Tín hiệu khả quan từ dòng vốn FDI

Nhờ bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, đồng thời chủ động, linh hoạt, quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, 9 tháng năm 2022, công tác thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Công ty CP Hoá dầu Stavian Quảng Yên ký cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại TP Hạ Long, hơn 150 đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp FDI đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022 do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với VCCI tổ chức. Tại hội nghị, nhiều thông điệp về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh đã được tỉnh gửi tới các nhà đầu tư và ngay sau đó, hai nhà đầu tư lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư hơn 1,7 tỷ USD vào Quảng Ninh.

Trong đó, Công ty Cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa polypropylene (PP) với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Nhà đầu tư thứ hai là Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) với thỏa thuận giữ 7,6ha đất tại Lô đất CN5, KCN Bắc Tiền Phong với DEEP C để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.

Cùng với đó, 3 dự án khác cũng đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại hội nghị, với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD. Trong đó, giấy chứng nhận đầu tiên được trao cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong với Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C. Dự án có tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại tại KCN Bắc Tiền Phong.

Tiếp theo là Dự án Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD.

Cuối cùng là Dự án đầu tư Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, TX Quảng Yên để phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai. Dự án do Công ty Jinko Solar Việt Nam thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD.

Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) là một trong những dự án FDI chất lượng trên địa bàn tỉnh đang hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào bộ mặt thu hút đầu tư của tỉnh.

9 tháng năm 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt khoảng hơn 42.700 tỷ đồng, trong đó, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án FDI với tổng vốn hơn 173 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 68.971 tỷ đồng, bằng 100% kịch bản, tăng 10,15% cùng kỳ.

Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết: Quảng Ninh là địa phương có vị trí địa kinh tế, địa chính trị hết sức nổi trội và là địa phương duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Do vậy, Quảng Ninh được ví như cây cầu nối khối Asean với thị trường trên 1 tỷ dân, thuận lợi cho các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế biên mậu. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế đến phát triển kết cấu hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, và là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện được cộng đồng doanh nghiệp tín nhiệm đánh giá 5 năm liền đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 4 năm liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và 3 năm liền dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)... Vì vậy, không bất ngờ khi Quảng Ninh đã là điểm đến của nhiều nhà đầu tư mạnh và đang tiếp tục được thêm nhiều nhà đầu tư tầm cỡ quan tâm tìm hiểu.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng tỉnh luôn trăn trở, tìm phương hướng, biện pháp để làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Hiện tỉnh đang tập trung đôn đốc và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhất là các chủ đầu tư hạ tầng KCN có vốn FDI như KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Texhong đẩy nhanh tiến độ đầu tư, san lấp mặt bằng và hoàn thiện kỹ thuật đồng bộ (giao thông nội bộ, điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông...) chuẩn bị mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút, kêu gọi đầu tư.

Tỉnh cũng cam kết đảm bảo cung cấp nguồn điện, nước ổn định đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư giai đoạn 1 cảng Vạn Ninh (phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2022).

Cùng với đó, tỉnh cũng đang nhanh chóng hoàn thiện Bộ tài liệu xúc tiến đầu tư năm 2022 để làm cơ sở chung thống nhất cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc của các dự án để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, qua đó đảm bảo chỉ tiêu thu hút đầu tư 1,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022.

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11686 Tổng lượt truy cập 91505759