Tối đa hóa các bước thực hiện TTHC trên môi trường mạng
Thời gian qua, Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP (ngày 8/4/2020) của Chính phủ, Chương trình cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 và Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đánh giá thực tế, 5 bước giải quyết TTHC trên môi trường điện tử ngày càng chứng tỏ được tính ưu việt trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ kiểm tra thực tế quy trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tháng 7/2022.
Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền phải đi trước một bước để thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị, doanh nghiệp... về tầm quan trọng của thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 45, tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh hàng loạt quy trình giải quyết TTHC đảm bảo phù hợp theo quy định mới của Nghị định 45. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý vận hành, khai thác, sử dụng cổng dịch vụ công tỉnh; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với gần 2.000 lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền về CCHC, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, quy trình 5 bước giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được đăng tải trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông với tỉnh.
Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trung tâm hành chính công cấp huyện cũng chủ động ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.806 dịch vụ công, trong đó 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.429 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia là 1.223 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Dựa trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử đạt tỷ lệ trên 70% (tăng 20% so với cùng kỳ 2021).
Người dân thực hiện nộp hồ sơ TTHC trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Để thực hiện được quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử, tỉnh tích cực triển khai hàng loạt giải pháp, đáng chú ý tỉnh đã tích hợp thành công chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT-CA trên Cổng dịch vụ công, cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử. Đồng thời, tích hợp thành công chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại các bước theo quy trình xử lý hồ sơ lên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết TTHC.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC. 8 tháng năm 2022, đã có gần 30 tỷ đồng được các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến khi thực hiện các các dịch vụ công của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, từ ngày 1/6/2022, tỉnh triển khai thí điểm số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành trọng điểm, thiết yếu. Đến ngày 1/7, tỉnh thực hiện số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 của Chính phủ. Sau thời gian triển khai thí điểm, các sở, ngành chức năng tổ chức đánh giá, xem xét, mở rộng triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu hồ sơ TTHC ở các lĩnh vực khác và triển khai xuống cấp huyện trong đầu quý IV/2022, sớm hơn so với chỉ đạo của Trung ương.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân nộp hồ sơ TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Qua đó, hoàn thiện quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết TTHC, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội.
Đồng thời, đây cũng là bước tích cực hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, đó là: Đến năm 2023, hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết TTHC được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng...
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán