Thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
* Quốc hội thảo luận hai dự án luật
Hôm qua, ngày 10-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận về hai dự án luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Đại biểu QH tỉnh Bắc Cạn phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.
Trước khi bắt đầu phiên họp buổi sáng, QH đã mặc niệm Hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu QH các khóa XI, XII, XIII, XIV; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Trưởng Ban Giáo dục tăng ni T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Tối đa hai triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết với 89,88% số đại biểu tán thành.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đủ 43.119 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có một phần để bố trí trả nợ xây dựng cơ bản. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định, phân loại nợ xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với trách nhiệm bố trí nguồn trả nợ của từng cấp ngân sách, chủ đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Ủy ban TVQH nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc thận trọng trong tính toán, xác định nguồn lực đầu tư là cần thiết, tránh tình trạng dự án dở dang, không hoàn thành do không bố trí đủ vốn như đại biểu QH đã nêu. Do đó, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát các chỉ tiêu tăng trưởng, báo cáo từng nguồn vốn, mức vốn có khả năng huy động và đã xác định tổng mức đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 cao nhất là hai triệu tỷ đồng. Đồng thời, đã bố trí 10% dự phòng để lường khi thu NSNN không đạt kế hoạch.
Theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn NSNN cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Nhiều giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được đề ra, trong đó tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong từng dự án theo quy định của Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công...
Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) và Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, khái niệm tài sản công (TSC) quy định tại khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật là chưa đầy đủ và đồng bộ với hệ thống pháp luật đã ban hành. Cần đưa ra khái niệm TSC phù hợp với quy định tại Điều 53, Hiến pháp năm 2013. Theo đó, TSC bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý hoặc xác lập quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt theo quy định pháp luật thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quyền sở hữu và thống nhất quản lý.
Về phạm vi điều chỉnh, một số đại biểu cho rằng, khái niệm TSC rất rộng, bao trùm tất cả các yếu tố thuộc quyền sở hữu toàn dân, được Nhà nước đầu tư và có nhiều vấn đề đã được đề cập đến tại các luật chuyên ngành. Do đó, khi nghiên cứu xây dựng dự thảo luật, cần xem xét và rà soát kỹ đối tượng, phạm vi điều chỉnh nhằm bảo đảm không chồng chéo với các luật khác. Dự thảo luật này chỉ nên xây dựng như là luật khung, tập trung vào một số đối tượng cụ thể chưa được luật hóa trong phạm vi nhất định, tránh lan man khó thực hiện và không khả thi.
Thảo luận chung quanh nội dung khai thác, sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ chủ thể quản lý TSC, nhất là tách bạch chủ thể sử dụng TSC vì mục đích cho thuê, kinh doanh, dịch vụ với chủ thể quản lý TSC để thể hiện rõ trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân đối với mỗi TSC mà mình quản lý. Các đại biểu cho rằng, việc cho thuê TSC từ trước đến nay vẫn diễn ra, nhưng chưa có quy định cụ thể. Việc luật hóa nội dung này sẽ giảm được tình trạng cho thuê “chui” như hiện nay, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho Nhà nước. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể để giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm, tránh tình trạng khai báo thêm nhu cầu sử dụng để cho thuê trục lợi.
Nhiều ý kiến đề nghị xem xét quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản để góp vốn kinh doanh theo hướng xem xét tính pháp lý của chủ sở hữu tài sản. Vì nếu là TSC thì chủ sở hữu là toàn dân, việc giao người đứng đầu toàn quyền quyết định sử dụng vào mục đích góp vốn xảy ra kinh doanh thua lỗ sẽ khó quy trách nhiệm cá nhân, khi đó Nhà nước lại phải đứng ra trả khoản thua lỗ.
Thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), phần lớn các đại biểu đều tán thành. Việc sửa đổi luật lần này giúp khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách. Có đại biểu cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi trợ giúp pháp lý cho những người thuộc nhóm người yếu thế như: có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ em, người nhiễm chất độc. Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu ý kiến, do sự khác biệt và phức tạp của hệ thống pháp luật hiện hành về độ tuổi trẻ em và người chưa thành niên cho nên ngoài các đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 dự thảo luật, nhóm đối tượng từ đủ 16 đến 18 tuổi chưa được đề cập...
Tôi đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 4 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nội dung: kho số “đẹp” được cơ quan Nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị như biển số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân là tài sản công và được bán đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đại biểu NGUYỄN VĂN CẢNH (tỉnh Bình Định) |
Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) chưa đáp ứng và chưa tương thích với mục tiêu nêu ra trong Tờ trình của Chính phủ nhằm giải quyết những bất cập, những hạn chế của hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian vừa qua, trong đó có nội dung về công tác xã hội hóa để huy động nguồn nhân lực, vật lực trong xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý. Đại biểu NGÔ THỊ MINH (tỉnh Quảng Ninh) |
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027