Tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược

Năm 2022, Quảng Ninh bước vào triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi từ thành công “mục tiêu kép” của năm 2020, 2021, nhưng cũng đối mặt với những thách thức khó khăn vô cùng lớn từ dịch bệnh Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga - Ukaine, xuất nhập khẩu hàng hóa do chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, giá cả xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh. Thế nhưng với quyết tâm chính trị cao độ ngay từ đầu năm, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, quân, dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh đã đạt được những thành quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong đó thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh cũng ghi dấu một số kết quả nổi bật.

Quảng Ninh đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách, trong đó, về đầu tư công tính đến hết ngày 18/11/2022, tổng kế hoạch chi đầu tư công là 17.120 tỷ đồng, chiếm 59% tổng chi ngân sách địa phương. Đã giải ngân được 9.240 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn giao đầu năm, đạt 82,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về đầu tư ngoài ngân sách, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách dự kiến cả năm 2022 đạt 89.026 tỷ đồng, bằng 65,2% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 97.766 tỷ đồng, tăng 10,19%.

Trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữ vị trí quán quân 5 năm liên tiếp (2016 - 2021); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất toàn quốc 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 đứng thứ 2 cả nước. Hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công các cấp tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Công tác chuyển đổi số toàn diện được triển khai đồng bộ, đến nay đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên.

Nhiều năm qua, Quảng Ninh thực hiện thành công ba đột phá chiến lược.

Đối với đột phát về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non tư thục giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030; Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Nổi bật đã khởi công Dự án nhà ở công nhân KCN Đông Mai, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, Dự án nhà ở xã hội đồi Ngân hàng (TP Hạ Long). Thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh vào Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.

Nối tiếp những thành công trong thực hiện thực hiện ba đột phá chiến lược, năm 2023, Quảng Ninh kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hạ tầng nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó trọng tâm là các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); Cầu Cửa Lục 3; Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1) và một số dự án đầu tư trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội...

Trong phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông, phấn đấu năm 2023 hoàn thành mục tiêu mỗi huyện có ít nhất một trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Quảng Ninh tập trung đầu tư, thu hút mọi nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực, trọng tâm là đào tạo nhân lực chất lượng cao; chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn. Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

Trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, Quảng Ninh tiếp tục cải thiện chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí, quyết tâm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 4 chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS; tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư; chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, trong năm phấn đấu thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp.

Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong triển khai ba đột phát chiến lược suốt nhiều năm qua, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Quảng Ninh chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ đột phát triển lược đề ra cho năm mới 2023.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 122742 Tổng lượt truy cập 89333146