Toàn dân chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, vì vậy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số đang được cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đẩy mạnh, tích cực triển khai thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả. Qua đó phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đối số đối với đất nước, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Năm nay Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” cho thấy mọi hoạt động đều hướng về người dân, vì một tương lai tươi sáng, hạnh phúc, tốt đẹp với mọi người. Trong đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Năm nay Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay cũng hướng đến thúc đẩy tháng tiêu dùng số; chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; doanh nghiệp công nghệ nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ số; tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" kỹ năng sử dụng dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, tất yếu cho một xã hội số, nền kinh tế số, qua đó giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc, giảm chi phí, giảm phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, mở ra một không gian mới phát triển mới, làm chủ công nghệ, vươn tầm, hoà nhập với thế giới số hiện đại.

Xác định rõ những thuận lợi, tiện ích, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại đối với mọi lĩnh vực và người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan, sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng. 

Hiện 100% thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó bóc tách dữ liệu và lưu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đối với kết quả số hóa hồ sơ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông. Quảng Ninh cũng đang dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ quốc gia.

Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh của Móng Cái.

Với quan điểm người dân làm trung tâm, là chủ thể, là người thụ hưởng trong chuyển đổi số, vì vậy thời gian qua, cùng với việc yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan tích cực chuyển đổi số, Quảng Ninh cũng hướng mạnh công tác này lan toả trong nhân dân, tiêu biểu là đẩy mạnh thành lập, đưa vào hoạt động mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố.

Một trong những thành quả mà chuyển đổi số mang lại là việc thanh toán không dùng tiền mặt, hiện tại nhiều chợ truyền thống, phố thương mại, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh, các tiểu thương, người kinh doanh, cùng người mua sắm đã dần bắt nhịp với thời kỳ công nghiệp 4.0 thanh toán qua các ứng dụng số.

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để hiện thực hoá mục tiêu này, hiện tỉnh đang đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực và nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp, sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2741 Tổng lượt truy cập 94780456