Thành phố Uông Bí hướng tới tương lai bền vững

Được thành lập vào ngày 28/10/1961, Uông Bí khi đó được biết đến là thị xã công nghiêp than, điện - một hạt nhân công nghiệp trong bối cảnh toàn miền Bắc đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Toàn cảnh thành phố Uông Bí.

Đến nay, sau 63 năm xây dựng và phát triển cùng sự nỗ lực bền bỉ, Uông Bí không chỉ phát triển về kinh tế mà còn nổi bật với giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường sống xanh, bền vững, trở thành một thành phố giàu tiềm năng, đang vươn mình trở thành đô thị loại I của tỉnh Quảng Ninh. 

Một góc Hồ Công viên, trung tâm thành phố.

Nằm ở trung tâm tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Uông Bí đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương. Với vị trí thuận lợi giáp ranh các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, và gắn kết thông qua các tuyến giao thông quan trọng Quốc lộ 18, Quốc lộ 10, Uông Bí trở thành đầu mối giao thông quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Than Vàng Danh lắp đặt công nghệ mới - Ảnh: Phạm Cường.

Uông Bí sở hữu nền tảng công nghiệp lâu đời với các mỏ than nổi tiếng tại Vàng Danh và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, đứa con đầu lòng của ngành điện lực Việt Nam. Trong quy hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics của tỉnh với Khu kinh tế ven biển đa ngành Uông Bí - Quảng Yên, không chỉ tạo động lực cho công nghiệp công nghệ cao mà còn góp phần phát triển đô thị thông minh, hiện đại, nâng cao sức hút đầu tư.

Uông Bí là vùng đất gắn liền với những giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt. Đỉnh thiêng Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thiền phái Trúc Lâm, đã trở thành biểu tượng của du lịch tâm linh Việt Nam. Ngoài Yên Tử, thành phố còn có chùa Ba Vàng, đền Hang Son, và nhiều di tích lịch sử khác, thu hút đông đảo du khách thập phương. Tài nguyên thiên nhiên như rừng quốc gia Yên Tử, hồ Yên Trung, núi Phượng Hoàng, thác Lựng Xanh … tạo nên cảnh quan môi trường xanh mát, hài hòa, rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Đỉnh thiêng Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thiền phái Trúc Lâm, đã trở thành biểu tượng của du lịch tâm linh Việt Nam - Ảnh: Đồng Xuân Toàn

Trong nhiều năm qua, Uông Bí đã đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Dự án tuyến đường Yên Tử kéo dài và đường 10 làn xe phía Nam thành phố đã hoàn thiện công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, góp phần hoàn chỉnh kết nối giao thông giữa các khu vực kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, các khu đô thị mới như LICOGI 18.1, khu dân cư Cầu Sến và khu dân cư phường Trưng Vương không chỉ tạo sức hút về bất động sản mà còn cung cấp các dịch vụ tiện ích hiện đại cho cư dân.

Lễ khánh thành Dự án Tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài có tổng chiều dài 2,947km với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng.

Trong định hướng phát triển Uông Bí, thành phố đặt mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2025, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng, cảnh quan đô thị và mở rộng không gian đô thị về phía Nam. Chính quyền thành phố đã triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường, không gian xanh, đồng thời hoàn thiện các công trình văn hóa, giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

 

Công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử do Kiến trúc sư Bill bensley thiết kế, do Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Với định hướng phát triển du lịch bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, Uông Bí đã và đang hướng tới trở thành một “Thành phố Di sản” khi tích hợp bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa với phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch mới như Nhà trưng bày văn hóa người Dao Thanh Y, điểm du lịch sinh thái Khe Song - Thác Bạc đang được đầu tư nhằm thu hút khách du lịch quanh năm. Thành phố cũng tập trung khai thác các điểm du lịch mới dọc chân núi Yên Tử để xây dựng chuỗi du lịch liên kết, tạo thành mạng lưới dịch vụ liên hoàn phục vụ du khách. Những sản phẩm du lịch, đặc biệt là tại các khu di tích, lễ hội và các địa điểm nổi bật sẽ góp phần tối ưu hóa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa hình thức giải trí.

Với định hướng đến năm 2025, phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu do UNESCO công nhận, thành phố Uông Bí cũng đang chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế công nghiệp, công nghệ cao; phối hợp với các trường đại học như Đại học Hạ Long để phát triển quy mô và chất lượng đào tạo.

Dự án Trường TH&THCS chất lượng cao - Trường TH&THCS Quốc tế Stephen Hawking, được đầu tư trên diện tích đất 1,45ha tại phường Yên Thanh.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại công nghệ 4.0, Uông Bí đã triển khai nhiều dự án chuyển đổi số trong quản lý đô thị và dịch vụ công. Thành phố đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thực hiện số hóa các di sản tại Yên Tử, đồng thời ứng dụng công nghệ cao và dữ liệu lớn vào công tác quản lý. Điều này giúp Uông Bí trở thành đô thị thông minh, tạo môi trường sống hiện đại, an toàn và thân thiện với người dân.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành phố theo hướng "xanh và thông minh", thành phố cũng chú trọng đến thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như tỷ lệ rừng che phủ, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, phát triển nguồn nước sạch. Thành phố cũng hướng đến phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất.

Với tiềm lực kinh tế vững mạnh, hệ thống hạ tầng đồng bộ và bề dày văn hóa lịch sử, Uông Bí sẽ tiếp tục là một trong những điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh. Qua các kế hoạch đầu tư phát triển bài bản, Uông Bí không chỉ hiện thực hóa mục tiêu đô thị loại I vào năm 2025 mà còn khẳng định vị thế là một thành phố đáng sống, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh và khu vực.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20026 Tổng lượt truy cập 94707729