Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công

Việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở tất cả các lĩnh vực ngày càng đã trở nên phổ biến. Thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện, nhiều chỉ tiêu trong TTKDTM của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có việc TTKDTM đối với dịch vụ công. Nhờ đó, đã góp phần minh bạch trong giao dịch tài chính và tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.

Người dân bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) sử dụng điện thoại thanh toán lệ phí tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã. Ảnh: Minh Đức

Vài năm trước, mỗi khi đến kỳ lĩnh trợ cấp thương tật hằng tháng, ông Vũ Văn Nhiệm (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) lại đến UBND phường hoặc nhà văn hóa trên địa bàn xếp hàng chờ lĩnh tiền. Theo ông Nhiệm, tuổi cao nên những lần đi lại, chờ đợi như thế với ông khá vất vả. Từ khi được phường và ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng, các chế độ hàng tháng của ông được chi trả qua tài khoản nên rất thuận tiện. Sử dụng dịch vụ banking nên khi có tiền chưa sử dụng đến, ông còn gửi tiết kiệm ngân hàng online nên rất tiện ích...

Thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, thời gian qua, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu cho từng BHXH các địa phương. Hằng tháng, BHXH tỉnh phối hợp với các ngân hàng, Bưu điện tỉnh và các cơ quan liên quan, đơn vị, các điểm chi trả chính sách để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở và sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận chi trả tiền qua tài khoản và thực hiện TTKDTM. Đến hết tháng 3/2024, 13/13 địa phương trong tỉnh đã thực hiện chi trả qua tài khoản với số người được chi trả qua tài khoản là 25.531 người, kinh phí chi trả là 160,6 tỷ đồng.

Cùng với chi trả chế độ an sinh xã hội, việc TTKDTM đang được thực hiện hiệu quả ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình: Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước, đến nay từ ứng dụng eTaxMobile kết nối 21 ngân hàng để hỗ trợ người nộp thuế ứng dụng; 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cũng kết nối thanh toán với các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán để đáp ứng nhu cầu TTKDTM của khách hàng. Ngành Điện đã triển khai ứng dụng QR code cho tất cả khách hàng sử dụng điện để đảm bảo việc thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, tránh nhầm lẫn. Bà Nguyễn Thị Dung (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), cho biết: Trước đây, các nền tảng mạng, công nghệ chưa phát triển thì việc hằng tháng phải đến địa điểm, chờ đợi để thanh toán tiền điện, nước cũng khiến khách hàng mất thời gian, thậm chí có tháng còn quên đóng tiền. Từ khi có kết nối thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng đã rất tiện lợi, đồng thời cũng công khai, minh bạch và lưu rõ các khoản thu nên khách hàng rất yên tâm.

Cùng với các dịch vụ trên, thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH, Sở GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, tăng cường phối hợp với các ngân hàng, tổ chức để triển khai TTKDTM; phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho học sinh khối 11 và 12, đồng thời cấp mã cho từng học sinh để phụ huynh thanh toán tiền học phí. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn đã kết nối với các ngân hàng thương mại triển khai thu học phí bằng phương thức TTKDTM.

Ngành Y tế cũng chủ động và có nhiều giải pháp trong ứng dụng TTKDTM. Đến nay, toàn ngành có 7 đơn vị áp dụng giải pháp thanh toán qua QR động trong thanh toán dịch vụ y tế, như: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Lão khoa, TTYT Hải Hà,… Giải pháp này, giúp quy trình thanh toán viện phí nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn, giảm ùn tắc tại các quầy thanh toán do có thể thực hiện ngay tại phòng khám thông qua dịch vụ Mobile Banking của ngân hàng mà không phải qua quầy thu ngân của bệnh viện.

Người dân, du khách quét mã QR thanh toán khi mua hàng tại Hội chợ OCOP.

Ngoài ra, việc TTKDTM cũng được tăng cường đối với dịch vụ hành chính công. Hiện 100% TTHC có phát sinh phí, lệ phí đã thực hiện thanh toán điện tử khi giải quyết trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện hoặc thanh toán trực tuyến khi tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh phối hợp với Sở TT&TT tích hợp đồng bộ nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC và thanh toán trực tuyến tại Trung tâm; triển khai thí điểm giải pháp TTKDTM bằng mã QR động của Công ty CP Paytech trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh.

Hiện nay, việc TTKDTM ở các lĩnh vực GT-VT cũng được đẩy mạnh. Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe, bến cảng đẩy  mạnh TTKDTM, trong đó triển khai hóa đơn điện tử, học phí, lệ phí điện tử đối với các trung tâm sát hạch lái xe trong tỉnh và thực hiện truyền dữ liệu vận chuyển điện tử, hóa đơn điện tử đối với các bến xe khách, đơn vị vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định và xe buýt… Công an tỉnh cũng phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Quảng Ninh triển khai thu phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, gồm các dịch vụ: XNC cho người nước ngoài, các dịch vụ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và PCCC; dịch vụ công về XNC cho người Việt Nam; dịch vụ đăng ký xe; dịch vụ cư trú...

Đẩy mạnh TTKDTM thúc đẩy sự tiện lợi và linh hoạt trong giao dịch tài chính, góp phần tạo thuận tiện cho các tổ chức và người dân. Tuy nhiên, khi giao dịch TTKDTM, khách hàng cần tuân thủ nghiêm theo các hướng dẫn của tổ chức cung ứng dịch vụ; nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm mạng; bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tránh bị đánh cắp, lợi dụng.

Theo Nguyễn Huế/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10017 Tổng lượt truy cập 94794235