Thợ mỏ Quảng Ninh làm theo lời Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Vùng mỏ và thợ mỏ Quảng Ninh những tình cảm đặc biệt. Trong 9 lần về thăm đất mỏ, Bác luôn căn dặn cán bộ, công nhân, thợ mỏ ngành than phải đoàn kết, đồng lòng, vượt mọi khó khăn thử thách, sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.
Những lời huấn thị của Bác năm nào vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí của lớp lớp thế hệ thợ mỏ Quảng Ninh, là kim chỉ nam cho những chiến lược xây dựng và phát triển ngành than "trở thành ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác"; thợ mỏ ngành than trở thành đội ngũ có tri thức, sức vóc, kỷ luật và đồng tâm, xứng đáng là những "chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than", đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
63 năm đã đi qua, nhưng trong ký ức anh công nhân trẻ Mai Hữu Phần của công trường Than Đèo Nai ngày ấy vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vào ngày 30/3/1959. Trên công trường đầy nắng và gió, Bác đã dành hơn 1 giờ đồng hồ để nói chuyện thân mật cùng anh em thợ mỏ. Bác căn dặn "Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe, máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa".
"Hình ảnh Bác Hồ với ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và giọng nói ấm áp, đầy sức thuyết phục trên tầng than Đèo Nai ngày ấy đã khắc ghi trong tâm trí tôi và anh em công nhân mỏ. Ai nấy đều xem đó là động lực để thi đua lao động sản xuất, nâng cao sản lượng than. Cũng sau lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy, phong trào sản xuất than ở Đèo Nai và Vùng mỏ đặc biệt lên cao hơn bao giờ hết" - ông Mai Hữu Phần nhớ lại.
Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác đã tặng Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất và căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong lao động sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu.
Thực hiện những lời căn dặn của Người, lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã hăng hái thi đua trong chiến đấu, lao động sản xuất với tinh thần "sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc", lập nên những kỳ tích vẻ vang, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng hơn 80 vạn thợ mỏ đã nỗ lực thi đua, thực hiện xuất sắc những lời dạy của Bác, đạt sản lượng tăng gấp 50 lần ngày đầu tiếp quản khu mỏ, xứng đáng là một trong ba trụ cột của nước nhà. Với hạ tầng công nghệ hiện đại, TKV có điều kiện cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa ở hầu hết các khâu của dây chuyền sản xuất. Thợ mỏ ngành than cũng đang từng bước trở thành đội ngũ lao động công nghệ, có sức vóc và tri thức, đủ năng lực chinh phục những giới hạn của ngành khai thác mỏ, dũng cảm tiến quân mở những gương than mới ở độ sâu hàng trăm mét trong lòng đất.
Thợ mỏ Than Vàng Danh vận hành giàn chống cơ giới hóa để khai thác than.
Từ người thợ lò trở thành Anh hùng lao động, anh Nguyễn Trọng Thái, Công ty CP Than Hà Lầm đã trở thành tấm gương sáng về tình yêu dành cho nghề mỏ và những cống hiến vì sự nghiệp làm than cho Tổ quốc. Suốt 27 năm gắn bó với nghề, thợ lò Nguyễn Trọng Thái luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Từ khi gánh trên vai trọng trách Tổ trưởng Tổ sản xuất, anh càng thêm tâm huyết với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và dẫn dắt Tổ sản xuất đạt năng suất kỷ lục của Tập đoàn.
"Kim chỉ nam cho những bước đi của tôi trên con đường làm nghề thợ mỏ chính là tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Bác Hồ. Học Bác, với tôi là học tinh thần trách nhiệm trong công việc, là tình yêu và sự say mê với nghề, luôn cố gắng để vượt qua khó khăn, thử thách. Những đường lò tôi đã đi qua, những độ sâu tôi đã đặt chân xuống, từng tấn than cùng đồng nghiệp sản xuất cho đơn vị đều là tình yêu của tôi dành cho nghề mỏ và ngành than" - Anh hùng lao động Nguyễn Trọng Thái chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ thợ mỏ trở thành những "chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than", TKV đã phát động và nhân rộng phong trào "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" trong toàn Tập đoàn. Đến nay, toàn ngành có hơn 5.000 thợ mỏ được vinh danh, đóng góp tích cực cho phong trào thi đua sản xuất tại các đơn vị. Có thể thấy, vai trò và vị thế của thợ mỏ Quảng Ninh hôm nay đã bước sang một trang mới, trở thành đội ngũ lao động có tri thức, sức vóc và trách nhiệm đối với ngành than, với đất nước. Họ ngày càng xứng đáng với vai trò "chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than" như lời Bác căn dặn năm xưa. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và nhu cầu than ngày một gia tăng, thợ mỏ Quảng Ninh càng chứng minh tinh thần kỷ luật, đồng tâm, sáng tạo, vượt khó, mỗi năm sản xuất từ 40-42 triệu tấn than cung cấp cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán