 16.171 tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực triển khai các dự án lớn về thương mại và du lịch gắn với phát triển hạ tầng dịch vụ như: Tập đoàn VinGroup với dự án Trung tâm Thương mại Vincom+; Tập đoàn FLC với dự án Khu đô thị mới Yên Thanh, tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đầu tư dự án Khu đô thị Quang Trung, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng; Công ty CPPT Tùng Lâm đầu tư dự án Khu trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử, nâng cấp hệ thống cáp treo Yên Tử; Công ty TNHH Đức Phú đầu tư Trung tâm Thương mại và văn hóa thể thao thành phố…

Trung tâm thương mại Vincom+ góp phần phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong 5 năm đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với giai đoạn 2010-2015, bình quân tăng 12,48%/năm. Trong đó, vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác trên 23.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 92%, vốn ngân sách 2.040 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8%. Như vậy, cứ 1 đồng vốn ngân sách thành phố đầu tư đã thu hút được 11,7 đồng vốn từ các nguồn ngoài ngân sách. Điều này cho thấy những chủ trương và chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của thành phố đã đi đúng hướng, phát huy hiệu quả cao.

Để tiếp tục đồng bộ, hiện đại hóa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, Uông Bí đã và đang đề nghị tỉnh đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm, gồm: Tuyến đường tốc độ cao phía Bắc thành phố, kết nối thành phố Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều; tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; đoạn đường nối từ tuyến đường ven sông với đường Trần Hưng Đạo kéo dài; nâng cấp tuyến đường nối Quốc lộ 18A vào Trung tâm Tổ chức Lễ hội Yên Tử... Hiện, dự án tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều Tỉnh đã triển khai các thủ tục pháp lý, đốc thúc công tác chuẩn bị đầu tư. Đây là dự án trọng điểm của Quảng Ninh, có vai trò kết nối các khu công nghiệp lớn, tạo lực hút mới thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương miền Tây, trong đó có TP Uông Bí. Đây cũng là động lực để Uông Bí tiếp tục những đột phá về nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản là thành phố du lịch, dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại.

PV

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 25212 Tổng lượt truy cập 91951421