Thúc đẩy lộ trình xây dựng hồ sơ di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan và 3 tỉnh vùng di sản là Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã tích cực vào cuộc, đồng hành trong giải quyết các vấn đề để thúc đẩy lộ trình xây dựng hồ sơ di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với mục tiêu chính thức trình lên UNESCO Paris trước 31/12 năm nay.
Đoàn chuyên gia quốc tế của UNESCO về khảo sát tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, năm 2022. Ảnh: Phạm Học
Việc xây dựng hồ sơ cho đến nay đã có những kết quả đáng kể. Trong đó, kết quả khai quật, khảo cổ bổ sung tại 9 điểm di tích trên địa bàn 3 tỉnh, gồm: Yên Sinh, chùa Am Hoa, chùa Trại Cắp (Trại Cấp), chùa Am Thung, chùa Bảo Đài tại Quảng Ninh; các chùa Hồ Bấc, chùa Cao, chùa Đám Trì tại Bắc Giang; chùa Thanh Mai 2 tại Hải Dương, đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá, khẳng định sự phát triển bền bỉ, kéo dài liên tục với những giá trị lớn lao của Phật giáo Trúc Lâm.
Dòng thiền này khởi phát từ thời Trần đến thời Lê, Nguyễn và tồn tại tới ngày nay, có giai đoạn trầm lắng, qua chiến tranh, sự thay đổi tư tưởng… đến thời Lê Trung hưng lại bùng lên, phát triển rực rỡ, không chỉ ở khu vực trung tâm núi Yên Tử mà bốn phía đều phát triển ra... Các tư liệu này đóng góp quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đệ trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
Quá trình tổng hợp nguồn tư liệu khổng lồ viết hồ sơ đề cử, các đơn vị tư vấn đã xây dựng bản thảo Hồ sơ đề cử, gồm 9 chương (khoảng 950 trang) với những nội dung cụ thể, từ xác định di sản, mô tả di sản, lý do đề cử cho tới tình trạng bảo tồn và các yếu tố tác động đến di sản, công tác bảo vệ và quản lý...
Biên tập nội dung câu chuyện chính của chuỗi di tích; dự thảo tóm tắt tổng quan (điều phối, mô tả ranh giới vùng lõi, vùng đệm, tiêu chí, dự thảo tuyên bố về giá trị toàn cầu của di sản, tên và thông tin liên hệ của các cơ quan nhà nước; nghiên cứu và biện luận yếu tố Phật giáo Trúc Lâm liên quan tới từng di tích thành phần; xây dựng các báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực; tổ chức đo vẽ kiến trúc, bản đồ mặt bằng, ranh giới… các di tích theo mẫu tiêu chuẩn; đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch bảo tồn; dịch tiếng Anh các tài liệu về quy hoạch tổng thể các khu di tích, kế hoạch quản lý với từng di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Vật liệu kiến trúc chùa Bảo Đài (TP Uông Bí) được xây dựng thời Lê Trung Hưng xuất lộ qua khảo cổ.
Các nhà khoa học cũng đã xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của các đề tài, phân tích chứng minh tiêu chí lựa chọn của hồ sơ di sản là iii, v và vi. Xây dựng 33 báo cáo chuyên đề (tiếng Việt và tiếng Anh), hệ thống bản đồ các loại khu vực di tích, phân tích đánh giá và lựa chọn các cụm di tích dự kiến đưa vào hồ sơ, hơn 500 bản ảnh, bản vẽ hiện trạng di tích. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, đơn vị tư vấn thường xuyên trao đổi thảo luận, xin ý kiến tham gia của các chuyên gia tư vấn nội bộ quốc tế (bằng hình thức trực tuyến) để đảm bảo chất lượng, tiến độ của hồ sơ đề cử.
Hiện nay, Viện Bảo tồn di tích đang xây dựng hoàn thiện kế hoạch quản lý cho 5 khu di tích trong quần thể di sản, gồm: Khu di tích - danh thắng Yên Tử, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và bản tổng hợp kế hoạch quản lý Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Biển giới thiệu về giá trị di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh được lắp đặt tại khuôn viên chùa Hoa Yên, Yên Tử.
Cùng với đó, các địa phương đã tổ chức triển khai công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường các điểm di tích nằm trong danh mục xây dựng hồ sơ di sản thế giới, như: Lắp đặt biển chỉ dẫn, giới thiệu bằng 2 thứ tiếng (Anh và Việt) giới thiệu các điểm di tích, đồng thời cảnh báo an toàn, phòng cháy chữa cháy; hệ thống camera quản lý tại các tuyến, điểm của di tích, bố trí các trạm y tế, trang thiết bị dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật…
Để thúc đẩy lộ trình hoàn thiện và tiến tới bảo vệ hồ sơ di sản trước các cơ quan trung ương và quốc tế, thời gian tới đây, 3 tỉnh trong vùng di sản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan; chuẩn bị nội dung, tài liệu đón tiếp, phục vụ các chuyên gia quốc tế vào thẩm định thực tế; làm tốt công tác chỉnh trang, bảo vệ cảnh quan môi trường... tại các di tích thuộc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc...
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán