Thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư

Với mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2025, Quảng Ninh đã và đang có những định hướng chiến lược dài hơi. Trong đó, xác định huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, để thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương tiến nhanh, mạnh, bền vững, theo đúng mục tiêu, lộ trình đặt ra.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh làm việc tại Trụ sở Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), tháng 8/2023. Ảnh: Minh Đức

Theo đó, trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh xác định nguồn lực xã hội vẫn sẽ là quan trọng, đột phá để phát triển, đặc biệt là đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, tăng cường kết nối vùng. Theo tính toán, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GRDP là 10% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội rất lớn. Điều này là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định cần phải có những chính sách, cơ chế và cách làm thực sự hiệu quả, phù hợp. Trên cơ sở phân tích kỹ bối cảnh thực tiễn và dự đoán hướng phát triển trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về thu hút đầu tư, bên cạnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh tích cực, trách nhiệm tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, định kỳ tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động. Đặc biệt việc chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường tiềm năng sẽ được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 8 vừa qua, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA) đã tổ chức chương trình đi xúc tiến đầu tư chủ động tại một số nhà đầu tư FDI lớn, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng... Trong khuôn khổ chương trình, IPA đã làm việc với một số nhà đầu tư FDI đến từ các thị trường tiêu biểu, như: Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), VSIP (Singapore), Unilever Việt Nam (Anh Quốc), Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam (Trung Quốc), Công ty TNHH Deli Việt Nam (Trung Quốc). Cùng với đó, Ban cũng đã khảo sát, làm việc tại một số khu công nghiệp tiêu biểu như KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, KCN Yên Phong tại Bắc Ninh, KCN VSIP tại Bắc Ninh... Qua các buổi làm việc cho thấy, các nhà đầu tư FDI lớn rất ấn tượng về những chuyển động của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây, nhất là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI... Đây sẽ được coi là những yếu tố thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư FDI thời gian tới. Cũng thông qua chương trình sẽ giúp Quảng Ninh nói chung và IPA Quảng Ninh nói riêng tìm kiếm được thêm các giải pháp đổi mới hiệu quả xúc tiến đầu tư. Đồng thời, phục vụ công tác thu thập thông tin xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với việc chủ động đi xúc tiến, tìm kiếm đối tác, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với hơn 80 lượt đoàn, trong đó có hơn 60 lượt đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó có nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư có tên tuổi như: Tập đoàn Fetrichor Capital - Malaysia, Công ty TNHH Maersk Việt Nam - Đan Mạch, Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam... Cùng các đoàn, tổ chức uy tín như: Đoàn Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt; đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore; Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN... Đặc biệt, bên cạnh các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... tỉnh đã và đang kết nối ngày một tốt hơn với những đối tác tiềm năng mới như Thụy Điển, New Zealand, Qatar, Vương quốc Bỉ...

Tỉnh cũng chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo tầm cỡ để xúc tiến đầu tư tại chỗ và tham gia tích cực vào các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước. Tại các chương trình tham gia, đoàn Quảng Ninh đều có những phần trình bày, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh và trực tiếp trao đổi, tiếp xúc với các đại biểu tham dự, các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh. Một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn như Sunwah, TAL, S.A.I Leisure (Hồng Kông); Mastern Investment Management (Hàn Quốc); Mubala Engergy, Adnoc, Masdar, Amea, AD ports group (UAE)... đã bày tỏ sự quan tâm và có thể sẽ tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh trong tương lai gần.

Nhờ sự chủ động, tích cực trong xúc tiến đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên Quảng Ninh đã đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh. Thống kê 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Quảng Ninh ước đạt hơn 816,6 triệu USD, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cao nhất cả nước.

KCN Hải Yên, TP Móng Cái được đầu tư hoàn thiện sẵn sàng đón nhiều nhà đầu tư mới. Ảnh: Đỗ Phương

Tỉnh đặt mục tiêu trong 5 năm (2020-2025), sẽ đảm bảo hoàn thành 5 nhóm mục tiêu lớn: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117.000 tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở; hoàn thành đồng bộ hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; hoàn thành cải tạo nâng cấp các hồ chứa nước trọng yếu tại các khu vực Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí, hệ thống cung cấp nước sạch, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch nông thôn; cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường xử lý nước thải, rác thải y tế, sinh hoạt...

Từ mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đối với đầu tư. Đặc biệt, tỉnh cũng xác định nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các KCN theo hướng công nghệ cao, phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất - liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Theo Hoài Anh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9995 Tổng lượt truy cập 91817268